Việt Nam đề cao hợp tác quốc tế của APEC, giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế

14/11/2023 - 14:10

Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC, diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Moscone, TP San Francisco (Hoa Kỳ), Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc đã trả lời báo chí xung quanh vấn đề hợp tác, chính sách tài khóa, nhằm giúp phục hồi tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững.

Phiên họp của các Bộ trưởng Tài chính APEC. Ảnh: BTC

Thưa Bộ trưởng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu và khu vực tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, lạm phát đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, chuỗi cung ứng dần hồi phục, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt, già hóa dân số gia tăng, các Bộ trưởng Tài chính đã trao đổi những giải pháp ra sao giúp chống chọi với các "cú sốc" từ bên ngoài?

Hợp tác khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong năm 2023 hướng tới mục tiêu “Tạo ra một tương lai kiên cường và bền vững cho tất cả mọi người”, nhằm hiện thực hóa một môi trường cởi mở, năng động và kiên cường, cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình vào năm 2040, vì sự thịnh vượng của toàn thể người dân và thế hệ tương lai.

Trên nền chủ trương đó, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC năm nay, do Hoa Kỳ chủ trì, đưa chương trình nghị sự hợp tác trong khu vực APEC tập trung vào: Ưu tiên thứ nhất về mô hình trọng cung hiện đại ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng có chất lượng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm đòn bẩy cho phục hồi và tăng trưởng kinh tế về dài hạn.

Ưu tiên thứ hai là hợp tác về tài chính bền vững, với nội hàm là phương thức tiếp cận tài chính về biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng, bao trùm và thị trường carbon tự nguyện.

Ưu tiên thứ ba là tài sản số, chia sẻ kinh nghiệm quản lý chủ yếu về tiền số do ngân hàng trung ương phát hành.

Thông qua các chủ đề ưu tiên này, các Bộ trưởng Tài chính đã thảo luận vai trò quan trọng của APEC trong việc thúc đẩy tăng trưởng bền vững và toàn diện thông qua việc kết hợp kinh tế trọng cung hiện đại, hợp tác và liên kết tài chính để đạt được các mục tiêu về khí hậu và bền vững, cũng như hỗ trợ cho sự phát triển có trách nhiệm của tài sản kỹ thuật số.

Vậy, về chính sách tài khóa, đặc biệt là vấn đề tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chia sẻ những đóng góp như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Bộ Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc dự và phát biểu tại phiên họp. Ảnh: BTC

Chương trình nghị sự của hợp tác APEC năm nay gắn liền với các nhiệm vụ chiến lược đang triển khai trong nước của Bộ Tài chính Việt Nam.

Cùng trong bối cảnh các nền kinh tế APEC phải đối diện với các thách thức do biến đổi khí hậu tác động tới các mục tiêu tăng trưởng, Việt Nam và các thành viên APEC đã chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm các công cụ, cơ chế tài chính, tăng khả năng tiếp cận nguồn tài chính giúp giải quyết các nút thắt cho các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển trong khu vực APEC về tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng công bằng và thiết lập, vận hành thị trường carbon tự nguyện.

Tại Hội nghị, nhiều ý kiến nhận định, phần lớn các nền kinh tế APEC đều có dấu hiệu phục hồi tốt hơn sau thời gian đại dịch, lạm phát đã hạ nhiệt, nhưng vẫn ở mức cao, nợ công thế giới đã tăng lên mức kỷ lục, chuỗi cung ứng dần hồi phục, biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt. Triển vọng trung hạn về tăng trưởng kinh tế khu vực và toàn cầu vẫn không đồng đều và yếu hơn so với trước đại dịch.

Các Bộ trưởng Tài chính APEC đã trao đổi những giải pháp chính sách tập trung vào việc duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế vĩ mô trong thời gian tới, sử dụng không gian tài khóa, đặc biệt ở những nền kinh tế có lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu và nguồn lực về tài chính có hạn sau đại dịch.

Theo các Bộ trưởng Tài chính APEC, việc duy trì tính bền vững tài chính là cần thiết và chính sách tài khóa cần được điều chỉnh hiệu quả, hướng tới các ưu tiên quan trọng, như hỗ trợ an ninh lương thực, giảm nghèo và thực hiện các khoản đầu tư thiết yếu để đẩy nhanh tiến độ hướng tới mức phát thải khí nhà kính ròng về 0 trên toàn cầu.

Tại Hội nghị, Việt Nam đã chia sẻ về những nỗ lực mà Việt Nam đang triển khai các cam kết quốc tế về giảm phát thải ròng khí nhà kính về 0 tại Hội nghị biến đổi khí hậu (COP26) và Tuyên bố JETP (là nỗ lực chung của Việt Nam và Nhóm các đối tác quốc tế (IPG) gồm: Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, Đan Mạch và Na Uy, sau hơn 1 năm đàm phán), trong việc huy động nguồn lực tài chính quốc tế để đáp ứng đủ nhu cầu chuyển đổi năng lượng trong nước công bằng, khả thi, hiệu quả.

Đại diện cho các nền kinh tế có mức thu nhập trung bình thấp đang bước vào giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong khi phải thực hiện mục tiêu giảm phát thải mạnh mẽ với lộ trình nhanh tương đương hoặc cao hơn mục tiêu của nhiều nước phát triển, Việt Nam hoan nghênh các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế cung cấp các khoản vay ưu đãi, đảm bảo nguồn vốn thực sự mang tính hỗ trợ, tăng thành tố ưu đãi để giảm chi phí huy động vốn, đảm bảo chi phí hợp lý người dân có thể đáp ứng, tăng khả năng thu hồi vốn. Đồng thời, tăng cường các khoản viện trợ không hoàn lại (bao gồm hỗ trợ kỹ thuật) cho các nền kinh tế có phát triển đang thực hiện cam kết này, trong đó có Việt Nam.

Để đạt mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, một trong các công cụ chính sách mà APEC đang thực hiện và chia sẻ thông lệ tốt giữa các thành viên đó là thị trường các-bon tự nguyện. Việt Nam đã có một số tiền đề về chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường carbon trong nước thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020 và Nghị định của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng Ozon.

Việt Nam đề cao hợp tác quốc tế của APEC trong vấn đề này, đặc biệt là chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về xây dựng cơ chế, chính sách tài chính để hình thành và vận hành thị trường carbon mà Bộ Tài chính Việt Nam đang được giao triển khai.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Báo Tin Tức