Vé tàu xe tết ngày càng căng thẳng

19/01/2024 - 14:11

Hàng không bổ sung hàng vạn vé mỗi ngày; đường sắt cũng nối thêm toa, bổ sung thêm chỗ. Song nhu cầu tăng cao khiến vé tàu xe cao điểm tết không tránh khỏi tình trạng khan chỗ, giá cao ngất ngưởng.

Vé mở đến đâu, bán hết đến đó

Cục Hàng không VN vừa tiếp tục điều chỉnh tham số điều phối tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để phục vụ hành khách dịp cao điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Đây là lần thứ 2 nhà chức trách hàng không thực hiện điều chỉnh tham số điều phối slot tại Cảng Tân Sơn Nhất, trên cơ sở đánh giá nhu cầu vận chuyển của các hãng hàng không và năng lực phục vụ của các đơn vị, nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân trong giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán.

Theo đó, Cục Hàng không điều chỉnh tăng tham số điều phối đường cất hạ cánh tại Tân Sơn Nhất các khung giờ ban ngày (6 - 23 giờ 55) từ 44 slot/giờ thành 46 slot/giờ, các khung giờ đêm (0 - 5 giờ 55) từ 40 slot/giờ thành 42 slot/giờ, trong giai đoạn từ 1.2 đến hết 21.2 (tức từ 22 tháng chạp đến hết 12 tháng giêng).

Giá vé máy bay cao ngất ngưởng nhưng nhu cầu về quê ăn tết bằng đường không của người dân vẫn không hề hạ nhiệt

Các slot tăng thêm được dành cho các đường bay đang có tỷ lệ đặt chỗ cao, cần ưu tiên bổ sung ngay tải cung ứng như từ TP.HCM đi Pleiku, Quy Nhơn, Chu Lai, Buôn Ma Thuột, Huế, Tuy Hòa, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Quảng Bình, Hải Phòng, Vinh.

"Với việc tăng tham số điều phối, các hãng hàng không VN sẽ được xác nhận thêm 48 slot/ngày, tương đương với khoảng 10.000 ghế/ngày, để bổ sung thêm vào các đường bay nêu trên, góp phần "không để xảy ra tình trạng người dân chậm về quê ăn tết do không có phương tiện vận chuyển" theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ", lãnh đạo Cục Hàng không thông tin.

Trước đó, Vietnam Airlines Group (gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cũng thông báo tiếp tục tăng thêm hơn 66.200 ghế, tương đương hơn 310 chuyến bay nội địa, trong giai đoạn cao điểm tết từ 25.1 - 24.2, nâng tổng số chỗ cung ứng dịp Tết Nguyên đán 2024 lên 2,64 triệu ghế. Hãng Bamboo Airways cũng đón 2 máy bay Airbus A320 mới dự kiến tăng tải 20% cung ứng dịp tết, tăng tần suất khai thác trên các đường bay trục chính Hà Nội - TP.HCM, giữa Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, các đường bay địa phương có nhu cầu cao giữa TP.HCM và Vinh, Thanh Hóa, Hải Phòng… Vietjet cũng gấp rút tiếp nhận 4 máy bay "thuê ướt" vào đội tàu 103 chiếc của hãng nhằm phục vụ nhu cầu khách tăng cao.

Trái ngược với tình trạng có phần "thờ ơ" khi hàng không mới mở bán vé tết từ gần nửa năm trước, nhiều hành khách đang loay hoay chưa biết tính đường nào về quê ăn tết, bởi dù được bổ sung hàng vạn ghế mỗi ngày nhưng nhiều chặng đường hàng không dịp cao điểm Tết Nguyên đán đến nay đã "khóa sổ". Đơn cử, chặng từ TP.HCM về Quảng Ngãi đã hết sạch chỗ từ 2.2 - 10.2 (tức từ 23 tháng chạp đến mùng 1 tết). Những người con Quảng Ngãi muốn về quê ăn tết mà bây giờ mới tìm vé máy bay thì chỉ còn cách về sớm hẳn trước Tết Ông Công, Ông Táo hoặc sau ngày mồng 1 đầu năm mới.

Chuyển sang tàu hỏa cũng khó vì tuyến TP.HCM - Quảng Ngãi đi vào các ngày từ 2.2 - 7.2 hầu như không còn vé. Các chặng dài hơn như TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Vinh vé đi vào các ngày cao điểm cũng chỉ còn ít vé ngồi, ghế phụ. Mặc dù trước đó, toàn ngành đường sắt đã nối thêm hàng chục toa tàu, mở thêm 7.000 chỗ tăng tải phục vụ người dân.

Đại diện một hãng hàng không cho biết mặc dù bối cảnh kinh tế chung khó khăn, người dân thắt lưng buộc bụng nhưng nhu cầu về quê ăn tết sau cả năm lao động xa xứ vẫn không hề thuyên giảm. Tỷ lệ bán vé dịp cao điểm tết 2024 của hãng vẫn tương đương năm 2023. Thực tế, nhu cầu có thể còn cao hơn con số thống kê nhưng nhìn chung, tải cung ứng của hàng không năm nay bị hạn chế nhiều hơn so với năm ngoái. Nguyên nhân do đội bay của các hãng giảm mạnh, dù doanh nghiệp hàng không cố gắng "thuê ướt" tàu bay phục vụ cao điểm nhưng cũng không thể bù đắp hết được cho đội tàu phải "nằm đất" vì nhiều lý do kỹ thuật. Đó cũng là lý do dẫn đến tình trạng một số đường bay "nóng" vé mở đến đâu bán hết đến đó, dù giá vé máy bay được nhìn nhận cao hơn mọi năm.

Xe khách liên tỉnh "dễ thở" hơn

Mặc dù nhiều nhà xe cũng thông báo đã bán hết vé những ngày cao điểm, song vận tải hành khách liên tỉnh dịp tết năm nay ghi nhận không quá "nóng" như đường sắt và hàng không. Tại đầu TP.HCM, các nhà xe lớn như Phương Trang, Chín Nghĩa, Thuận Thảo… đều thông tin đã bán hết vé giường nằm từ giai đoạn 23 - 29 tháng chạp trên các tuyến từ TP.HCM đi các tỉnh miền Trung như Đà Nẵng, Huế, Quy Nhơn, Quảng Ngãi. Tuy nhiên, hành khách vẫn còn nhiều lựa chọn mua vé xe tăng cường của các đơn vị vận tải ủy thác cho bến xe bán khi đến mua vé tại Bến xe Miền Đông mới.

Bến xe này dự kiến có gần 110.000 lượt khách lưu thông trong 20 ngày cao điểm trước và sau tết (tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái). Phương án tăng cường phục vụ cao điểm cũng đã được Bến xe Miền Đông mới triển khai từ sớm. Theo đó, Tổng công ty cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn (SAMCO) đã phát hành vé, tổ chức bán vé trước trên một số tuyến đường có nhu cầu tăng đột biến, các tuyến đường có nhu cầu của hành khách nhưng đơn vị vận tải không có phương tiện đưa vào phục vụ. Đồng thời, bến xe đề nghị các đơn vị vận tải tăng cường phương tiện dự phòng để giải tỏa khách trong trường hợp có biến động tăng nên vẫn đảm bảo đủ năng lực khai thác.

Các tuyến từ TP.HCM đi miền Tây Nam bộ, Đông Nam bộ năm nay cũng không căng thẳng do các tuyến cao tốc mới được đưa vào khai thác đã giúp người dân có thêm lựa chọn phương tiện về quê. Dự tính ngày 29 tháng chạp mới kết việc để về ăn tết với gia đình, năm nay chị Trần Thị Thanh Hiền (quê Trà Vinh) không còn phải lo chạy vạy mua vé xe sớm vì hai vợ chồng đã quyết định tự chạy xe. "Giờ đường đi đẹp hơn, dễ hơn, nhanh hơn trước nhiều nên tự chạy xe về luôn cho chủ động. Vé xe ngày tết thường đắt, mọi năm tôi mua giá cao gấp đôi ngày thường. Tự chạy xe về, tính tiền xăng chỉ bằng nửa đi xe khách nên nhiều người làm lao động tay chân như tôi cũng chọn tự đi xe cho tiết kiệm", chị Thanh Hiền chia sẻ.

Riêng tuyến TP.HCM và các tỉnh phía nam (Bình Dương, Đồng Nai…) về Hà Nội 2 năm trở lại đây đều ghi nhận tình trạng ế do công nhân bị thất nghiệp nhiều, nhu cầu về quê dịp tết ngày càng ít. Nhiều nhà xe chạy tuyến này dịp tết năm nay dự báo lượng khách năm nay tiếp tục giảm 40%, vẫn còn rất nhiều ghế trống.

Cục Hàng không vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam, Bình Định; Phú Yên và Gia Lai về việc phối hợp tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Theo đó, nhà chức trách hàng không kiến nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở GTVT rà soát, yêu cầu các đơn vị khai thác các tuyến xe buýt đi/đến cảng hàng không lập kế hoạch, tăng tần suất khai thác và tăng thời gian hoạt động của các chuyến xe buýt đi/đến các cảng hàng không, đặc biệt là vào khung giờ ban đêm. Rà soát, yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải khác trên địa bàn như taxi, xe công nghệ tăng thời gian hoạt động, tăng số lượng các phương tiện đến cảng hàng không để phục vụ khách có nhu cầu, đặc biệt là các hành khách trên các chuyến bay đêm đi/đến cảng hàng không. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thanh tra, kiểm tra, công an địa phương… tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, duy trì an ninh trật tự tại cảng hàng không; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân liên quan đến tình trạng xe dù, tình trạng lôi kéo hành khách, ép giá khách và tăng giá vé trái quy định.

Theo Thanh Niên