Việt Nam lần đầu tiên ứng cử vào vị trí thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển

14/06/2024 - 19:13

PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao ứng cử vào vị trí thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển nhiệm kỳ 2026-2035.

Từ ngày 10-14/6, tại trụ sở Liên Hợp Quốc, New York (Mỹ) đã diễn ra Hội nghị các nước thành viên Công ước Luật biển lần thứ 34.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chủ trì Hội thảo quốc tế “Nước biển dâng tại khu vực Thái Bình Dương: thực trạng, các vấn đề pháp lý và đánh giá từ góc độ Luật Biển” và dự buổi gặp mặt thường niên của Nhóm bạn bè Công ước Luật biển (UNCLOS).

Khoảng trên 100 đại biểu, chuyên gia về luật biển đến từ hơn 60 quốc gia, học giả, đại diện một số cơ quan Liên Hợp Quốc đã tham dự hội thảo. 

Đoàn VN.jpg

Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Minh Vũ chủ trì Hội thảo quốc tế và buổi gặp mặt thường niên của Nhóm bạn bè UNCLOS. Ảnh: BNG

Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ thông báo, Việt Nam đã giới thiệu PGS.TS Nguyễn Thị Lan Anh, Viện trưởng Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao Việt Nam ứng cử vào vị trí thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật biển nhiệm kỳ 2026-2035.

Thứ trưởng nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của UNCLOS đối với sự phát triển của luật pháp quốc tế. Với vai trò là “Hiến pháp của Đại dương”, UNCLOS là khuôn khổ pháp lý toàn diện nhất điều chỉnh mọi hoạt động trên biển, là cơ sở để các nước cùng hợp tác trong quản lý các đại dương và biển một cách có trật tự, bền vững.

Tại hội thảo, các chuyên gia pháp lý của Việt Nam đã chia sẻ đánh giá từ góc độ của Việt Nam - một quốc gia ven biển chịu nhiều tác động nhất của biến đổi khí hậu trong đó có nguy cơ nước biển dâng, đề nghị tiếp tục tuân thủ, thực hiện đầy đủ quy định của UNCLOS trong quá trình giải quyết thách thức mới nổi.

Đồng thời, kêu gọi ủng hộ việc bảo toàn các đường cơ sở, ranh giới các vùng biển xác lập từ đường cơ sở và kết quả phân định biển đã được các nước thống nhất thông qua đàm phán hoặc xác lập theo phán quyết của cơ quan tài phán quốc tế nhằm duy trì ổn định và trật tự pháp lý trên biển. 

Nhóm bạn bè là một hình thức phối hợp không chính thức, linh hoạt, nhằm tăng cường hợp tác giữa một số nước có cùng quan tâm về một vấn đề cụ thể tại Liên Hợp Quốc và diễn đàn đa phương. Nhóm bạn bè UNCLOS do Việt Nam và Đức khởi xướng, đồng chủ trì thành lập năm 2021.

Nhóm bạn bè hiện có 115 thành viên đến từ tất cả khu vực địa lý, trong đó gồm 12 nước nòng cốt.

Việt Nam hướng tới trở thành địa chỉ giải quyết tranh chấp khu vực và quốc tế

Ngày 13/6, tại La Hay (Hà Lan), Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ đã tham dự lễ kỷ niệm 125 năm ngày thành lập Tòa trọng tài thường trực (PCA).

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng thường trực Nguyễn Minh Vũ đánh giá cao vai trò cùng những đóng góp trong suốt 125 năm hoạt động của PCA đối với cơ chế giải quyết tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình.

Những đóng góp của PCA giúp định hình luật pháp quốc tế, hỗ trợ phát triển các nguyên tắc và chuẩn mực cho sự tương tác giữa các quốc gia và với việc tạo ra cơ chế để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình.

Từ khi trở thành thành viên của PCA năm 2012, quan hệ Việt Nam và PCA có nhiều phát triển, trong đó cột mốc đáng chú ý nhất là sự kiện PCA mở văn phòng đại diện tại Hà Nội hồi tháng 11/2022.

Chính phủ Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ đối tác với PCA, coi đây là một cấu phần quan trọng trong nỗ lực xây dựng nhà nước pháp quyền, với hệ thống tư pháp vững mạnh, đội ngũ chuyên gia pháp lý trình độ cao, cung cấp các dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp và chuẩn mực, thúc đẩy hội nhập quốc tế sâu rộng. 

Việt Nam hướng tới trở thành địa chỉ được các đối tác lựa chọn để giải quyết tranh chấp khu vực và quốc tế bằng biện pháp hòa bình, hòa giải, trọng tài.

PCA được thành lập theo Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình năm 1899 và Công ước về giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình năm 1907. Nhiệm vụ chính của PCA là tạo điều kiện thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia và giữa các quốc gia với pháp nhân nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.

Theo Vietnamnet