Được người cháu cho mượn miếng đất rộng 3.000m2 tại thị trấn Vĩnh Bình, vậy là bà Mười rời quê nhà xã Mỹ Phú (huyện Châu Phú) phát tâm trồng các loại cây thuốc nam để cho miễn phí người dân có nhu cầu điều trị bệnh. Vườn thuốc nam của bà Mười phát triển đúng 20 năm, đó là chưa kể 2 năm trước đó được dành riêng để cải tạo đất, sưu tầm các loại cây giống. Mỗi ngày, công việc của bà Mười bắt đầu từ lúc sáng sớm đến chiều tối.
Buổi sáng trời mát, bà Mười tranh thủ làm cỏ, chiết nhánh thuốc ra trồng; còn buổi trưa nắng nhiều thì tranh thủ trộn đất ươm cây giống để trồng thêm trong vườn hoặc cho những vườn thuốc nam khác đang cần. Buổi chiều tranh thủ tưới nước, dọn vườn để có chỗ trồng thêm một số cây mới. Cứ như vậy, công việc luôn tay luôn chân mà chưa bao giờ nghe bà Mười than vãn câu nào.
Trong lúc trò chuyện, bà Mười vẫn loay hoay làm cỏ, chiết cây thuốc ra trồng, dọn vườn. Đến lúc hỏi phải làm luôn tay luôn chân như vậy có cảm thấy cực lắm không, bà Mười xua tay, cười xòa: “Ai nhìn công việc tôi làm cũng nói cực quá, vì có một mình kham hết vườn thuốc. Nếu thấy cực tôi đã không làm, chỉ cần cây thuốc trồng ra, có thể góp phần giúp người bệnh giảm bớt khổ đau thì đối với tôi đã là hạnh phúc, niềm vui sống mỗi ngày”.
Bà Mười tận dụng tất cả những khoảng trống trong vườn để trồng thuốc. Chẳng hạn, cây thuốc thân gỗ sẽ được trồng ngoài lề để không chiếm diện tích, còn cặp mé lộ được bà Mười quy hoạch để trồng thêm một số loại dây leo, vừa làm hàng rào, vừa có thể thu hoạch tận dụng làm thuốc.
Ngoài tự đi tìm cây thuốc giống, bà Mười còn nhờ những phái đoàn đi sưu tầm cây thuốc ở những vùng xa, trên núi để về gây giống cho vườn thuốc của mình. Chỉ từ 1 - 2 cây giống ban đầu, qua thời gian chăm sóc và nhân giống, vườn thuốc nam của bà Mười rất đa dạng về chủng loại. Đồng thời, số lượng thuốc cung ứng cho người dân và nhà thuốc ở các địa phương hàng năm từ 30-50 tấn thuốc các loại.
Chăm sóc vườn thuốc nam chính là niềm vui của bà Mười
Hiện, trong vườn thuốc nam của bà Mười có trên 20 loại thuốc từ thông dụng đến quý hiếm. Có loại được bán ngoài thị trường với giá mỗi ký hàng chục triệu đồng, nhưng cứ đến vườn thuốc nam của bà Mười, tất cả đều hoàn toàn miễn phí. Nhìn từng loại thuốc trong vườn, bà Mười có thể kể tên và nói rõ công dụng. Đó là cả quá trình tìm hiểu, học hỏi từ sách và thực tế.
Chỉ tay về phía góc vườn, bà Mười chia sẻ: “Đó là cây hoàng bá nam (cây núc nát), cây ô dước (cây quế rừng) được dùng để hỗ trợ trị đau bao tử. Còn kia là cây dong nem để trị mất ngủ và có tác dụng an thần, cây bạch hạt thì trị ho hay lắm. Khóm kim tiền thảo ngoài xa xa đó thì hỗ trợ điều trị cho những bệnh nhân bị sạn thận…”.
Đều có cùng tâm nguyện là góp sức giúp đời nên hễ có nhà thuốc liên hệ cần cây thuốc gì, nếu trong vườn có là bà Mười sẵn lòng hỗ trợ, dù ở trong hay ngoài tỉnh. Trước đây, ngoài việc trồng cây thuốc, tranh thủ được chút thời gian là bà Mười thu hoạch cây thuốc trong vườn để phơi khô, vô bao rồi cất vào kho, phần này cũng để phát miễn phí.
“Khi mới bắt đầu trồng vườn thuốc nam, tôi có tìm sách dược liệu để đọc, nhờ vậy có thể phân biệt hình dáng, dược tính của từng loại thuốc. Cây thuốc có nhiều tên gọi, đôi khi cùng 1 cây nhưng trong sách gọi khác mà dân gian mình cũng có tên khác, bởi vậy phải biết để hướng dẫn bà con” - bà Mười giải thích.
Trong những ngày dịch COVID-19 ảnh hưởng, bà Mười cùng các hội viên, phụ nữ ở địa phương tổ chức nấu nước mát từ cây trà ô long, mỗi ngày khoảng 100 lít. Nấu nước xong, rồi mọi người vô chai, chở đi tặng các chốt trực phòng, chống dịch ở địa phương. Bên cạnh đó, còn hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho các hội viên, phụ nữ ở địa phương để cùng chung sức, đồng lòng tham gia chống dịch.
Theo Chủ tịch Hội Lội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Vĩnh Bình Đỗ Thị Bích Liên, cô Hà (bà Mười) là hội viên tiêu biểu, hầu như phong trào nào của hội đưa ra cô đều ủng hộ nhiệt tình. Không chỉ bản thân sống gương mẫu, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, mà khi có phong trào, mô hình đều vận động tốt hàng xóm, láng giềng tham gia thực hiện.
“Riêng, mô hình vườn cây thuốc nam phục vụ miễn phí đã được cô Mười thực hiện lâu, hễ bà con nghèo bị bệnh hoặc các phòng thuốc nam trong, ngoài địa phương cần thuốc đến liên hệ đều được cho miễn phí. Bên cạnh đó, các trường hợp người dân có thiếu hụt về gạo, bệnh đau đột xuất cần tiền đi điều trị đến liên hệ thì cô đều giúp đỡ” - chị Liên thông tin.
Bây giờ, niềm vui lớn nhất của bà Mười có lẽ là những lần có người dân nhờ xin thuốc nam trong vườn mà bệnh tình thuyên giảm, có khi là hết hẵn. Trong thời gian qua, ngoài trồng thuốc tại vườn, bà Mười còn kết hợp với nhiều bà con ở các địa phương trong và ngoài thị trấn phát triển nhiều vườn thuốc nam, chuyên cung cấp cho các nhà thuốc nam phát miễn phí ở nhiều nơi.
“Chỉ cần còn sức khỏe ngày nào, tôi nguyện sẽ chăm lo cho vườn thuốc nam thật tốt để làm được công việc có ích giúp người, giúp đời” - bà Mười chia sẻ.
|
ÁNH NGUYÊN