Ông Trần Hữu Bằng trình bày: “Cha tôi (ông Trần Hữu Phước) qua đời năm 2005, mẹ tôi (bà Đoàn Thị Khoanh) nay đã 81 tuổi. Năm 1968 và năm 1971, gia đình tôi mua mảnh đất phần mặt tiền 40m, mặt hậu 32m, dài 238m, được chính quyền thị thực, xác định trụ ranh đất, nay giấy tờ còn lưu. Gia đình tôi cất nhà ở cho đến nay. Tuy nhiên, đến năm 1999, chúng tôi phát hiện nhà liền kề là ông Dương Hồng Hưng lấn chiếm trên 400m2 đất (mặt tiền 3,9m, dài 104m).
Phần đất này khoảng năm 2000 đã được UBND huyện Châu Phú cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) cho ông Hưng. Ngay sau đó, ông cất nhà trên phần đất chiếm. Bị gia đình tôi làm đơn khiếu nại, ngăn cản nhưng ông Hưng vẫn cất nhà.
Gia đình tôi khiếu nại về việc cấp GCNQSDĐ của ông Hưng, địa phương nhận đơn, nói sẽ xem xét giải quyết. Nhưng sau nhiều lần mời hòa giải, cuối cùng sự việc vẫn nằm yên một chỗ. Đến năm 2013, gia đình tôi làm thủ tục khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện Châu Phú. Vẫn tiếp tục là điệp khúc “mời nhiều lần”, và vụ việc đến nay vẫn chưa được xem xét, giải quyết”.
Ông Trần Hữu Bằng
Nói về sự việc trên, ông Dương Hồng Hưng (sinh năm 1950) thông tin: “Năm 1999, Nhà nước chủ trương đo đạc đại trà, gia đình tôi thực hiện theo hướng dẫn. Khi đến phần chỉ ranh giới, có mặt ông Trần Hữu Phước và em tôi (Dương Hồng Phát). Sau đó, phần đất được Nhà nước cấp GCNQSDĐ. Khi có được “giấy đỏ”, tôi cất nhà với mặt tiền khoảng 10m. Hộ bà Khoanh cho rằng gia đình tôi lấn ranh, đã làm đơn khiếu nại đến ấp, rồi UBND xã và sau đó khởi kiện ra tòa án. Vụ việc đã nhiều lần hòa giải, đưa ra xét xử nhưng đến 2 lần phải tạm hoãn do bị vướng một số vấn đề liên quan.
Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị xét xử, gia đình bà Khoanh (do Trần Hữu Bằng được ủy quyền) thể hiện thái độ phản đối, thông tin sai trái làm sự việc rắc rối, phức tạp. Tôi muốn vụ việc sớm được phân định rõ ràng, kết thúc vấn đề, tránh tình trạng lời ra tiếng vào làm mất tình làng nghĩa xóm”.
Một số cán bộ và bà con (xin không nêu tên) bày tỏ: “Vụ việc trên xảy ra khá lâu và đã kiện đến tòa án. Chúng tôi rất mong sớm được phân định trắng đen, tránh tình trạng ai cũng nói mình đúng, nhiều lời ra, tiếng vào trái chiều. Dù sống liền kề nhưng không ai nhìn mặt ai, rất nặng nề, khó hàn gắn”.
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, sự việc đã được tòa án thụ lý vào cuối năm 2013. Nhưng do vướng mắc các vấn đề liên quan, như: việc xem xét nguồn gốc đất, đo đạc, ranh giới, mốc giới… nên về mặt thời gian bị ảnh hưởng. Cụ thể, để làm rõ trình tự, thủ tục cấp GCNQSDĐ, cơ quan xét xử phải đề nghị cơ quan chuyên môn xác thực mức độ và tính chất của nó. Về việc này, cuối năm 2014, UBND huyện Châu Phú thông tin: phần đất tranh chấp nói trên có nguồn gốc của cha mẹ để lại từ năm 1980, sử dụng ổn định, không tranh chấp. Khu đất được cán bộ chuyên môn Trung tâm Quan trắc kỹ thuật tài nguyên và môi trường đo đạc (cấp đại trà đất thổ cư).
Trong phần biên bản xác định ranh giới - mốc giới thửa đất chưa ký tên đầy đủ thành phần giáp ranh, kể cả ông Trần Hữu Phước. Tháng 2-2001, đất đo đạc được UBND huyện Châu Phú cấp giấy chứng nhận QSDĐ với thửa đất số 38, tờ bản đồ số 48, diện tích 991m2. Căn cứ về việc ban hành bản quy định về trình tự và thủ tục cấp GCNQSDĐ đất ở, đất chuyên dùng, đất vườn tại nông thôn của UBND tỉnh An Giang (theo Quyết định số 283/1999/QĐ-UB ngày 13-2-1999) là chưa bảo đảm trình tự, thủ tục theo quy định.
Chánh án Tòa án nhân dân huyện Châu Phú Lê Hồng Sơn cho biết: “Vụ việc trên chúng tôi thụ lý, đã thực hiện đúng các bước theo quy định của pháp luật. Hiện tòa án đề nghị cung cấp, làm rõ để xem xét đưa các đương sự vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Vụ việc đang được xúc tiến thực hiện và sẽ đưa ra xét xử”.
Bài, ảnh: N.R