Về một bài ca

12/05/2023 - 05:46

 - Có thể nói một cách tự hào rằng, Trường Chính trị Tôn Đức Thắng có bài hát riêng mình, do nhạc sĩ Trình Minh - trưởng thành trong 2 cuộc kháng chiến - viết rất hay. Bài hát ấy không chỉ là những nốt nhạc, âm thanh đơn thuần, vui nhộn, mà còn là nhân chứng, là tiếng lòng và cả sự quyết tâm của thầy trò nhà trường.

Trong đêm nhạc do Sở Văn hóa - Thông tin tổ chức dàn dựng năm 1998, bài hát “Kỷ niệm mái trường” đã gây sự chú ý, ngạc nhiên và thú vị đối với nhiều khán giả tại nhà hát An Giang (rạp Minh Hiển cũ). Khi tiếng hát của giáo viên Nguyễn Hồng Hoai vừa dứt, nhà hát vang lên những tràng pháo tay kéo dài. Nhạc sĩ Trình Minh nét mặt hân hoan, tay cầm hoa tươi ra tặng người hát.

Ông nói với khán giả: “Mấy chục năm qua tôi sáng tác được hơn 60 bài hát. Chủ yếu là tái hiện phần nào cuộc sống, chiến đấu oanh liệt, ngoan cường của quân và dân An Giang. Sau năm 1975, tôi viết được vài bài, ưng ý nhất là bài “Kỷ niệm mái trường”. Trong bài này, tôi mạnh dạn kết hợp giữa tâm tư, tình cảm và ngôn từ chính trị khi viết về trường Đảng của tỉnh. Giọng hát của thầy giáo đã diễn đạt tốt bài nhạc”.

Ban Giám hiệu trường và một số cán bộ, giảng viên đến dự đêm nhạc rất sung sướng. Bởi, bài hát ra đời hơn 4 năm, qua nhiều lần chỉnh sửa (1994-1998) mới chính thức được công diễn, nằm trong đêm nhạc do Sở Văn hóa - Thông tin tổ chức để tri ân công lao đóng góp sự nghiệp chung của nhạc sĩ Trình Minh.

Tôi là người may mắn biết được quá trình ra đời, phát triển của bài hát dó. Năm 1994, trong một lần ghé thăm, nhạc sĩ xúc động trước tình cảm của thầy trò trường chúng tôi. Được biết, nhà trường đang tìm tư liệu để viết biên niên sử và sáng tác nghệ thuật về trường, ông nảy sinh ý định: Phải viết bài hát tặng trường. Sau bao ngày trăn trở, ông cặm cụi kẻ nhạc, trầm tư suy nghĩ tìm ca từ.

Tôi ôm đàn hát thử cho đồng chí Lê Máy (Hiệu trưởng lúc đó) và nhạc sĩ Trình Minh nghe: “Phơi phới niềm vui trên bước đường đến trường Tôn Đức Thắng An Giang, đồng chí bốn phương chung học đường, trong đại gia đình của Đảng, Đảng là mẹ hiền nuôi lớn bao niềm tin bằng vầng ánh sáng, Mác - Lê-nin, Hồ Chí Minh”.

Điệu valse nhịp nhàng, ca từ khỏe khoắn vui tươi, khiến chúng tôi cảm thấy sự đồng vọng, phấn khởi. Hiệu trưởng gợi ý, nên có vài câu về thân thế sự nghiệp của Bác Tôn và công cuộc đổi mới nông thôn, vì tỉnh ta là nông nghiệp. Nhạc sĩ Trình Minh lại thêm nét nhạc, thêm lời: “Người suốt đời bao nỗi lo toan, chỉ một mưu cầu hạnh phúc cho dân. Đền ơn người chung sức ta xây, dân giàu nước mạnh rạng rỡ quê hương. Từ con đường Trường Đảng Bác Tôn, đi vào công cuộc đổi mới nông thôn”.

Những lần sau xuống thăm trường, ông sửa thêm nhạc, thêm lời theo sự góp ý của nhà trường và học viên. Cứ mỗi lần có lễ lớn hoặc các lớp ra trường, tôi ôm đàn hát cho giáo viên, học viên và đại biểu nghe. Tôi hát như một nghĩa vụ, một niềm tâm sự và lời nhắn nhủ chung: “Lưu luyến nhìn nhau trao nỗi niềm công ơn thầy ơn Đảng mãi trong tim, lòng luôn khắc sâu một lời nguyện trung thành với lý tưởng của Đảng. Mình vì mọi người, cống hiến cho đời chung, tự hào chiến sĩ, Đảng tiên phong của núi sông. Rời mái trường tỏa khắp muôn phương, chào bạn bè đồng chí thân yêu, kỷ niệm mái trường lòng vẫn mang theo”.

Tôi rất khâm phục tác giả Trình Minh, vì ông đưa vào bài nhạc những tâm tình, gửi gắm suy tư cũng như công việc của thầy trò trường Đảng. Ca từ của ông khái quát được tình cảm mà cũng rất chính trị (điều này, người khác rất ngán làm, và không phải ai cũng làm được), phù hợp với cảnh, tình, vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ chính trị của một trường chính trị tỉnh. Trong tình hình chuẩn hóa trường chính trị tỉnh, thành phố theo chủ trương của Trung ương, của tỉnh hiện nay, bài hát càng thêm ý nghĩa sâu sắc.

Có học viên, sau khi ra trường, đến tìm nhạc sĩ, bảo rằng: “Tôi rất thích bài hát, tôi thuộc và xin hát cho nhạc sĩ nghe”. Tuy hát không đúng nhạc lắm, nhưng nhạc sĩ Trình Minh rất xúc động, chân thành cảm ơn học viên. Ông xúc động vì tác phẩm của ông đang sống trong lòng người, nhất là học viên trường chính trị tỉnh An Giang.

Theo sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu, Chi đoàn Thanh niên nhà trường luyện tập, học hát bài, xem như là bài hát truyền thống của đơn vị, để biểu diễn, lan tỏa đến học viên và xã hội. Đó là nét mới trong hoạt động văn hóa của cơ quan, của tuổi trẻ nhà trường, khi hưởng ứng, thực hiện chuẩn hóa trường chính trị cấp tỉnh, thành phố theo chủ trương của Trung ương, của Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nhạc sĩ Trình Minh tên thật Trình Minh Trị. Trong kháng chiến chống Mỹ, bạn bè, đồng chí gọi thân mật là Mười Trị. Ông nổi tiếng với các bài hát: "Chiếc áo nàng Sa Rết", "Du kích núi Dài", "Bão lửa Thất Sơn"... Ông mất năm 2010, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ TX. Tân Châu.

THUẬN THẢO - ĐỨC HIỀN