Vốn được “bơm” kịp thời vào nền kinh tế để phục vụ sự phát triển

02/01/2019 - 07:33

 - Kết thúc năm 2018, kinh tế của tỉnh tiếp tục đà phục hồi và tăng trưởng tốt, GRDP tăng 6,52% so cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,04%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,88% và khu vực dịch vụ tăng 8,64%.

Từ nông nghiệp

Có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, phải nói đến vai trò của ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc đáp ứng kịp thời nguồn vốn để phục vụ sự tăng trưởng, phát triển của tỉnh. Năm 2018, dưới sự điều hành của ngành ngân hàng, vốn tiếp tục được “bơm” mạnh vào nền kinh tế, trong đó đồng vốn ngắn hạn phục vụ hoạt động sản xuất - kinh doanh của các thành phần kinh tế tăng mạnh, cơ cấu tín dụng thay đổi theo hướng tích cực, dòng vốn tín dụng tiếp tục được định hướng vào 5 lĩnh vực ưu tiên, ngành hàng quan trọng như: nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp vừa và nhỏ… Nếu năm 2016, tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đối với nền kinh tế tỉnh là 56.276 tỷ đồng thì bước sang năm 2017, con số này được nâng lên 60.789 tỷ đồng. Năm 2018, tổng dư nợ cho vay là 66.898 tỷ đồng, so với cuối năm 2017 tăng 10,05%. Trong đó dư nợ trên lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn theo Nghị định số 55 là 34.789 tỷ đồng. Vốn kịp thời “bơm” vào nền kinh tế giúp vực dậy lĩnh vực chế biến gạo và cá tra xuất khẩu. Từ đồng vốn này, các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu cá tra mạnh dạn đầu tư cho phát triển, trong đó nhiều công ty đã đẩy mạnh khép kín quy trình, nâng cao hiệu quả sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. “Từ nguồn vốn giá rẻ, các tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay (theo 5 lĩnh vực ưu tiên), Nam Việt đã mạnh dạn đầu tư khép kín quy trình sản xuất từ con giống đến chế biến thức ăn, nhà máy chế biến sản phẩm cá fillet xuất khẩu. Chính từ việc khép kín này mà giá thành “cá biệt” của công ty thấp hơn giá thành “cộng đồng” của ngư dân ít nhất là 1.000 đồng/kg. Đây là lợi thế để chúng tôi cạnh tranh trong bối cảnh Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ ngày 31-12-2018” - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Việt Doãn Tới khẳng định.

Agribank An Giang khai trương Điểm giao dịch mới tại xã Vĩnh Xương (TX. Tân Châu)

đến thương mại - dịch vụ

Vốn đã “bơm” kịp thời vào nền kinh tế đã giúp các ngành, nghề trong tỉnh phục hồi và phát triển, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng chung của nền kinh tế. GRDP của tỉnh năm 2018 tăng đến 6,52%, trong khi năm 2017 là 5,11% và năm 2016 là 4,47%. Khu vực nông nghiệp trong năm 2016 tăng trưởng âm, bước sang 2017 bắt đầu phục hồi và năm 2018, mức tăng trưởng 2,04%. Điều này cho thấy, nền kinh tế của tỉnh trên đà phục hồi và phát triển. Đây là năm nền kinh tế của tỉnh có mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua (kể từ khi thế giới bị tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu). Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 840 triệu USD, tăng 2,44% so cùng kỳ và đạt 100% kế hoạch đề ra. Xuất khẩu lúa, cá tra được mùa, đời sống nông dân khu vực nông thôn khấm khá hơn. Năm 2018, GRDP bình quân trên đầu người của tỉnh đạt trên 34 triệu đồng/người/năm, tương đương 1.507 USD/người/năm, tăng 7 USD so năm 2017. Đời sống khấm khá, sức mua trên thị trường tiếp tục trên đà phục hồi và phát triển.

Năm 2018, nếu khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,88% thì khu vực dịch vụ tăng 8,64% (đóng góp 4,49 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung). Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, trong đó tỷ trọng khu vực II và III tăng tăng dần qua các năm. Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm  tỷ trọng 28,90%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 14,79%; khu vực dịch vụ chiếm 54,73%. Năm 2018, đồng vốn được định hướng vào 5 lĩnh vực ưu tiên đã phát huy tác dụng; lĩnh vực cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho vay sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu theo các chương trình mục tiêu kinh tế trọng điểm của tỉnh cũng đã phát huy tác dụng, từ đó giúp các doanh nghiệp mở rộng quy mô, phát triển thị trường. Nếu năm 2016, tốc độ tăng trưởng của ngành ngân hàng là 9,08% thì bước sang năm 2018, tốc độ này đạt 10%. Dư nợ phân theo ngành kinh tế, nếu lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2018 đạt 19.960 tỷ đồng thì lĩnh vực thương mại và dịch vụ đạt 40.556 tỷ đồng. “Nhờ vào đồng vốn của ngân hàng, bà con đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh. Trong bối cảnh Hiệp định CPTPP có hiệu lực, ngành ngân hàng cần tiếp tục cắt giảm chi phí để đồng vốn giải ngân cho bà con tiểu thương nói riêng, các ngành kinh tế nói chung có được đồng vốn giá rẻ, từ đó mới có thể tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm trong quá trình hội nhập toàn cầu hiện nay” - bà Trần Tú Lệ (tiểu thương chợ Tân Châu) mong muốn.

“Sau Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn chủ động, tăng cường tìm kiếm khách hàng, tiếp xúc dự án, đặc biệt là các dự án khả thi đã được UBND tỉnh trao quyết định chủ trương đầu tư để hỗ trợ tốt nhất cho các doanh nghiệp, ngân hàng luôn đồng hành để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho các doanh nghiệp…”- Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh An Giang Lê Trọng Nghĩa khẳng định

Bài, ảnh: MINH HIỂN