Việt Nam-New Zealand hướng tới kim ngạch thương mại 1,7 tỷ USD

27/07/2020 - 20:04

Năm 2020 được coi là một dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương của Việt Nam và New Zealand, đó là kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975 - 2020).

Đặc biệt, tại cuộc hội đàm cấp cao trực tuyến Việt Nam – New Zealand mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern đã chính thức tuyên bố nâng cấp quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm Đối tác chiến lược, tạo xung lực thúc đẩy quan hệ hợp tác tiếp tục đi vào chiều sâu, ngày càng hiệu quả hơn trên tất cả các lĩnh vực.

Hơn nữa, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được phê chuẩn giữa Việt Nam và các đối tác trong năm nay là một bước đi quan trọng nhằm cải thiện các quy tắc thương mại, góp phần thúc đẩy đầu tư và kinh doanh giữa hai nước.

Chú thích ảnh

Ngày 6-7-2019, siêu thị Big C Quy Nhơn, tỉnh Bình Định ra mắt chào bán sản phẩm rau an toàn mang thương hiệu Lá Lành, với các loại rau được trồng tại Bình Định. Dự án Rau an toàn tỉnh Bình Định do Chính phủ New Zealand tài trợ, thông qua Viện nghiên cứu Cây trồng và thực phẩm New Zealand, với tổng vốn đầu tư hơn 1,611 triệu đôla New Zealand. Ảnh: Nguyên Linh-TTXVN

Duy trì đà phát triển

Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nhằm thúc đẩy thương mại song phương Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Việt Nam và New-Zeland nỗ lực duy trì đà phát triển hợp tác thương mại, phấn đấu đưa kim ngạch hai chiều sớm đạt 2 tỷ đô la Mỹ (USD)-năm.

Cùng với đó, đề nghị New Zealand mở cửa thị trường hơn nữa cho nông sản Việt Nam, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng thương hiệu, phát triển chuỗi giá trị một số loại hoa quả để tiếp cận các thị trường có tiêu chuẩn cao.

Hai Thủ tướng nhất trí giao Bộ Ngoại giao hai nước sớm xây dựng Kế hoạch hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược; trong đó có việc tăng cường trao đổi đoàn trên các kênh Đảng, Chính phủ và Quốc hội, tổ chức gặp định kỳ giữa hai Thủ tướng cũng như các cuộc họp thường niên giữa các Bộ trưởng.

Ngoài ra, hai Thủ tướng khẳng định cam kết tăng cường hợp tác, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt khi Việt Nam đang là Chủ tịch ASEAN 2020, Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, New Zealand chuẩn bị đảm nhiệm vai trò Chủ tịch APEC năm 2021, hai nước cùng là thành viên tích cực của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và Hiệp định Đối tác kinh tế khu vực (RCEP).

Chia sẻ thêm về quan hệ thương mại giữa Việt Nam và New Zealand, ông Keith Conway - Đại diện lâm thời, Đại sứ quán New Zealand tại Việt Nam chia sẻ, năm 2019, quan hệ thương mại giữa Việt Nam và New Zealand đã tăng trưởng hơn 7%.

Đặc biệt, cả 2 quốc gia đều nằm trong danh sách Top 20 đối tác thương mại của nhau, với mức thương mại song phương đã tăng gấp 3 lần kể từ sau khi Hiệp định thành lập Khu vực thương mại tự do ASEAN-Australia-New Zealand (AANZFTA) được ký vào năm 2009.

Theo ông Keith Conway, cả hai quốc gia đang đạt được những tiến bộ tốt khi vận dụng tối đa Hiệp định CPTPP. Vì vậy, sẽ có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực thực phẩm cao cấp, rượu, công nghệ nông nghiệp và thiết bị, giáo dục và du lịch. Đáng lưu ý, New Zealand nổi tiếng tại Việt Nam về thực phẩm sạch, an toàn và chất lượng cao như sữa và trái cây.
Ngoài ra, khi Việt Nam đang thúc đẩy ứng dụng công nghiệp 4.0, đây cũng là cơ hội và thị trường tiềm năng để New Zealand xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ công nghệ.

Bởi công nghệ hiện là ngành xuất khẩu lớn thứ ba của New Zealand, theo đó, năm 2018, xuất khẩu ngành này tăng 11%, với tổng giá trị hơn 1,1 tỷ USD New Zealand.

Bên cạnh đó, người dân New Zealand có truyền thống pha trộn sáng tạo với các giải pháp thực tế và luôn sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm này với Việt Nam trong các lĩnh vực đa dạng như dự báo thời tiết, di truyền động vật và giải pháp thành phố thông minh.

Có thể khẳng định rằng, mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và New Zealand đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết và hai bên mong muốn nâng cấp mối quan hệ đối tác giữa hai nước lên một tầm cao mới vào năm 2020. New Zealand coi Việt Nam là một đối tác quan trọng trong khu vực và là một nền kinh tế năng động, mở rộng. Điều này tạo ra nhiều cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ trong tương lai.

Đặc biệt, năm 2020 cũng là một năm quan trọng đối với cả hai nước. Nhiều sự kiện đáng ghi nhớ diễn ra như: Việt Nam sẽ chủ trì Năm ASEAN 2020, kỷ niệm 45 năm quan hệ song phương và Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern sẽ tham dự tại Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo ASEAN-New Zealand dự kiến tổ chức tại Đà Nẵng.

Đây sẽ là cơ hội để các nhà lãnh đạo thảo luận và từ đó đưa ra những phương pháp mở rộng hợp tác hơn nữa giữa hai nước, nhất là lĩnh vực thương mại.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, Việt Nam hiện đang là đối tác thương mại lớn thứ 16 của New Zealand; trong đó, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 15 vào thị trường này và là nước nhập khẩu lớn thứ 18 vào New Zealand.

Đáng lưu ý, kể từ khi hai nước trở thành đối tác toàn diện, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng 3 lần trong 10 năm từ 320 triệu USD (năm 2009) lên hơn 1 tỷ USD (năm 2018) và dự kiến đạt mức 1,7 tỷ USD trong năm nay.

Không những thế, Việt Nam và New Zealand có nhiều lợi thế, bổ sung lẫn nhau. Bởi New Zealand có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như may mặc, da giày, gỗ, nông sản nhiệt đới, thuỷ sản...

Ngoài ra, Việt Nam lại cần nhập khẩu từ New Zealand sữa và sản phẩm sữa, rượu vang, thịt cừu, trái cây, gỗ nguyên liệu, nguyên phụ liệu dệt may, da giày.

Mặt khác, tới nay New Zealand đã cấp phép nhập khẩu cho 3 mặt hàng trái cây tươi của Việt Nam là xoài, thanh long, chôm chôm và Việt Nam đang đề nghị New Zealand tiếp tục cấp phép nhập khẩu cho quả chanh tươi và chanh leo.

Ngược lại, Việt Nam cũng đã mở cửa cho doanh nghiệp New Zealand đưa vào thị trường khoai tây củ thương phẩm, thịt bò đông lạnh, quả kiwi, táo ENVY để thúc đẩy kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước.

Hướng tới mục tiêu

Chú thích ảnh

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam, bà Wendy Matthews đến thăm các hộ dân tham gia dự án “Xây dựng cộng đồng vững mạnh và tự lực tại Cao Bằng” do New Zealand tài trợ giai đoạn 2014 ‐ 2019 tại 6 xã của huyện Trà Lĩnh, Cao Bằng. Ảnh: Tư liệu TTXVN phát

Bà Wendy Matthews - Đại sứ New Zealand tại Việt Nam nhấn mạnh, năm 2020 đánh dấu kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa New Zealand và Việt Nam. Trong bốn thập kỷ qua, mối quan hệ này đã phát triển mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực và sẵn sàng để tiến triển từ quan hệ đối tác toàn diện sang chiến lược.

Cả hai quốc gia đều nằm trong nhóm 20 đối tác thương mại hàng đầu dành cho nhau, với thương mại song phương tăng gấp ba lần kể từ năm 2009, khi AANZFTA được ký kết. Việt Nam hiện là đối tác thương mại phát triển nhanh nhất của New Zealand tại Đông Nam Á trong 5 năm qua.

Thương mại hàng hóa và dịch vụ song phương giữa hai quốc gia vào tháng 3-2020 đạt 1,824 tỷ USD New Zealand, tăng 12% so với năm 2019. Các thực phẩm New Zealand có mặt tại Việt Nam vẫn nổi tiếng về sự an toàn, sạch sẽ và chất lượng cao như sữa và trái cây, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng để New Zealand xuất khẩu nhiều hơn nữa trong tương lai.

Để tăng thị phần các mặt hàng xuất khẩu vào New Zealand, bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi (Bộ Công Thương) cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn nữa trong xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm để sản phẩm xuất khẩu Việt Nam được biết đến trên thị trường New Zealand.

Cũng theo bà Lê Hoàng Oanh, nhằm tăng cường hơn nữa hợp tác trong các lĩnh vực hiện có và mở rộng sang những lĩnh vực mới, Việt Nam và New Zealand đang hướng tới mục tiêu nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược.

Cùng với đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 quốc gia mà ASEAN đã ký Hiệp định Thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand) nếu được ký kết sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với khoảng 3,5 tỷ người và chiếm tới 30% tổng GDP toàn cầu, lớn hơn nhiều so Hiệp định CPTPP.

Hiệp định RCEP kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, qua đó giúp tận dụng cơ hội trong chuỗi giá trị, trong khi CPTPP chỉ dừng ở hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa tận dụng các cam kết.

Với đà tăng trưởng gần đây cùng với thuận lợi là nền kinh tế Việt Nam và New Zealand có tính chất bổ sung cho nhau trên nhiều phương diện, khả năng đạt được mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều về hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước lên mức 2,5 tỷ USD New Zealand (tương đương 1,7 tỷ USD) vào năm nay là hoàn toàn có thể.

Theo UYÊN HƯƠNG (Báo Tin Tức)