Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn Việt Nam bên cạnh LHQ, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Geneva. (Ảnh: TTXVN/phát)
Ngày 19-2, Đại sứ các nước Nhóm G77 và Trung Quốc bên cạnh Liên hợp quốc tại Geneva đã có cuộc họp trực tuyến với tân Quyền Tổng thư ký Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) Isabelle Durant để trao đổi về quan điểm, ưu tiên và kỳ vọng đối với UNCTAD trước thềm Khóa họp lần thứ 15 của UNCTAD (UNCTAD-15) dự kiến được tổ chức vào đầu tháng 10-2021 tại Barbados, đảo quốc ở vùng biển Caribe.
Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, bà Isabelle Durant được bổ nhiệm làm Quyền Tổng thư ký UNCTAD ngày 16-2 sau khi cựu Tổng thư ký UNCTAD Mukhisa Kituyi (Kenya) từ nhiệm. Trước đó, bà Durant đảm nhiệm chức vụ Phó Tổng thư ký UNCTAD từ ngày 3-7-2017.
Bà Isabelle Durant sinh năm 1954, là chính trị gia người Bỉ, từng giữ các chức vụ Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Giao thông và Năng lượng của Vương quốc Bỉ (1999-2003), Thượng nghị sỹ (2003-2011) và Phó Chủ tịch Nghị viện châu Âu (2009-2014).
Tại cuộc họp, bà Durant nhấn mạnh tầm quan trọng của việc lắng nghe ý kiến của Nhóm G77 và Trung Quốc, trao đổi với Nhóm ngay sau 3 ngày kể từ khi đảm nhận cương vị Quyền Tổng thư ký UNCTAD.
Bà khẳng định cam kết tiếp tục tăng cường sứ mạng và vai trò của UNCTAD trong thúc đẩy phát triển bền vững, ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 đối với các nước đang phát triển, đồng thời điều phối để đạt được đồng thuận giữa Nhóm G77 và Trung Quốc với các Nhóm thành viên còn lại của UNCTAD.
Chia sẻ về những ưu tiên hoạt động sắp tới của UNCTAD, bà Duran nhấn mạnh quan trọng nhất là việc chuẩn bị cho Khóa họp UNCTAD-15 tại thành phố Bridgetown, Barbados đầu tháng 10 tới và Hội nghị lần thứ 5 của Liên hợp quốc về Các nước kém phát triển (LDC 5) dự kiến tại Qatar vào tháng 1/2022, cũng như hỗ trợ nguồn lực và công cụ cho các nước thành viên tham gia vào các hoạt động của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Những ưu tiên khác của UNCTAD bao gồm đổi mới sáng tạo và kinh tế số, bất bình đẳng, Diễn đàn thương mại Liên hợp quốc, phục hồi bền vững hậu COVID-19, cũng như Hội nghị thượng đỉnh G7, Hội nghị thường niên mùa xuân của Tổ chức Tiền tệ quốc tế (IMF) và Phiên họp của Nhóm Những người bạn Tài trợ cho các mục tiêu phát triển bền vững do Canada và Jamaica chủ trì.
Quyền Tổng thư ký UNCTAD Isabelle Durant. (Nguồn: Twitter)
Đại diện Việt Nam, Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Geneva tham dự cuộc họp đã khẳng định Việt Nam chúc mừng và sẽ hợp tác chặt chẽ với Quyền Tổng thư ký UNCTAD Isabelle Durant, đồng thời tin tưởng rằng bà Durant sẽ dẫn dắt UNCTAD đạt được các thành tựu mới.
Việt Nam ủng hộ những ưu tiên của Quyền Tổng thư ký UNCTAD trong việc thúc đẩy thương mại quốc tế bao trùm và xanh hơn, thông qua chú trọng các khía cạnh kinh tế-xã hội của phát triển như thúc đẩy bình đẳng xã hội, nhất là bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em, bảo vệ các quyền con người và tính bền vững của môi trường.
Đại sứ Lê Thị Tuyết Mai cũng nhấn mạnh Việt Nam đánh giá cao vai trò của UNCTAD trong việc thúc đẩy hợp tác quốc tế và đưa ra các giải pháp đa phương cho một loạt vấn đề liên quan đến thương mại và phát triển trong 56 năm qua, đặc biệt là trong việc hoàn thành các mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs) và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) theo Chương trình nghị sự 2030.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn với những thách thức to lớn trên toàn cầu, Việt Nam mong rằng UNCTAD tiếp tục hỗ trợ các nước đang phát triển thông qua hợp tác kỹ thuật, tăng cường năng lực, đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và giá cả hợp lý đối với vắcxin COVID-19 và các sản phẩm y tế khác cũng như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho việc chuyển đổi sang nền kinh tế số và thương mại điện tử.
Việt Nam tích cực tham gia chuẩn bị cho Khóa họp UNCTAD-15. Với chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam coi trọng vai trò của Khóa họp UNCTAD-15 trong việc tăng cường đoàn kết quốc tế và hợp tác đa phương, hỗ trợ các nước đang phát triển nhất là các nước kém phát triển trong việc giải quyết các thách thức to lớn đang đặt ra cho thương mại và phát triển quốc tế, trong đó có việc cải cách hệ thống thương mại đa phương và phục hồi hậu COVID-19.
Cũng tại cuộc họp, các đại diện các nước Nhóm G77 và Trung Quốc chúc mừng bà Durant trên cương vị mới, ủng hộ các ưu tiên của bà về chương trình của UNCTAD thời gian tới, đồng thời đánh giá cao vai trò của UNCTAD trong hỗ trợ các nước đang phát triển, nhất là trong bối cảnh thách thức to lớn do đại dịch COVID-19 và tin tưởng rằng UNCTAD sẽ có dấu ấn mới dưới sự lãnh đạo hiệu quả của bà Durant.
Các đại diện các nước Nhóm G77 và Trung Quốc cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của Khóa họp UNCTAD-15 sẽ là sự kiện thương mại đa phương lớn nhất trong giai đoạn COVID-19 và cam kết hợp tác với UNCTAD và nước chủ nhà Barbados để tổ chức thành công Khóa họp này.
UNCTAD là tổ chức liên chính phủ do Đại hội đồng Liên hợp quốc thành lập năm 1964, có trụ sở chính đặt tại Geneva, Thụy Sĩ, hiện nay có 195 quốc gia thành viên.
Khóa họp của UNCTAD-15 được tổ chức 4 năm/lần, là cơ quan ra quyết định cao nhất của UNCTAD, tại đó các quốc gia thành viên đánh giá các vấn đề thương mại và phát triển đang đặt ra và xác định các chính sách toàn cầu.
Khóa họp cũng xác định các ưu tiên công việc của UNCTAD trong 4 năm tiếp theo. Khóa họp của UNCTAD-15 là cơ hội để suy nghĩ lại về các giải pháp phát triển và xây dựng tình đoàn kết.
Do tình hình đại dịch COVID-19, Khóa họp UNCTAD-15 ban đầu dự kiến diễn ra vào tháng 10/2020 đã phải hoãn sang tháng 10-2021.
Theo TỐ UYÊN - XUÂN HOÀNG (TTXVN/Vietnam+)