Vượt qua nỗi đau da cam

15/03/2023 - 09:21

 - Trong chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã rải hàng chục triệu lít chất độc hóa học da cam/dioxin xuống miền Nam Việt Nam. Chiến tranh qua đi nhưng nỗi đau để lại cùng di chứng chất độc da cam/dioxin vẫn còn dai dẳng. Điều đáng ghi nhận, bằng ý chí và nghị lực, nhiều nạn nhân chất độc da cam vượt lên nỗi đau, nỗ lực phấn đấu vươn lên trên nỗi bất hạnh của mình để vươn lên trong cuộc sống.

Chị Thoảng luôn phấn đấu vươn lên, vượt qua nỗi đau da cam

Chị Trần Thị Thanh Thoảng (sinh năm 1981, ngụ khóm Phú Hữu, thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn) là người cho tôi cảm nhận rõ nhất về hành trình sống và nghị lực phi thường khi “chiến đấu” với nỗi đau da cam. Chị Thoảng nói rằng, cha chị là thương binh hạng 1 sau khi trở về từ chiến trường. Khi vừa lọt lòng mẹ, chị mang di chứng chất độc da cam/dioxin, 2 chân teo cơ nên liệt hoàn toàn. Với những đứa trẻ khác, tuổi thơ của họ là những bước đi chập chững có vòng tay cha mẹ dìu dắt. Còn tuổi thơ của chị Thoảng là chuỗi ngày dài ao ước 1 lần được đi trên đôi chân của mình. Song, đó cũng chỉ là ước mơ. Chị Thoảng học đến hết lớp 3. Những tưởng, cánh cửa cuộc đời sẽ khép lại với người phụ nữ kém may mắn ấy. Bằng nghị lực vượt khó, quyết tâm chiến thắng số phận, chị Thoảng làm quen với chiếc xe lăn, tự chăm sóc bản thân và làm những việc trong khả năng để bản thân dù “tàn nhưng không phế”.

“Tôi tập thêu thùa rồi nhận thêu tên học sinh. Nhờ mọi người thương, ủng hộ nên có thu nhập hàng ngày. Những năm gần đây, tôi ngưng công việc này vì học sinh sử dụng phù hiệu có keo dán lên áo dễ dàng. Tôi lại mày mò, học cách làm chậu hoa bằng vải bán vào dịp Tết. Nhờ lấy công làm lời, mỗi chậu hoa tôi bán với giá vài trăm ngàn đồng. Hai năm qua, khách ủng hộ khá nhiều. Ngày thường, tôi loay hoay với những việc nội trợ trong nhà, phụ chồng chăm sóc con cái và chu toàn nhà cửa. Dù đôi chân không đi được nhưng đôi tay tôi khỏe, có thể làm được tất cả mọi việc trong khả năng của mình” - chị Thoảng chia sẻ.

Trong căn nhà nhỏ ngăn nắp, gian bếp vẫn đỏ lửa với những món ăn do chị Thoảng tự tay chuẩn bị cho chồng con, tôi ngưỡng mộ nghị lực phi thường của người phụ nữ mang di chứng chất độc da cam/dioxin. Chính khao khát, ước muốn hòa nhập, muốn sống cuộc sống như những người bình thường cùng những lời động viên chân thành từ những người thân tạo nên động lực, giúp chị Thoảng không chịu thua số phận. Đó cũng là nghị lực chúng tôi thấy ở anh Lê Trung Kiên (sinh năm 1978, ngụ khóm Tây Sơn, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) - bị teo cơ do di chứng chất độc da cam/dioxin khi vừa cất tiếng khóc chào đời. Dù vậy, anh Trung Kiên vẫn có thể đi lại, bước chân khập khiễng, yếu ớt. Là con thứ trong gia đình đông anh em. Cha mẹ anh Trung Kiên đều tham gia kháng chiến chống Mỹ và được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, hạng Ba. Song, số phận đã không mỉm cười với anh Kiên vì căn bệnh teo cơ chân. “Tôi không vì vậy mà chịu thua số phận. Được học đến lớp 5, dù được anh em thương, lo lắng nhưng tôi không muốn mình là gánh nặng cho gia đình nên tự kiếm lấy cái nghề. Nhiều năm qua, tôi làm phụ hồ gần nơi sinh sống. Dẫu cực nhưng kiếm được đồng tiền do mồ hôi, công sức mình làm ra, tôi thấy rất hạnh phúc!” - anh Trung Kiên bày tỏ.

Anh Trung Kiên

Nỗi đau này vừa vơi thì nỗi đau khác lại đến. Nửa năm qua, anh Trung Kiên phát hiện bản thân bị bệnh xơ gan. Căn bệnh hoành hành, cùng những cơn đau từ bên chân bị teo cơ nên sức khỏe anh yếu dần, không thể đi làm phụ hồ được nữa. Trong căn nhà xập xệ, mọi thứ đều gán ghép một cách tạm bợ, anh Trung Kiên nói rằng, niềm vui và động lực lúc này là nhận được tin Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thoại Sơn sẽ hỗ trợ cất mới căn nhà trị giá 50 triệu đồng. “Đó là niềm an ủi, động viên tôi cố gắng vượt qua bệnh tật để sống tốt và sống có ích hơn từng ngày!” - anh Trung Kiên nói trong niềm phấn khởi.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thoại Sơn Huỳnh Công Tấn cho biết: “Anh Lê Trung Kiên và chị Trần Thị Thanh Thoảng là những nạn nhân chịu ảnh hưởng của di chứng chất độc da cam/dioxin. Mặc dù cơ thể khiếm khuyết, thiếu may mắn hơn so với người khác nhưng ở 2 người luôn có nghị lực vươn lên. Họ không đầu hàng trước số phận, luôn tìm cách để bản thân tốt hơn từng ngày. Với chị Thoảng, hội đã hỗ trợ cất mới cho chị căn nhà vào năm 2017, trị giá trên 70 triệu đồng. Trong đó, 50 triệu đồng do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Thoại Sơn vận động, phần còn lại do vợ chồng chị Thoảng tích lũy, đối ứng thêm. Còn anh Trung Kiên, năm 2023, hội sẽ cất mới căn nhà cho anh".

Hy vọng, sẽ có nhiều nhà hảo tâm chia sẻ, hỗ trợ thiết thực những người nhiễm chất độc da cam để họ tự tin vượt lên chính mình.

PHAN LƯƠNG