Vụ chuỗi liên kết Tafishco: Ngân hàng cần chia sẻ khó khăn với nông dân

21/06/2018 - 07:31

 - Chiều 19-6-2018, đại diện Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An (Công ty Thuận An - Tafishco) đã tổ chức đối thoại với các nông dân (ND) mà công ty còn nợ tiền mua cá. Cả doanh nghiệp và ND đều mong muốn các ngân hàng (NH) trích bớt các nguồn thu có được từ tài sản của Tafishco để trả bớt nợ cho ND, giúp ND tái sản xuất, vượt qua hoàn cảnh rất khó khăn hiện nay.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Thuận An Hoàng Hữu Thành thông tin về tình hình công ty chiều 19-6

Khai thác luôn tài sản không thế chấp?

Trao đổi với ND ngay tại trụ sở của Công ty Thuận An (thị trấn An Châu, Châu Thành), Phó Tổng Giám đốc Công ty Thuận An Hoàng Hữu Thành cho biết, sau khi vợ, chồng ông Nguyễn Thái Sơn và bà Nguyễn Thị Huệ Trinh (Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc Công ty Thuận An) “đi nước ngoài rồi biến mất” (tháng 11-2016), Cục Thi hành án tỉnh đã kê biên, giao tài sản thế chấp cho NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh An Giang (Agribank An Giang) và Chi nhánh NH Phát triển khu vực Đồng Tháp - An Giang. “Giai đoạn này, Công ty Thuận An cùng NH hợp đồng với đối tác gia công để tiếp tục sản xuất, trích trả về NH khoảng 600 triệu đồng/tháng. Từ tháng 10-2017, khi tình hình nguyên liệu khó khăn, đối tác cũ nghỉ tham gia, các NH tìm đối tác mới. Đến đầu tháng 5-2018, cả 2 nhà máy Thuận An 1 (xã Bình Mỹ, Châu Phú) và Thuận An 3 (thị trấn An Châu) NH đã cho đơn vị khác thuê nhưng công ty không hề biết thông tin về các hợp đồng này. Chúng tôi không biết giá cho thuê bao nhiêu, thời hạn thuê bao lâu, đơn vị thuê sử dụng các thiết bị nào…” - ông Thành trình bày.

Ông Thành cho biết, khi phát hiện đơn vị thuê sử dụng những trang thiết bị không phải là phần tài sản thế chấp cho NH (trị giá trên 20 tỷ đồng), ngày 17-4-2018, công ty đã có công văn gửi 2 NH, yêu cầu làm rõ việc chuyển giao tài sản của công ty cho đối tác mới. Do không nhận được phản hồi nên ngày 11-6, Công ty Thuận An tiếp tục gửi công văn yêu cầu các NH cung cấp thỏa thuận cho thuê đối với phần tài sản thế chấp. Riêng đối với tài sản khác thuộc sở hữu của công ty (không nằm trong diện thế chấp và không có quyết định kê biên), đề nghị 2 NH thông báo rõ cho bên thuê không được sử dụng khi chưa có sự đồng ý của Thuận An. Ngày 18-6, đại diện 2 NH đã có buổi làm việc với công ty. “Tại buổi làm việc, 2 NH cho biết, đang xin ý kiến hội sở chính về việc phân chia tỷ lệ tiền thuê, khi nào có ý kiến mới cung cấp hợp đồng cho thuê. NH yêu cầu công ty liệt kê tất cả tài sản chưa thế chấp để 2 NH làm việc với bên đối tác thuê, xác định rõ nguồn gốc tài sản nhằm đề nghị cơ quan thi hành án kê biên để thi hành án” - ông Thành thông tin.

ND lại bị xếp vào danh sách nợ xấu

“NH và ND đều là chủ nợ của Công ty Thuận An nhưng tại sao NH được khai thác tài sản của công ty để thu hồi nợ, còn ND bán cá gần 2 năm nay không nhận được đồng nào?”- ND Nguyễn Văn Mửng (huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) lo lắng.

Là ND tham gia vào chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco ngay từ đầu, ông Nguyễn Văn Tấn (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) tỏ ra thất vọng. “Trong chuỗi liên kết, tiền vay mua thức ăn, tiền bán cá ND không được nhận. Lẽ ra, khi lãnh đạo công ty bỏ trốn, NH phải tập trung nợ của ND vào Công ty Thuận An bởi toàn bộ số cá đều đã giao cho công ty. Đằng này, NH vẫn siết nợ ND, muốn lấy hết tài sản của Thuận An khai thác nhưng không chia sẻ phần nào cho ND”- ông Tấn bức xúc. ND Lê Quang Vinh (thị trấn An Châu) thêm vào: “Hiện nay, những ND tham gia chuỗi liên kết bị xếp vào nợ xấu nhóm 5. Có tên trong “danh sách đen” này, ND muốn mua hàng trả góp còn không được thì làm sao vay vốn làm ăn”.

Tại buổi đối thoại với Công ty Thuận An, các ND đề nghị phải tách riêng phần tài sản chưa thế chấp để thanh toán bớt tiền nợ mua cá cho ND, chứ không thể giao hết cho NH. Đồng thời, kiến nghị UBND tỉnh có văn bản đề nghị Chính phủ đồng ý chuyển nợ của ND tham gia chuỗi liên kết sang Công ty Thuận An, giải chấp tài sản cho ND và đưa ra khỏi danh sách nợ xấu nhóm 5 để ND tái đầu tư sản xuất.

“UBND tỉnh cần chủ trì buổi đối thoại giữa ND với các NH và Công ty Thuận An. Qua đó, thống nhất việc chia sẻ phần thu nhập từ khai thác tài sản của công ty cho ND. Đồng thời, xử lý phần tài sản chưa thế chấp theo hướng ưu tiên trả nợ cho ND” - ND Nguyễn Văn Tấn đề xuất.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN

 

Liên kết hữu ích