Thí sinh tham gia kỳ thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành năm 2019. Năm nay trường này không tổ chức kỳ thi riêng ẢNH: DUY ANH
Từ năm 2020, trong quy chế tuyển sinh ĐH, Bộ GD-ĐT có quy định chi tiết điều kiện để các trường tổ chức tuyển sinh riêng. Theo đó, cơ sở đào tạo ĐH muốn tổ chức thi riêng cần đáp ứng các điều kiện như: có bộ phận độc lập chuyên trách thực hiện chức năng tổ chức thi tuyển sinh, bảo đảm nhân lực đáp ứng các yêu cầu về năng lực quản lý và chuyên môn để tổ chức tốt kỳ thi riêng... Đặc biệt yêu cầu các trường tổ chức thi riêng phải có ngân hàng câu hỏi thi...
Quy định chặt chẽ nên số lượng các trường ĐH tư thục muốn tổ chức kỳ thi riêng cũng giảm hơn trước.
Muốn ổn định bằng kỳ thi tốt nghiệp THPT
Năm nay, Trường ĐH Công nghệ TP.HCM cũng không tổ chức thi riêng dù năm 2019 trường cũng đã tổ chức kỳ thi này. Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Phó trưởng phòng Truyền thông, việc tổ chức thi riêng đòi hỏi các trường phải đáp ứng những tiêu chí nhất định. Trường cũng sẽ hoàn thiện các tiêu chí tốt nhất trước khi tiến hành thi riêng để đảm bảo chất lượng và hiệu quả xét tuyển.
Thi để chọn thí sinh cho mục tiêu riêng
Năm nay Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng vẫn giữ kỳ thi riêng như 2 năm qua. Ông Nguyễn Việt Thái, Trưởng phòng Tuyển sinh - Truyền thông nhà trường, cho biết: “Kỳ thi năng lực riêng giúp trường chọn ra được những học sinh chất lượng nhất để đảm bảo chất lượng đào tạo theo tiêu chuẩn riêng. Thêm vào đó, ngoại ngữ cũng là một yêu cầu không thể thiếu đối với các chương trình mà trường đang đào tạo. Kỳ thi này có thi môn ngoại ngữ nên sẽ giúp chúng tôi chọn được những sinh viên có khả năng phù hợp”.
“Hiện nay kỳ thi tốt nghiệp THPT đảm bảo tốt việc phân hóa năng lực học sinh nên vẫn sẽ là phương thức xét tuyển chính của Trường ĐH Công nghệ TP.HCM và nhiều trường khác. Trường đang giữ ổn định 4 phương thức tuyển sinh, điều này phát huy tốt hiệu quả cho cả công tác tuyển sinh của trường lẫn cho thí sinh xét tuyển. Vì vậy, trường vẫn muốn ổn định để không tạo những xáo trộn và thay đổi trong công tác tuyển sinh, thí sinh yên tâm học tập và đạt kết quả tốt theo các phương thức xét tuyển ổn định”, thạc sĩ Dung chia sẻ.
Dự định rồi lại hoãn
Trong Đề án tuyển sinh năm 2021, ban đầu Hội đồng tuyển sinh Trường ĐH Nguyễn Tất Thành đã đưa vào một phương thức xét tuyển bằng kỳ thi đánh giá năng lực riêng do trường tự tổ chức. Tuy nhiên, chỉ mới vài ngày gần đây, lãnh đạo nhà trường đã quyết định tạm hoãn kỳ thi này.
Giải thích lý do của quyết định này, tiến sĩ Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, cho biết: “Gần đây, khi họp Hội đồng tuyển sinh, sau khi phân tích các điều kiện, các thành viên thống nhất là muốn củng cố, dành thời gian để chuẩn bị cho việc thi riêng chuẩn mực và kỹ càng hơn. Quan trọng nhất là cần đầu tư nhiều hơn cho ngân hàng đề thi của kỳ thi này. Một lý do khác là, việc xác định chỉ tiêu của trường đào tạo mỗi năm dựa trên quy mô cơ sở vật chất, sinh viên ra trường, sinh viên học tại trường... Sau khi xác định thì chỉ tiêu năm nay của khối sức khỏe bị giảm so với mọi năm. Vì vậy, nếu chia nhỏ chỉ tiêu ra cho kỳ thi riêng thì chưa hợp lý lắm trong khi phương thức xét điểm thi THPT và xét học bạ vẫn thấy đảm bảo chất lượng và đủ nguồn để xét tuyển”.
Tuy nhiên, tiến sĩ Trần Ái Cầm cho biết có thể năm sau trường sẽ tổ chức thi riêng. Đây vẫn luôn là mong muốn của nhà trường bởi thi riêng thì sẽ tự chọn được sinh viên mình mong muốn, có tố chất phù hợp với việc đào tạo ngành nghề cụ thể tại trường.
Năm 2019, nhà trường đã tổ chức kỳ thi riêng và dành 20% chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh này. Thí sinh dự thi tối thiểu 2 môn toán hoặc ngoại ngữ và một trong các môn tự chọn (văn/lý/hóa/sinh) theo đề thi trắc nghiệm. Đề thi do đội ngũ ra đề là giáo viên các môn học này ở TP.HCM. Tuy nhiên, năm 2020, vì nhiều lý do, trường không tiếp tục tổ chức kỳ thi này.
Theo ĐĂNG NGUYÊN (Thanh Niên)