Toàn cảnh phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ ở New York (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)
Ngày 7-6-2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 đã tiến hành bỏ phiếu bầu các Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020- 2021. Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao kỷ lục 192/193.
Nhân dịp này, Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền, nguyên Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao đã trả lời phỏng vấn báo chí, chia sẻ cảm nhận về những bước phát triển của Việt Nam tại tổ chức đa phương lớn nhất thế giới này.
- Là người có nhiều năm gắn bó với công tác về Liên hợp quốc, bà có thể chia sẻ cảm xúc về kết quả bỏ phiếu vừa qua và cảm nhận của mình trước những bước phát triển của Việt Nam tại tổ chức đa phương này?
Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền: Việt Nam trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 là niềm vui và vinh dự của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, đối với thế hệ chúng tôi, những người có trên 30 năm công tác về Liên hợp quốc, đây còn là một sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, làm chúng tôi rất xúc động và tự hào, nhớ lại quãng đường đầy gian nan, vất vả sau chiến tranh khi Việt Nam mới trở thành thành viên Liên hợp quốc năm 1977 và sau đó.
Trong giai đoạn này, Việt Nam bị bao vây cấm vận, phải chịu đựng muôn vàn khó khăn về mọi mặt. Trong tình thế khó khăn đó, nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam tại Liên hợp quốc là đấu tranh phá thế bị bao vây cấm vận. Giai đoạn này, Việt Nam vẫn tranh thủ được các nguồn lực từ viện trợ trực tiếp không hoàn lại của hệ thống phát triển của Liên hợp quốc để phục vụ công cuộc khôi phục đất nước sau chiến tranh.
Khi tình hình bắt đầu có chuyển biến thuận lợi, năm 1992, Việt Nam lần đầu tiên đảm nhận và đã hoàn thành tốt vai trò Chủ tịch luân phiên nhóm châu Á.
Việc này đánh dấu sự mở đầu cho một thời kỳ mới, thời kỳ Việt Nam phá thế bị bao vây cấm vận, đổi mới, hội nhập, tham gia ngày càng tích cực vào các cơ chế hoạch định chính sách của liên hợp quốc như: Hội đồng Kinh tế, Xã hội (ECOSOC), Hội đồng Bảo an, Hội đồng Nhân quyền... và có những đóng góp tích cực như một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Qua đó, hình ảnh Việt Nam ngày càng được nâng cao.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-Liên hợp quốc ngày càng hiệu quả và trở thành một ví dụ điển hình về hợp tác phát triển giữa các nước đang phát triển với tổ chức Liên hợp quốc: Việt Nam đã đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, cam kết phấn đấu đạt các Mục tiêu Phát triển bền vững, đặc biệt xóa đói nghèo, đi đầu triển khai sáng kiến của Liên hợp quốc về “Thống nhất hành động”...
- Theo bà, việc Việt Nam trúng cử vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an lần thứ hai này có ý nghĩa như thế nào đối với vị thế của nước ta tại Liên hợp quốc nói riêng và trên trường quốc tế nói chung?
Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền: Việc Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc lần thứ hai này, thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm của các nước thành viên Liên hợp quốc đối với Việt Nam, một nước có đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, tôn trọng và cam kết mạnh mẽ đối với các nguyên tắc và mục tiêu cao cả của Liên hợp quốc; luôn mong muốn đóng góp nhiều hơn vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đề cao luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, thúc đẩy vai trò của Liên hợp quốc và các thể chế đa phương, đặc biệt trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.
Điều này chẳng những khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta mà còn thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế, giúp Việt Nam có thêm thuận lợi để phát huy vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác, nhằm thực hiện nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước.
- Bà đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong thời gian qua để có được thành công này?
Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền: Từ năm 2010, Việt Nam đã đăng ký ứng cử vào Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, ngay sau khi kết thúc thành công nhiệm kỳ đầu tiên 2008-2009.
Nhằm đạt được số phiếu ủng hộ cao nhất, 10 năm qua, Việt Nam đã triển khai một kế hoạch vận động và tuyên truyền rất tích cực, rộng khắp, dưới nhiều hình thức, đặc biệt là việc đưa vào nội dung trao đổi, làm việc của lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước Việt Nam với lãnh đạo các nước trong các cuộc tiếp xúc, các chuyến thăm, tham dự các hội nghị quốc tế... Đồng thời, Việt Nam đã tích cực vận động ở New York, Geneve, Hà Nội và thủ đô các nước. Việt Nam đã được nhóm châu Á Thái Bình Dương (gồm 54 nước) ủng hộ và nhất trí thông qua là ứng cử viên duy nhất của nhóm từ rất sớm.
Trong những năm qua, thông qua Liên hợp quốc, Việt Nam đã giới thiệu một cách có hiệu quả để các nước hiểu rõ hơn đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, vì hòa bình, hợp tác và phát triển, là bạn và đối tác tin cậy, thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, cũng như những thành tựu toàn diện trong công cuộc đổi mới của Việt Nam.
Những kết quả trên, cùng với việc Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2008-2009, đặc biệt việc lần đầu tiên từ tháng 6-2014, Việt Nam cử lực lượng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, cử một bệnh viện dã chiến cấp II đến Nam Sudan năm 2018... đã giúp các nước có cái nhìn về một Việt Nam tích cực, chủ động, có trách nhiệm và có khả năng tham gia đóng góp vào công việc chung của Liên hợp quốc.
- Với kinh nghiệm nhiều năm làm công tác đa phương, theo bà, Việt Nam cần phải có những bước chuẩn bị gì khi tham gia vào Hội đồng Bảo an lần này để thích ứng với tình hình mới?
Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền: Để hoàn thành trọng trách mà các nước thành viên Liên hợp quốc đã tín nhiệm giao phó cho Việt Nam tại Hội đồng Bảo an đòi hỏi Việt Nam phải có những nỗ lực cao nhất cũng như chuẩn bị tốt nhất. Trên cơ sở những kinh nghiệm tích lũy được trong hoạt động ngoại giao đa phương nhiều năm qua, đặc biệt tại Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2008-2009, Việt Nam đã sớm có các bước chuẩn bị cần thiết để có thể tham gia đóng góp tích cực, chủ động, toàn diện trên các vấn đề sẽ được đưa ra thảo luận tại Hội đồng Bảo an.
Tôi cho rằng, có rất nhiều việc phải làm, phải chuẩn bị rất kỹ từ trước như: nghiên cứu, chuẩn bị hồ sơ về chương trình nghị sự của Hội đồng Bảo an, đặc biệt những vấn đề phức tạp; thường xuyên cập nhật những diễn biến mới của tình hình cũng như chủ trương, quan điểm của Việt Nam trên các vấn đề đó; quan tâm đến việc nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các sáng kiến Việt Nam có thể thúc đẩy hoặc tăng cường sự tham gia của Việt Nam như mở rộng tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc; tham vấn kinh nghiệm các nước, các chuyên gia; chuẩn bị bộ máy, bố trí nhân sự làm việc trong nước và tại Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc.
Cũng cần thiết xây dựng một cơ chế thông tin, phối hợp liên ngành có hiệu quả, phân cấp quyết định, đảm bảo sự chỉ đạo của lãnh đạo đối với các hoạt động của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an, đồng thời đảm bảo cho Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc xử lý kịp thời, chính xác khối lượng công việc lớn, phức tạp của Hội đồng Bảo an...
Tôi tin rằng, với những nỗ lực chung cao nhất, sự quan tâm của lãnh đạo và sự phối hợp nhịp nhàng của các bộ, ban, ngành cùng với kinh nghiệm tích luỹ được trong hoạt động ngoại giao đa phương nhiều năm qua, sự hợp tác, ủng hộ của các nước, Việt Nam sẽ có cơ sở thuận lợi để hoàn thành tốt vai trò của mình tại Hội đồng Bảo an, đáp ứng sự tín nhiệm và ủng hộ của các nước dành cho Việt Nam, đặc biệt khi Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch ASEAN năm 2020.
- Trân trọng cảm ơn Đại sứ!./.
Theo NGUYỄN HỒNG ĐIỆP (TTXVN/Vietnam+)