Phát triển phong trào
Huấn luyện viên trưởng bộ môn võ cổ truyền tỉnh Phan Thanh Thuận cho biết, những năm qua, môn võ cổ truyền thu hút đông đảo thanh, thiếu niên tập luyện từ thành thị đến nông thôn. Nhiều câu lạc bộ (CLB) hoạt động hiệu quả, thu hút đông đảo võ sinh tham gia tập luyện thường xuyên. Đến nay, toàn tỉnh có trên 40 CLB, với hơn 2.000 võ sinh.
Được thành lập năm 1990, CLB võ cổ truyền Tây Sơn Xuân Bình (TP. Long Xuyên) trở thành “cái nôi” phát triển môn võ thuật truyền thống của dân tộc trong tỉnh. Võ sư Xuân Liễu (Chủ nhiệm CLB võ cổ truyền Tây Sơn Xuân Bình) cho biết, bên cạnh dạy võ thuật rèn luyện sức khỏe, CLB còn chú trọng công tác dạy cách ứng xử, đạo đức cho người học võ... Ngoài luyện tập rèn luyện sức khỏe, CLB thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu, tham gia thi đấu tại các giải đấu võ thuật cổ truyền trong và ngoài tỉnh… Qua đó, các thành viên có sự trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm thi đấu, nâng cao trình độ chuyên môn.
Nhằm duy trì, phát triển môn võ truyền thống cũng như tạo điều kiện cho các VĐV thi đấu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, hàng năm, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và Liên đoàn Võ cổ truyền, Pencak Silat - Wushu tỉnh đều tổ chức giải vô địch, giải trẻ, giải các CLB. Đây là điều kiện tốt để bộ môn tuyển chọn những VĐV có tố chất bổ sung cho tuyến năng khiếu tỉnh đào tạo. Hiện nay, một số địa phương có phong trào tập luyện võ cổ truyền phát triển mạnh và giành thành tích cao tại các giải trong tỉnh, như: TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và các huyện: Chợ Mới, Phú Tân, Châu Thành…
Môn võ cổ truyền thu hút đông đảo thanh, thiếu niên ở mọi lứa tuổi tham gia tập luyện
Duy trì thành tích cao
Tuy điều kiện tập luyện còn nhiều hạn chế nhưng bộ môn võ cổ truyền tỉnh luôn nỗ lực, tích cực trong tập luyện, quyết tâm trong thi đấu. Những năm qua, võ cổ truyền được xem là môn thể thao thế mạnh của An Giang, đóng góp nhiều thành tích tại các giải trong nước, khu vực và quốc tế. Đặc biệt, tại Đại hội Thể dục - Thể thao toàn quốc lần VIII-2018, thầy trò huấn luyện viên Phan Thanh Thuận đã thi đấu khá thành công, đoạt 1 huy chương vàng, 2 huy chương bạc và 1 huy chương đồng. Ngoài những VĐV đã khẳng định tên tuổi, bộ môn còn sở hữu lứa VĐV trẻ, năng khiếu chất lượng và có chiều sâu. Tuy năm nay phải nói lời chia tay 2 VĐV kỳ cựu Nguyễn Thị Tuyết Dung và Nguyễn Thị Tuyết Mai do chuyển qua công tác huấn luyện, nhưng bộ môn vẫn còn có nhiều VĐV chuyên môn cao, như: Trần Thị Mỹ Hạnh, Nguyễn Phú Quí, Nguyễn Thị Hồng Cẩm… Ngoài ra, 2 VĐV Trịnh Minh Trí và Lưu Thị Phương Thảo cũng cho thấy sự tiến bộ vượt bật ở nội dung quyền.
Công tác đào tạo VĐV trẻ, năng khiếu luôn được bộ môn quan tâm, chú trọng. Ngoài việc phát hiện các em có tố chất tại các giải thi đấu cấp tỉnh, huyện, bộ môn còn tích cực tìm kiếm những nhân tố mới thông qua các kỳ thi thăng đẳng của các CLB. Hiện nay, bộ môn võ cổ truyền tỉnh duy trì tập luyện đều ở 3 tuyến, với lứa VĐV có tuổi đời còn trẻ, chuyên môn khá tốt. Huấn luyện viên Phan Thanh Thuận chia sẻ: “Để xây dựng lực lượng kế thừa có chất lượng, chiều sâu, ngoài việc có năng khiếu, đáp ứng các tiêu chí về thể trạng, thể lực, các em phải vượt qua kỳ kiểm tra chuyên môn, với những tiêu chí khắt khe… Do đó, đòi hỏi các em phải có ý chí và niềm đam mê mới có thể gắn bó với võ thuật lâu dài”.
Bài, ảnh: L.H