Xanh hóa bản đồ du lịch Việt Nam

07/01/2024 - 09:38

Du lịch phát triển, thách thức đối với khai thác tài nguyên, bảo vệ môi trường càng lớn, thì yêu cầu tăng trưởng xanh, bền vững càng cần đặt lên hàng đầu. Đây không chỉ là đòi hỏi tất yếu đối với sự phát triển nội tại du lịch, mà còn là xu hướng và định hướng phát triển của ngành kinh tế xanh Việt Nam.

Du khách tham gia hoạt động nhặt rác trên bãi biển do khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay tổ chức. (Ảnh UYÊN NGUYỄN)

Theo kết quả khảo sát của Booking.com, có tới 88% số du khách Việt cho biết muốn đi du lịch theo hướng bền vững hơn kể từ sau đại dịch Covid-19, 88% muốn giảm mức tiêu thụ năng lượng, 81% muốn sử dụng các loại hình giao thông thân thiện hơn với môi trường như đi bộ, xe đạp hay phương tiện công cộng.

Đáng chú ý, 52% số du khách Việt đã có ý thức mang theo chai nước riêng có thể tái sử dụng thay vì nước đóng chai khi đi du lịch, 44% tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng địa phương.

Thông tin vừa được công bố của nền tảng du lịch trực tuyến Traveloka cũng khẳng định du lịch xanh là một trong ba xu hướng giúp du lịch Việt Nam bứt phá trong năm 2024, cùng với du lịch kết hợp sự kiện âm nhạc, du lịch gắn với tìm hiểu văn hóa địa phương.

Điều này cho thấy, du lịch xanh trên cơ sở khai thác hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn gắn với bảo vệ môi trường không chỉ là xu hướng, mà còn là thị phần có khả năng phát triển mạnh mẽ của du lịch Việt.

“Chìa khóa” phát triển du lịch bền vững

Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương khẳng định, du lịch xanh là cách tiếp cận mới có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với mục tiêu phát triển bền vững ngành du lịch, được xác định là nguyên tắc, xu thế chung trong phát triển du lịch của nhiều quốc gia trên thế giới.

“Tiêu chí “xanh” ngày càng được thị trường coi trọng hơn trong việc lựa chọn điểm đến và sản phẩm du lịch. Phát triển du lịch xanh không những đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, tài nguyên, mà còn mang lại những giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững.

Đó là lý do các chiến lược, chính sách, quy hoạch, định hướng phát triển du lịch nước ta thời gian gần đây đều xác định mục tiêu cần phát triển du lịch xanh, bền vững gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã nhấn mạnh quan điểm phải phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững.

Tại Nghị quyết 82/NQ-CP ngày 18/5/2023 về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững, Chính phủ cũng đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng và triển khai Chương trình hành động du lịch xanh giai đoạn 2023-2025, bảo vệ môi trường tự nhiên và xã hội tại các điểm đến du lịch trọng điểm theo định hướng “Điểm đến du lịch xanh, sạch, đẹp, văn minh, thân thiện”.

Một số địa phương trong nước đã ban hành những quy định riêng về phát triển du lịch xanh trên địa bàn. Các mô hình du lịch xanh tiêu biểu cũng đã được vận hành ở một số điểm đến, cơ sở lưu trú trên cả nước…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc phát triển du lịch xanh ở nước ta vẫn gặp phải nhiều rào cản.

Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng, một trong những thách thức cần đề cập là tình trạng quá tải khách du lịch ở một số điểm đến gây áp lực lên tài nguyên, môi trường và cơ sở hạ tầng địa phương; bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận du khách và một số cộng đồng địa phương về du lịch xanh còn hạn chế.

Chưa kể, vẫn còn nhiều doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư vào hạ tầng và các tiện ích để hỗ trợ phát triển du lịch xanh; sự hợp tác, liên kết giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư địa phương trong triển khai các hoạt động du lịch xanh đôi khi cũng chưa chặt chẽ…

Xác định nguyên nhân của việc chưa thể lan tỏa mạnh mẽ những mô hình xanh trong phát triển du lịch, Tiến sĩ Trương Sỹ Vinh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch thẳng thắn nhận định: Những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách liên quan phát triển bền vững nói chung và phát triển du lịch bền vững nói riêng.

Nhưng đến nay, các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về phát triển du lịch bền vững theo hướng tăng trưởng xanh tại các điểm du lịch hầu như vẫn chưa được ban hành và chưa có hướng dẫn đầy đủ, các hình thức khuyến khích hay chế tài xử phạt liên quan nhằm bảo đảm sự phát triển xanh, bền vững cũng hầu như không có cho nên các địa phương, điểm du lịch khó áp dụng triển khai…

Tạo động lực tăng trưởng xanh

Chia sẻ giải pháp nhằm “xanh hóa” du lịch Việt Nam, tại Diễn đàn Phát triển du lịch xanh Việt Nam năm 2023 vừa diễn ra tại Vũng Tàu, Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch cho rằng, cần thiết phải hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định quản lý về phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh; khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh du lịch có trách nhiệm, đầu tư bền vững, đầu tư xanh để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ du lịch xanh, thúc đẩy xu hướng tiêu dùng du lịch xanh; tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh, sạch trong hoạt động kinh doanh du lịch, sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sạch, vật liệu tái chế, tiết kiệm năng lượng…

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, cần phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái nông nghiệp-nông thôn, du lịch khám phá trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng-chăm sóc sức khỏe.

Các địa phương và doanh nghiệp trong quá trình phát triển và kinh doanh du lịch cần tính đến bài toán “xanh hóa” và “bền vững hóa” các hoạt động du lịch, trên cơ sở gần gũi với thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức về phát triển du lịch xanh cho đội ngũ nhân lực du lịch và du khách, cần có cách kiểm soát hoạt động đầu tư, kinh doanh “núp bóng” dưới hình thức các dự án du lịch xanh nhưng thực chất là đầu cơ bất động sản, chiếm dụng quỹ đất, quỹ rừng; đồng thời có chế tài xử phạt nặng đối với cá nhân, tổ chức có hành vi gây tổn hại đến tài nguyên và môi trường du lịch, cũng như khen thưởng kịp thời đối với cá nhân, tổ chức có sáng kiến, cống hiến trong phát triển du lịch xanh, bền vững…

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh cần rà soát lại các tiêu chí phát triển du lịch xanh của Việt Nam và ban hành bộ tiêu chí phù hợp với bối cảnh mới, trên cơ sở đó có hướng dẫn cụ thể để các địa phương áp dụng thống nhất, dễ dàng chi tiết hóa, cụ thể hóa các tiêu chí du lịch xanh phù hợp.

Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, bà Nhữ Thị Ngần, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch Hà Nội (Hanoi Tourism JSC) khẳng định, để thực hiện thành công định hướng phát triển du lịch xanh, nhất thiết phải có sự chung tay vào cuộc của cả cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, doanh nghiệp du lịch và sự ủng hộ của cộng đồng địa phương, đặc biệt là sự hợp tác của du khách.

Trong đó, vai trò điều tiết và hỗ trợ của Nhà nước có vai trò vô cùng quan trọng, nhất là trên các góc độ: truyền thông quốc gia về phát triển du lịch xanh nhằm thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng xanh của du khách quốc tế và nội địa; khuyến khích các hành vi xanh, tư duy xanh thông qua các hình thức hỗ trợ như ưu đãi về thuế, về hạn mức và thủ tục vay vốn đầu tư xanh, gỡ bỏ các thủ tục rườm rà tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư, đồng hành cùng cộng đồng địa phương phát triển du lịch xanh, bền vững.

“Chỉ khi có sự đồng hành của các bên thì mới tạo được môi trường thuận lợi cho du lịch xanh có cơ hội phát triển. Khi đó, từ nhu cầu tiêu dùng xanh sẽ dẫn đến cung ứng và sản xuất du lịch xanh, tiêu dùng và hành động xanh, từ đó tái đầu tư để tái tạo nguồn tài nguyên, giữ gìn môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa, phục vụ phát triển du lịch nói riêng và thúc đẩy nền kinh tế nói chung”- bà Nhữ Thị Ngần nhấn mạnh.

Theo TRANG ANH (Báo Nhân Dân)