Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần do stress

04/04/2019 - 14:19

Mỗi ngày trung bình tại các đơn nguyên của Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 300 bệnh nhân.

Bệnh nhân đang điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai). (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Việt Nam có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần liên quan tới stress, đặc biệt tỷ lệ này ngày càng cao trong cộng đồng.

Tiến sỹ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng điều trị các rối loạn liên quan đến stress, Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) đã cho biết như vậy tại buổi tọa đàm "Rối loạn liên quan đến stress và gánh nặng."

Bác sỹ Tâm cho hay, trên thế giới có khoảng 350 triệu bệnh nhân phải chịu đựng trầm cảm, 5% phải chịu đựng lo âu, và chi phí y tế cho rối loạn lo âu cũng vô cùng lớn, gấp 3 lần các bệnh nội khoa thông thường. Ngoài ra, có hơn 90% những người quyết định tự tử có rối loạn tâm thần đủ tiêu chuẩn chẩn đoán.

Mỗi ngày trung bình tại các đơn nguyên của Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 300 bệnh nhân.

Bác sỹ Dương Minh Tâm phân tích, hiện nay rất nhiều người bị mắc stress do các nguyên nhân khác nhau, có thể là sức ép trong công việc, học tập, thất vọng trong sự nghiệp, mâu thuẫn trong gia đình, xã hội… Các rối loạn bệnh có liên quan đến stress như lo âu, ám ảnh, hoảng sợ, lo âu lan toả, rối loạn hỗn hợp lo âu và trầm cảm…

Bên cạnh đó, rối loạn tình dục, giấc ngủ, rối loại ăn uống đều liên quan tới tâm thần. Nhiều ca sỹ, diễn viên nổi tiếng cũng gặp các sự cố về sức khỏe tâm thần mà căn nguyên gốc liên quan đến stress.

Tiến sỹ Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) phân tích, một người nếu thấy trước đây khỏe, mà nay xuất hiện triệu chứng mệt mỏi âu lo kéo dài, mất ngủ, khó thở, đau đầu hay các hiện tượng về tim mạch (hồi hộp, trống ngực) nhưng không thể giải thích được về mặt cơ thể, không tìm thấy căn nguyên và triệu chứng... nên đến khám ở các chuyên khoa sức khoẻ tâm thần.

Đáng lo ngại là hiện nay có nhiều người bệnh không phát hiện hiện và điều trị kịp thời và khi đến được với chuyên khoa tâm thần thì đã ở giai đoạn bệnh nặng, gây nên nhiều gánh nặng cho xã hội và người bệnh.

Những biểu hiện của bệnh như: sau stress thông thường ai cũng có những phản ứng cảm xúc căng thẳng ở mức nhất định, nhưng theo thời gian sẽ giảm và ổn dần còn nếu là bệnh thì ngược lại. Hoặc có bệnh nhân trước kia khỏe mạnh nay xuất hiện những triệu chứng không thể giải thích được về mặt cơ thể nhưng các triệu chứng thường giao động theo trạng thái tinh thần...

Trên thực tế, nhiều bệnh nhân không biết, đến khám chuyên khoa tim mạch hơn là tâm thần. Rất nhiều trong số này được chẩn đoán nhầm là rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh, thiếu máu não… sau khám tim mạch và dùng thuốc điều trị, các bệnh trên đều không thuyên giảm. Vì vậy, người bệnh cần đi khám đúng chuyên khoa để được phát hiện và điều trị kịp thời.

Theo THÙY GIANG (Vietnam+)