Việt Nam là điểm đến đầu tư hàng đầu của doanh nghiệp EU

06/10/2023 - 18:52

Sau 3 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), hoạt động thương mại, đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và EU đã được khẳng định rõ ràng.

Dệt may là một trong những ngành được hưởng nhiều lợi ích từ Hiệp định EVFTA. Ảnh: TTXVN

Không chỉ hưởng lợi trong hoạt động xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường nhập khẩu nhiều loại hàng hóa, nhất là máy móc, thiết bị, nguyên liệu từ EU; đồng thời đẩy mạnh hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ để ứng dụng giải pháp hiện đại vào sản xuất kinh doanh, tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất của doanh nghiệp EU. Tuy nhiên, thực tế, còn nhiều doanh nghiệp chưa nắm bắt tốt cơ hội trong liên kết với các doanh nghiệp, đối tác từ EU để tận dụng thuế quan ưu đãi, tiếp cận nguồn nguyên liệu và công nghệ chất lượng, tham gia vào chuỗi cung ứng từ một trong những khu vực kinh tế hàng đầu thế giới này.

Nội dung trên được các diễn giả bàn thảo nhiều tại Tọa đàm với chủ đề: “Liên kết với doanh nghiệp EU, tận dụng hiệu quả EVFTA” do Tạp chí Công Thương tổ chức ngày 6/10, tại Hà Nội.

Ông Lương Văn Tự - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, nguyên Trưởng đoàn đàm phán kinh tế thương mại Chính phủ gia nhập WTO và AEC, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam cho biết: EU là thị trường quan trọng nhất đối với cà phê Việt Nam. Hiện tại, EU chiếm khoảng 40% lượng cà phê xuất khẩu Việt Nam. Vì vậy, thị trường cà phê tăng trưởng là một trong những yếu tố phải dựa vào tiêu thụ của EU đối với cà phê Việt Nam. 

Theo ông Lương Văn Tự, EU đã hợp tác với Việt Nam rất lâu và hầu hết những tập đoàn lớn của EU liên quan đến cà phê đều có mặt ở Việt Nam. Thế nhưng, trước kia EU và Việt Nam chủ yếu hợp tác trong vấn đề trồng, chế biến. Cùng đó, EU mua cà phê nhân chưa qua chế biến và thuế suất bằng 0 nhưng lại bảo hộ phần chế biến. Vì vậy, Việt Nam tham gia Hiệp định EVFTA để có lộ trình giảm thuế, khi thuế đối với cà phê rang xay, cà phê hòa tan và sản phẩm khác của cà phê giảm xuống đến 0% sẽ tạo điều kiện cho vấn đề chế biến và nâng cao giá trị của cà phê Việt Nam để bán vào EU và nâng cao kim ngạch. 

Theo ông Lương Văn Tự, lộ trình giảm thuế tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nâng cao chế biến để nâng giá trị gia tăng của cà phê. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam tăng cường đầu tư vào khâu chế biến để gia tăng xuất khẩu đi EU và các thị trường có FTA

Nếu như trước kia hầu như Việt Nam chủ yếu bán cà phê nhân nhưng với việc tham gia 15 FTA thuế của cả cà phê rang xay hòa tan nhiều nước áp dụng lộ trình xuống 0 - 5% và ngay cả EU cũng có một lộ trình giảm thuế xuống đến mức thấp. Điều đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước cũng như doanh nghiệp FDI nâng cao chế biến để nâng giá trị gia tăng của hạt cà phê. 

Chia sẻ tại Toạ đàm, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group khẳng định Hiệp định EVFTA tạo ra rất nhiều cú hích. Khi có hiệp định EVFTA, doanh nghiệp ngoài châu Âu đầu tư vào Việt Nam tận dụng thuế từ Việt Nam sang châu Âu. 

Hơn nữa, có rất nhiều các nhà máy về cà phê được mở ra không phải chỉ có châu Âu đầu tư mà Singapore, thậm chí Hoa Kỳ hay phía châu Á đầu tư vào Việt Nam như Ấn Độ để có sản phẩm Made in Việt Nam xuất sang châu Âu sẽ được hưởng lợi rất lớn từ giảm thuế.

Có thể thấy, Hiệp định EVFTA mang lại rất nhiều thuận lợi cho cả hai bên nhưng thuận lợi lớn đi liền với cạnh tranh nhiều. Trước đây phần nguyên liệu hầu như các doanh nghiệp châu Âu ít đầu tư nhưng sau khi có hiệp định, các phần về nguyên liệu doanh nghiệp nước ngoài đầu tư rất lớn để cạnh tranh với doanh nghiệp Việt Nam. Điều này đã thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam phải thay đổi từ việc quản lý sáng tạo đến cách làm để phù hợp có thể cạnh tranh được với thị trường mở.

Theo ông Phan Minh Thông, Phúc Sinh cũng đầu tư khá nhiều vào vấn đề về chế biến sâu. Hiện tại, Phúc Sinh đang đầu tư một dây chuyền chế biến sâu trong vấn đề gia vị hạt tiêu để có thể làm các sản phẩm trước đây bị đánh thuế bây giờ bằng 0 khi nhập vào châu Âu, đó là các sản phẩm nghiền, sản phẩm rang xay cũng như hòa tan để vào châu Âu. Đây là điểm rất thuận lợi đối với Phúc Sinh và tỉ lệ mà Phúc Sinh bán hàng thành phẩm, bán hàng chế biến sâu sang thị trường châu Âu đã tăng từ 8 lên 22% trong vòng 3 năm qua.

Ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho biết: Hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hầu hết họ làm các công ty 100% vốn nước ngoài, còn hợp đồng hợp tác kinh doanh và đặc biệt là hợp đồng liên doanh bây giờ khá ít. Trừ những trường hợp nào khó quá, không làm được sẽ làm liên doanh. Đây là một điểm mà doanh nghiệp để vuột mất một cơ hội.

Những năm gần đây, công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển khá tốt, tức là về số lượng nhưng ông Toàn cho rằng chất lượng chưa cao. Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu và chuỗi giá trị hàng hóa của EU ở phân khúc công nghệ trung bình và thấp, chưa có phân khúc công nghệ cao. 

Ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng, Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) chỉ rõ: Thực chất vấn đề về liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI cũng là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng được thể hiện trong kế hoạch thực hiện các FTA thế hệ mới của Chính phủ. Hơn nữa, nhiệm vụ này cũng được thể hiện trong kế hoạch thực thi của các bộ, ngành và các địa phương.

Theo ông Ngô Chung Khanh, ngày 12/10 tới, Bộ Công Thương sẽ chủ trì hội nghị lãnh đạo các Sở Công Thương trên toàn quốc để rà soát lại, đánh giá lại việc thực thi và kết nối giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài nói chung, doanh nghiệp EU nói riêng và từ đó các tỉnh học kinh nghiệm lẫn nhau để lan tỏa.

Việc tận dụng nguồn nguyên liệu và công nghệ châu Âu để sản xuất hàng hóa có chất lượng tốt hơn, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu là một trong những kỳ vọng lớn của doanh nghiệp Việt khi EVFTA bước sang giai đoạn thực thi mới. Để làm được điều đó, cần có thêm sự đồng hành từ phía cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt thông qua cơ chế, chính sách và hoạt động hỗ trợ phù hợp. 

Về phía mình, ông Ngô Chung Khanh cho rằng các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong nâng cao năng lực cạnh tranh, tích cực tiếp cận và tìm kiếm đối tác, nắm bắt cơ hội kết nối hợp tác với doanh nghiệp châu Âu, qua đó tận dụng hiệu quả hơn nữa cơ hội mà Hiệp định EVFTA mang lại.

Theo TTXVN