Vị thế An Giang trong vùng đất “Chín Rồng”

04/02/2024 - 13:29

 - An Giang là tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm: TP. Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Khi hệ thống giao thông được kết nối đồng bộ, điểm nghẽn về cơ chế chính sách và nguồn nhân lực được tháo gỡ, vị thế của An Giang sẽ được phát huy, khẳng định vai trò là tỉnh trọng điểm ở vùng kinh tế Tây Nam của Tổ quốc, cửa ngõ kết nối ASEAN, trung tâm điều phối lúa gạo, thủy sản của vùng.

Vị trí chiến lược

Trong hành trình khai mở đất phương Nam, An Giang sớm được triều Nguyễn xác định là vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng, cả về quốc phòng - an ninh và tiềm năng kinh tế. Nằm ở đầu nguồn sông Cửu Long, An Giang là tỉnh duy nhất có cả dòng sông Tiền và sông Hậu chảy qua, cung cấp nguồn nước ngọt quanh năm, có điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, đa dạng sinh học, lợi thế sản xuất nông nghiệp hàng đầu cả nước.

Khi danh thần Thoại Ngọc Hầu chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế, vừa có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng lâu dài, vừa dẫn dòng nước sông Hậu ra Hà Tiên, tạo thuận lợi giao thương, khai mở kinh tế vùng biên viễn. Tương tự, kênh Thoại Hà kết nối dòng nước ngọt xuống Rạch Giá, đánh thức vùng kinh tế rộng lớn dọc An Giang, Kiên Giang.

Tiếp nối tầm nhìn của các bậc hiền nhân, An Giang giờ đây là tỉnh duy nhất có cửa khẩu quốc tế kết hợp đường bộ và đường thủy (xã Vĩnh Xương), Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, cùng nhiều cửa khẩu quốc gia và cửa khẩu phụ, rất thuận lợi cho hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Campuchia, đặc biệt là vận tải đường thủy đến cảng Phnom Penh (Vương quốc Campuchia) qua Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (TX. Tân Châu).

An Giang là địa phương cấp tỉnh có mối quan hệ hợp tác quốc tế tốt đẹp với Vương quốc Campuchia, đặc biệt là quan hệ tích cực với các tỉnh biên giới trên nhiều lĩnh vực. Đây là yếu tố “mềm” rất thuận lợi, kết hợp với yếu tố “cứng” về hạ tầng kết nối qua cửa khẩu đường bộ và đường sông, giúp An Giang phát triển kinh tế biên giới, trung tâm đầu mối giao thương quốc tế vùng với khu vực ASEAN qua cửa ngõ Campuchia.

Khi Tịnh Biên được nâng cấp lên thị xã, cùng với TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu tạo thành các đô thị động lực, phát huy điểm mạnh, lợi thế về vị trí trung tâm của An Giang khi nằm giữa 3 thành phố lớn: TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Phnom Penh để trở thành các trung tâm đầu mối, giao lưu, hợp tác quốc tế quan trọng bậc nhất của vùng ĐBSCL, vùng TP. Hồ Chí Minh với Campuchia và một số nước trong khu vực ASEAN.

Động lực phát triển mới

Dù có vị trí quan trọng nhưng do nằm cách xa các trung tâm kinh tế lớn, hạ tầng giao thông yếu kém nên nhiều doanh nghiệp lớn còn ngán ngại đến đầu tư tại An Giang. Điểm nghẽn này đang được tháo gỡ khi các dự án hạ tầng kết nối tạo đột phá của vùng ĐBSCL đang được tập trung đầu tư, đặc biệt là các tuyến cao tốc “trục ngang”, “trục dọc” kết nối TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ và kết nối nội vùng ĐBSCL, như: Cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau dài 260km; cao tốc Bắc - Nam phía Tây (tuyến N2), đoạn Chơn Thành - Rạch Sỏi dài 292km; cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dài 150km; cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, hướng tuyến từ Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên kết nối với đường Nam Sông Hậu và cảng nước sâu Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng), dài 191km; cao tốc Hà Tiên - Rạch Giá - Bạc Liêu dài 205km; tuyến Trà Vinh - Hồng Ngự dài 188km.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết, cùng với cầu Châu Đốc đang được đầu tư, tỉnh đề xuất xây dựng thêm cầu Tân Châu - Hồng Ngự (nối qua Đồng Tháp), cầu Năng Gù (nối Châu Phú - Phú Tân), cầu Thuận Giang (nối Chợ Mới - Phú Tân) cùng nhiều tuyến quốc lộ quan trọng (91, 80, 80B, 80C, N2, N1).

Đây là cơ hội để tỉnh đón nhận các làn sóng lan tỏa công nghiệp từ trung tâm sản xuất công nghiệp vùng Đông Nam Bộ, làn sóng dịch chuyển đầu tư và chuỗi cung ứng toàn cầu (vốn FDI) về tỉnh, nhất là các ngành có xu hướng dịch chuyển nhiều, như: Dệt may, thiết bị điện tử, viễn thông, phụ tùng, linh kiện, hàng hóa, trang thiết bị y tế và dược phẩm thiết yếu, năng lượng, tài chính, bất động sản…

An Giang giữ vai trò quan trọng trong khu vực ĐBSCL

Giai đoạn đến năm 2030, An Giang tập trung đầu tư khu kinh tế cửa khẩu Tịnh Biên, gắn kết với tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Giai đoạn sau năm 2030, thu hút đầu tư khu kinh tế cửa khẩu Vĩnh Xương, Khánh Bình, gắn kết với các tuyến Quốc lộ 80B, Quốc lộ 91, tuyến N1. Từ đó, hình thành hành lang kinh tế với một đầu là cảng biển nước sâu Trần Đề, qua trung tâm kinh tế vùng tại TP. Cần Thơ, kết nối với khu kinh tế cửa khẩu An Giang; phát huy các hành lang kinh tế dọc sông Tiền, sông Hậu, hành lang kinh tế biên giới theo trục N1.

Trong xu hướng tiêu dùng xanh ở mọi sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, An Giang có cơ hội trở thành trung tâm đầu mối lúa gạo, cá tra của vùng theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ, thực phẩm chế biến sạch, kết hợp phát triển du lịch sinh thái; thu hút đầu tư vào nông nghiệp xanh; tận dụng các hành lang kinh tế để đưa sản phẩm ra thế giới với giá thành cạnh tranh, nâng cao giá trị nông, thủy sản, tăng thu nhập cho người dân.

Tầm nhìn phát triển

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước, định hướng phát triển của An Giang là trở thành tỉnh năng động, hiện đại, văn minh, sinh thái và bền vững, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng ĐBSCL, bảo đảm phát triển bao trùm (mọi người đều được tham gia quá trình phát triển và cùng được hưởng thụ thành quả của phát triển, không bỏ ai lại phía sau) và hướng tới thịnh vượng; phát triển vì con người, chú trọng gìn giữ và tôn tạo sự đa dạng văn hóa, các giá trị truyền thống, lịch sử; tôn trọng quy luật tự nhiên và bảo vệ các hệ sinh thái tự nhiên.

Thời kỳ 2021 - 2030, Chính phủ sẽ tập trung nguồn lực để kết nối ĐBSCL với TP. Hồ Chí Minh, tập trung phát triển hành lang nằm giữa TP. Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh. Sau năm 2030, sẽ mở rộng hành lang sang phía Bắc, dọc theo trục sông Tiền, sông Hậu, kết nối với Campuchia và các nước Tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS); xác định kết nối hàng hải quốc tế qua cảng Trần Đề, tạo đường ra riêng cho vùng ĐBSCL.

Trong động lực phát triển của vùng, cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (quy mô 6 làn xe) có tác động rất quan trọng, tạo hành lang kinh tế từ cửa khẩu An Giang kết nối với cảng biển Trần Đề, phục vụ xuất, nhập khẩu trực tiếp cho vùng trong tương lai, thúc đẩy phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics liên quan đến nông nghiệp của vùng ĐBSCL.

Theo Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ hình thành trung tâm đầu mối cấp vùng tại Long Xuyên - là nơi hội tụ tất cả các loại công nghiệp, dịch vụ, logistics liên quan đến nông nghiệp; xây dựng đô thị Long Xuyên trở thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành. Đồng thời, xây dựng trung tâm đầu mối tại An Giang về lúa gạo, thủy sản; liên kết không gian, phát triển hệ thống cảng sông, đường thủy nội địa và đường bộ của vùng Tứ giác Long Xuyên, Nam Sông Hậu và Đồng Tháp Mười để phục vụ cho trung tâm đầu mối.

Với vị trí, vai trò quan trọng và những điểm nghẽn được tháo gỡ, An Giang phấn đấu đến năm 2030, là tỉnh có nền kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững. Định hướng đến năm 2050, An Giang là tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Cửu Long; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao; là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế. An Giang trở thành “thủ phủ” của ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tinh của cả nước; là đích đến của các nhà đầu tư vào nông nghiệp, chế biến thực phẩm lớn của thế giới; là đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng ĐBSCL với khu vực ASEAN…

An Giang có diện tích tự nhiên 3.536,7km2 (chiếm 8,7% diện tích ĐBSCL), dân số hiện có hơn 1,9 triệu người (chiếm 11% dân số ĐBSCL), là địa phương có vị trí địa kinh tế, địa chính trị chiến lược của vùng ĐBSCL và cả nước.

HOÀNG XUÂN