
Các trường tổ chức về nguồn tại “địa chỉ đỏ” trong tỉnh
Hơn 1 tháng qua, nhiều “địa chỉ đỏ” trong tỉnh đã đón các đoàn học sinh đến tham quan, tìm hiểu, học tập, như: Khu Di tích lịch sử cách mạng Ô Tà Sóc, nhà mồ Ba Chúc, đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn); chùa Bà Bài (TP. Châu Đốc), Cột Dây Thép (huyện Chợ Mới), đền thờ Quản cơ Trần Văn Thành (huyện Châu Phú), chùa Giồng Thành (TX. Tân Châu)… Những hoạt động ngoài không gian lớp học đã mang đến cho các em thiếu nhi nhiều trải nghiệm thú vị. Với truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, giáo viên và học sinh đã thắp hương, dành phút tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc trước sự hy sinh quả cảm của các anh để giữ gìn nền độc lập, tự do cho đất nước.
Hòa cùng không khí cả nước đang hướng về những ngày lễ lớn của dân tộc, hơn 70 giáo viên, nhân viên và học sinh Trường Tiểu học “A” Đa Phước (huyện An Phú) đã du khảo về nguồn tại huyện Tri Tôn. Chuyến đi trang bị cho học sinh kiến thức bổ ích về lịch sử dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, giúp các em rèn kỹ năng sống. Các em được đến nhà mồ Ba Chúc, Khu Di tích cách mạng Ô Tà Sóc, theo dòng lịch sử để tìm hiểu thêm trang sử đầy hào hùng của dân tộc, về những năm kháng chiến chống quân xâm lược. Tại đồi Tức Dụp, đoàn đã tham gia hát Quốc ca, tham quan phòng truyền thống, hang C6, hang Quân y, hang Thanh niên… Các giáo viên, nhân viên và học sinh còn được xem những hình ảnh tư liệu và nghe thuyết minh về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam tại nhà mồ Ba Chúc, thực hiện nghi thức dâng hương, tưởng niệm…
Đây cũng là điểm đến của các Trường THCS - THPT Phú Tân tổ chức cho cán bộ Đoàn, chỉ huy Đội và các học sinh có thành tích tiêu biểu trong học tập, hoạt động phong trào. Em Ngô Gia Quỳnh, học sinh lớp 7A1, cho biết: “Lần đầu tiên tham gia du khảo về nguồn, em rất phấn khởi vì được biết nhiều hơn về lịch sử của tỉnh, cảm động trước sự hy sinh của các Anh hùng liệt sĩ để giữ bình yên, mang lại hòa bình cho đất nước. Ngoài sách vở dạy về lịch sử của đất nước, học qua chuyến du khảo về nguồn giúp em thêm hiểu hơn về lịch sử địa phương và quê hương mình đang sinh sống”...
Cô Nguyễn Thụy Ý, giáo viên Ngữ văn của Trường THCS - THPT Phú Tân chia sẻ: “Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là chương trình giáo dục toàn diện cho học sinh. Do đó, du khảo về nguồn là hoạt động được tổ chức thường xuyên hàng năm của Đoàn và Đội nhằm giúp học sinh tham gia có sự gắn kết với nhau, biết hoạt động nhóm và hỗ trợ lẫn nhau, ôn lại những kiến thức đã học. Đặc biệt, các sự kiện lịch sử năm nay là “năm tròn”, tổ chức du khảo về nguồn để các em hòa cùng không khí cả nước, được trải nghiệm ở các khu di tích; biết được cần phải sống, cống hiến như thế nào, có được mục tiêu học tập trong tương lai. Trong trường học, lịch sử địa phương được lồng ghép ở nhiều môn: Lịch sử, Ngữ văn, Giáo dục công dân... Giáo viên cho các em thấy được truyền thống của cha ông như thế nào, lịch sử vẻ vang của dân tộc ra sao. Không chỉ trường tổ chức, từng bộ môn, giáo viên cũng tạo điều kiện cho các em trải nghiệm những làng nghề truyền thống ở địa phương, hiểu được quê hương mình đẹp như thế nào…”.
Trên địa bàn tỉnh có rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa gắn với lễ hội, phong tục, tập quán mang đậm giá trị văn hóa bản địa. Các trường học đã đưa bộ môn Giáo dục lịch sử địa phương vào dạy học, nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức bổ ích về lịch sử của quê hương, đất nước. Cùng với đó, giáo viên chú trọng lồng ghép vào các môn học, hoạt động ngoài giờ, dùng những hình ảnh minh họa thực tế đưa vào bài dạy để các em nắm rõ hơn, sâu hơn về kiến thức lịch sử địa phương. Các trường còn đặc biệt quan tâm đến giáo dục truyền thống, giáo dục di sản với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, sáng tạo, hiệu quả. Học sinh được học qua các hội thi, hội diễn, tọa đàm, giới thiệu, sân khấu hóa, tham quan, trải nghiệm tại các khu di tích… nhân các ngày lễ, kỷ niệm lớn của đất nước, của Đảng, Đoàn…
MỸ HẠNH