Võ Tòng Xuân- nhà khoa học Việt Nam đầu tiên nhận giải thưởng VinFuture

25/12/2023 - 09:27

 - Cùng với GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn Độ), GS.TS, Nhà giáo Nhân dân, Anh hùng Lao động Võ Tòng Xuân đã trở thành nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được nhận giải thưởng VinFuture ở hạng mục “Giải đặc biệt dành cho nhà khoa học đến từ nước đang phát triển”. Ông được vinh danh vì những đóng góp quan trọng trong phát minh và phổ biến nhiều giống lúa năng suất cao, kháng bệnh tốt, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu.

GS Võ Tòng Xuân và GS Gurdev Singh Khush được vinh danh ở hạng mục Giải Đặc biệt VinFuture 2023 dành cho Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển

1. Tôi vẫn nhớ lần đầu gặp ông cách đây 15 năm. Bữa ấy, ông hẹn tôi tới căn phòng làm việc của ông ở Trường Đại học An Giang vào lúc 19 giờ tối, sau khi ông vừa đi khai trương thư viện điện tử cho 5 xã ở huyện Tân Hiệp (tỉnh Kiên Giang) về và đang làm nốt vài việc, bởi sớm hôm sau lại phải ra Hà Nội họp.

Tôi ấn tượng mãi căn phòng làm việc của ông, bởi giữa những chồng sách chất kín cả 4 bức tường, ông dành riêng một góc để bày những bức ảnh kỷ niệm, những giải thưởng, huân, huy chương đã giành được suốt mấy chục năm nghiên cứu khoa học và còn có những túi đựng hạt giống lúa.

Sinh năm 1940 ở Châu Đốc (tỉnh An Giang), gần cả cuộc đời làm khoa học của mình, GS Võ Tòng Xuân gắn với cây lúa, bởi ông bảo ký ức tuổi thơ là chỉ mơ được ăn no. Vì hoàn cảnh gia đình, năm 1961, Võ Tòng Xuân mới cầm được tấm bằng tú tài toàn phần.

Không có tiền để đi Mỹ, Pháp du học, Võ Tòng Xuân quyết thi lấy học bổng của Trường Đại học Nông nghiệp Los Banos (Philippines), dù biết đó là một trường không mấy tiếng tăm nhưng vẫn hơn những trường trong nước. Biết con đi du học, người cha phải chạy vạy khắp nơi mới có đủ tiền mua cho con vé máy bay, đôi giày da và 1 bộ veston.

Sau đó, do được Quỹ Rockefeller tài trợ tiền vé máy bay, Xuân dùng số tiền ấy mua chiếc radio để tập nghe, nói tiếng Anh; phần còn lại mua chiếc máy ảnh Pentax làm “cần câu cơm”. Ngoài kiếm tiền bằng nghề chụp ảnh, đến năm thứ 3 đại học, Võ Tòng Xuân tham gia làm cộng tác viên chương trình văn hóa Việt Nam của Đài Phát thanh Philippines và được trả công rất khá.

Lấy xong bằng đại học, Võ Tòng Xuân xin thực hiện một đề tài nghiên cứu cho Nhà máy đường Canlubang để lấy tiền học tiếp thạc sĩ nông nghiệp. Đồng thời, để có tiền nuôi sống gia đình 1 vợ và 2 con, Xuân và vợ vẫn tiếp tục làm nghề chụp ảnh và tráng ảnh cho dân cư quanh khu đại học.

Năm 1969, Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI) thành lập, Võ Tòng Xuân xin sang học ngành lúa với mong muốn giúp gì đó cho nông dân. Ban đầu, Viện IRRI chỉ đồng ý cho anh dự lớp huấn luyện với tư cách người dự thính. Nhưng một lần, anh đã góp ý chỉnh cả "giáo án" của một giảng viên.

Chính sự thẳng thắn này khiến Giám đốc Viện IRRI có ấn tượng tốt với học viên dự thính người Việt Nam và quyết định nhận anh vào làm việc. Tại viện, Võ Tòng Xuân tiên phong trong việc phổ biến mô hình khuyến nông trên đất nước Philippines, huấn luyện kỹ thuật trồng lúa cao sản.

Năm 1971, khi đã là thạc sĩ, làm công tác giảng dạy và nghiên cứu ở Viện IRRI, Võ Tòng Xuân nhận được bức thư của ông Nguyễn Duy Xuân, Viện trưởng Đại học Cần Thơ. Trong lá thư ấy, ông viện trưởng viết rằng: "Đồng bằng sông Cửu Long không có ai chuyên về lúa, nếu anh về làm ở đại học chắc sẽ giúp ích được nhiều hơn. Chiến tranh rồi sẽ có ngày hòa bình, cái ăn sẽ luôn luôn đi đầu, rất cần những người như anh...".

Ngày 9/6/1971, bỏ lại nhiều cơ hội và một cuộc sống sung túc, vợ chồng Võ Tòng Xuân bồng bế 2 đứa con nhỏ về nước dù biết rằng phía trước rất nhiều khó khăn.

Công việc đầu tiên mà Viện Đại học Cần Thơ bố trí cho ông là giảng nghiệm viên Trường Cao đẳng Nông nghiệp. Đại học Cần Thơ ngày ấy rất thiếu giáo viên, nên thầy giáo Xuân tự nguyện dạy tới… 7 môn và hướng dẫn sinh viên làm luận văn tốt nghiệp.

Nhưng đồng lương giảng viên đại học không đủ để ông lo cho đại gia đình. Để có tiền, ông đi làm thêm cho Công ty Hóa chất nông nghiệp Thanh Sơn lúc ấy chuẩn bị hợp tác với Công ty Ciba - Geigy (Thụy Sĩ) chuyên sản xuất nông dược, đang muốn mở đại lý bán thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam, với mức lương gấp 5 lần dạy đại học. Công ty còn giao cho một xe ôtô để tiện di chuyển, thuê cho gia đình ông 1 cái nhà tại Sài Gòn để ở.

Dù bận rộn, nhưng Võ Tòng Xuân vẫn không bỏ việc nghiên cứu khoa học. Ngày đó, mỗi năm Trường Cao đẳng Nông nghiệp được Nhật Bản cử giáo sư sang hợp tác giảng dạy và nghiên cứu. Trong đó có Giáo sư  Jun Inouye, cũng là người đam mê cây lúa, đã cùng ông nghiên cứu nhiều khía cạnh của các loại lúa của đồng bằng sông Cửu Long và đưa công trình này vào chương trình tiến sĩ nông nghiệp đăng ký với Trường đại học Kyushu tại Nhật Bản.

Tháng 2/1975, Võ Tòng Xuân bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Nhật Bản. Lúc này, một lần nữa ông lại đứng trước câu hỏi ở lại hay trở về khi mà ở Sài Gòn, nhiều người bắt đầu ra đi? Ở lại Nhật Bản hoặc những nước khác với ông là chuyện quá đơn giản. Nhưng một lần nữa, TS Võ Tòng Xuân lại quyết định trở về.

Năm 1976, ông về nước và tiếp tục công tác tại Trường Đại học Cần Thơ. Thời điểm ấy, nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long khốn đốn vì hầu hết các giống lúa cao sản IR 26, IR 30 bị rầy nâu tàn phá. Khi đi thực tế ở vùng Tân Châu (tỉnh An Giang), nhìn những cánh đồng lúa bị rầy nâu ăn sạch, ông và các cộng sự phát hiện đây là một loại rầy nâu mới.

Để chống loại rầy nâu này, ông liên hệ với Viện IRRI tại Philippines nhờ trợ giúp. Hai tuần sau, ông nhận được 4 phong bì gửi qua đường bưu điện từ TS Gurdev Singh Khush, mỗi phong bì chứa 5 gram hạt giống, gồm: IR32, 24, 36, 38. TS Võ Tòng Xuân nuôi 4 giống lúa mới kháng rầy và chọn được IR36 là tốt nhất.

Lúc này, để giúp nông dân, cách duy nhất phải tìm cách nhân giống nhanh nhất có thể. Chỉ sau một thời gian ngắn mày mò, ông tìm ra phương pháp cấy một dảnh mạ để giữ giống và tăng năng suất. GS Xuân thuyết phục Ban Giám hiệu Trường Đại học Cần Thơ cho sinh viên nghỉ học 2 tháng để đi giúp nông dân diệt rầy nâu. “Chiến dịch” diệt rầy nâu không chỉ chặn đứng được nạn rầy nâu hoành hành, sau vụ thứ 2 đã thu hoạch được hơn 2 tấn lúa gạo.

Từ thành công ở Việt Nam, giống lúa IR36 đã được nhân rộng sử dụng trên toàn thế giới với diện tích canh tác lên đến 11 triệu ha. Năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn. Ngoài IR36, IR64 được trồng rộng rãi trên 10 triệu ha trong vòng hai thập kỷ kể từ khi được đưa ra thị trường, góp phần thay đổi cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới.

Đến năm 2018, IR64 và các thế hệ "F" đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia, là giống lúa phổ biến nhất tại khu vực nhiệt đới châu Á. Chính những nỗ lực đó đã giúp nâng cao năng suất trồng lúa, cải thiện sinh kế cho nông dân. Qua đó, đóng góp cho sự vươn lên của Việt Nam, trở thành một trong ba quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

GS Võ Tòng Xuân cho rằng mỗi nhà khoa học trước khi nghiên cứu vấn đề gì cần phải tìm hiểu xã hội cần gì

2. Gắn bó với nông dân, GS Võ Tòng Xuân luôn mong muốn người nông dân có thể làm giầu từ trồng lúa. Muốn vậy phải giúp họ có tri thức khoa học để áp dụng vào sản xuất, và ông nghĩ tới cách "bình dân hóa" kiến thức khoa học- kỹ thuật. Vì thế, ông từng hợp tác với Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Cần Thơ sản xuất loạt chương trình truyền hình "Khoa học- kỹ thuật nông nghiệp" phát mỗi tuần 1 lần, với thời lượng 30 phút để truyền đạt kiến thức, kỹ thuật khuyến nông cho nông dân xem dễ hiểu, dễ nhớ và làm theo. Bởi ông luôn quan niệm rằng, khoa học phải nghiên cứu những cái xã hội đang cần và hướng đến ứng dụng thực tế nhiều hơn.

Theo GS Võ Tòng Xuân, mỗi nhà khoa học trước khi nghiên cứu vấn đề gì cần phải tìm hiểu xã hội cần gì, khó khăn gì để tìm ra hướng giải quyết. Nhà khoa học phải chứng tỏ năng lực và đề tài của mình, phối hợp cùng người dân đưa sản phẩm nghiên cứu của mình vào thực tế phục vụ đời sống của họ.

"Hơn 50 năm nay, tôi đã đi từ thực tế và đều thành công với gạo năng suất cao, chất lượng thơm ngon và nhiều vụ trong một năm. Người nông dân có đời sống ấm no hơn, lúa gạo của Việt Nam đã khẳng định được vị thế trên bản đồ thế giới"- GS Võ Tòng Xuân chia sẻ.

Với những thành tích trong nghiên cứu khoa học, đặc biệt là đưa khoa học vào sản xuất nông nghiệp, năm 1980, ông được phong Giáo sư nông học. Năm 1985, GS.TS Võ Tòng Xuân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Năm 2000, Chính phủ cho phép tỉnh An Giang thành lập Trường Đại học An Giang. GS Võ Tòng Xuân, khi đó ông đang là Hiệu phó Đại học Cần Thơ, được UBND tỉnh An Giang mời về làm Hiệu trưởng khi đã 60 tuổi.

Ông và cộng sự đã xây dựng Trường Đại học An Giang, vốn nâng cấp từ Trường Cao đẳng Sư phạm, thành một cơ sở đào tạo đại học có uy tín ở đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt, đây cũng là một trong những trường đầu tiên trong cả nước đưa công nghệ thông tin vào giảng dạy và nghiên cứu khoa học.

Không chỉ làm lợi cho người nông dân Việt Nam, các công trình nghiên cứu của ông còn mang lại lợi ích cho nông dân các nước Châu Phi, đặc biệt là Tây Phi…

Theo đánh giá của Hội đồng Giải thưởng VinFuture, cuộc cách mạng trong nông nghiệp đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nỗ lực của GS Gurdev Singh Khush và GS Võ Tòng Xuân trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu.

Riêng GS Võ Tòng Xuân đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở đồng bằng sông Cửu Long và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến. Nhờ các sáng kiến này, ông đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại.

Việc sử dụng các giống lúa kháng bệnh năng suất cao như IR36 và IR64 không chỉ làm giảm chi phí sản xuất và gia tăng sản lượng, mà còn hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, góp phần thúc đẩy tính bền vững của nông nghiệp trên toàn cầu.

Cả một đời ông gắn bó với nông dân, mong muốn người nông dân có thể làm giàu trên chính cánh đồng của mình, với GS Võ Tòng Xuân, những đánh giá ấy là sự ghi nhận khách quan nhất cho một người làm khoa học.

THIÊM NGUYỄN