Muốn ăn bún cá Châu Đốc thì phải đến TP. Châu Đốc (tỉnh An Giang) thưởng thức mới đúng điệu! Ở thành phố núi du lịch tâm linh nổi tiếng này, hầu như bún cá được bán khắp nơi, từ quán cóc ven đường chỉ vài bộ bàn ghế, đến nhà hàng, quán ăn sang trọng.
Không chỉ khách du lịch phương xa hứng thú với món ăn ngon – bổ - rẻ này, mà người dân địa phương cũng thường xuyên thưởng thức, không cảm thấy ngán.
Không ngán là bởi hương vị của bún cá Châu Đốc rất thanh tao, ít dầu mỡ. Trong tô bún, chỉ đậm vị ngọt lành của cá lóc – thớ cá dai, nhưng cũng mềm mại như tan trong miệng. Cá đã qua xử lý nhiều công đoạn với các loại gia vị (sả, nghệ), nên vàng ươm, vừa thơm, vừa giữ lại độ ngọt tự nhiên của chúng.
Tô bún còn thấm vị ngọt của tôm khô, cùng hòa quyện với nước lèo. Nước lèo được chế biến kỳ công, từ các loại mắm (cá linh, mắm ruốc), dậy thơm mùi ngải bún, nghệ, chuyển sang màu vàng bắt mắt.
Ăn kèm với bún là đủ loại rau phổ biến ở miền Tây. Cơ bản nhất là bắp chuối bào, rau muống bào sợi, giá, rau nhút. Phong phú hơn, có quán bổ sung bông điên điển, bông súng, rau đắng, đậu đũa…
Nước chấm đi kèm bún cũng tùy theo ý thích từng vị khách, từng chủ quán. Người thích ăn muối ớt nặn chanh chua cay đến tận óc. Người thích chan nước mắm ớt mặn mặn cay cay. Có người chịu vị chua của nước mắm me… Loại nào cũng quện với vị bún làm say lòng thực khách.
“Topping” đi kèm bún phong phú không kém. Phổ biến nhất là đầu cá lóc to ụ, làm hương vị tô bún cá đậm đà hơn, giòn sựt phần bao tử cá, dai dai phần gò má cá, béo béo đôi mắt cá…
Ngoài ra, điểm đặc biệt của bún cá Châu Đốc là thường được ăn cùng với thịt heo quay. Miếng thịt được xắt vừa miệng ăn, kết hợp với cá lóc trong cùng tô bún hợp nhau lạ kỳ.
Chả lụa và hột vịt lộn cũng “ăn rơ” với tô bún vô cùng. Sự kết hợp đa dạng khiến món ăn này tạo thành nhiều “phiên bản” khác nhau, mà phiên bản nào cũng ấn tượng, ngon miệng, dễ ăn mà khó quên.
Gần 30 năm, quầy bún Bé Hai vẫn nườm nượp khách, bán luôn tay mới kịp phục vụ nhu cầu ăn uống của mọi người vào mỗi chiều.
Bà Bé Hai “tiếp quản” quầy bún này từ người dì của mình. “Hồi xưa, có mình ên dì tôi bán khu vực này, nên không cần bảng hiệu. Sau đó, 4-5 quán cùng bán, tôi mới để tên mình cho khách dễ kiếm” – bà chia sẻ.
Mỗi người nấu sẽ có cách nêm nếm khác nhau, là “bí thuật” không chia sẻ ra ngoài, để giữ hương vị độc quyền cho tiệm ăn của mình. Chính vì thế, quen ăn ở quán nào rồi, thực khách thường chỉ tới lui quán đó, ít thay đổi. Nhưng tất cả quán bún cá ở xứ Châu Đốc này tạo thành nét văn hóa ẩm thực rất riêng, rất xứng đáng với sự vinh danh của mọi người.
VẠN LỘC