Xây dựng chuỗi liên kết khép kín trong chăn nuôi

01/09/2021 - 06:05

Chăn nuôi heo là bộ phận cấu thành và là nhân tố quan trọng của nền kinh tế nông nghiệp. Ngoài cung ứng nhu cầu thực phẩm hàng ngày cho người dân, ngành hàng này còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại các địa phương trong tỉnh, đóng góp 24,35% cho tăng trưởng toàn ngành nông nghiệp.

Tỉnh đang khuyến khích doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế tham gia tái đàn heo quy mô lớn 

Tuy nhiên, sau đợt bệnh dịch tả heo Châu Phi (xuất hiện trên địa bàn cả nước năm 2019), tiềm lực kinh tế của doanh nghiệp (DN) lẫn nông hộ chăn nuôi giảm sút, ảnh hưởng rất lớn đến việc tái đàn. Từ thực tiễn của đợt bệnh dịch tả heo Châu Phi năm 2019 cho thấy, quy mô tổng đàn heo của nước ta rất lớn. Cụ thể, đến hết quý I-2021, tổng đàn heo thịt cả nước đạt 5,5 triệu con, trong đó An Giang có 79.000 con (chưa tính lượng heo con chưa tách mẹ là 63.200 con). Ngoài bệnh dịch tả heo Châu Phi hoành hành, hiện nay, ngành chăn nuôi heo cả nước nói chung, của tỉnh nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức.

Dịch bệnh COVID-19 xảy ra đã làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu, từ đó làm giá heo hơi từ 82.000 đồng/kg xuống còn 57.000 đồng/kg (giá heo về đến lò mổ), trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Cụ thể, nếu tính từ cuối năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng 7 lần, điều này khiến người nuôi đứng trước tình cảnh “chẳng đặng đừng”. “Người chăn nuôi heo mong nhà nước có hướng dẫn, giải pháp để vực dậy ngành hàng này sau đại dịch COVID-19, kết nối lại cung - cầu, tạo liên kết từ đầu vào đến đầu ra để người chăn nuôi giảm bớt rủi ro…” - ông Trần Văn Thời (phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên) kiến nghị.

Theo ông Thời, giá heo hơi về đến lò mổ chỉ còn 57.000 đồng/kg, trong khi giá thức ăn tăng làm cho người chăn nuôi không còn lợi nhuận. Vì vậy, việc sắp xếp lại ngành chăn nuôi heo để sau dịch COVID-19 phát triển là yêu cầu bức thiết hiện nay. Trao đổi về những giải pháp để đẩy mạnh phát triển chăn nuôi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trương Kiến Thọ cho biết, trước khó khăn hiện nay của ngành hàng này, lãnh đạo ngành nông nghiệp rất thấu hiểu và đồng hành cùng người chăn nuôi.

Cụ thể, ngành nông nghiệp đã hoạch định ra nhiều chương trình, giải pháp cụ thể nhằm giúp DN và người chăn nuôi tái đàn. Tỉnh sẽ ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN chăn nuôi heo quy mô lớn, các trang trại có điều kiện áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, đảm bảo an toàn dịch bệnh… được tái đàn để phát triển đàn heo của địa phương. Ưu tiên tái đàn ở những xã không có dịch bệnh, tiếp theo là các xã đã hết dịch bệnh (ổ dịch qua 30 ngày). “Do mức độ nguy hiểm và tính chất phức tạp của bệnh dịch tả heo Châu Phi, nên việc tái đàn heo cần cẩn trọng, nhằm giảm thiểu nguy cơ tái phát dịch bệnh. Bà con phải thực hiện sát trùng chuồng trại, đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật trước khi tái đàn. Hộ chăn nuôi phải áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và cam kết thực hiện đúng quy trình. Không thực hiện tái đàn tại những hộ chăn nuôi xen kẻ trong khu dân cư, nội ô, nội thị” - ông Thọ khuyến cáo.

Sau đợt dịch hoành hành trên địa bàn tỉnh năm 2019, qua 1 năm (tháng 9-2020), tỉnh An Giang có 653 hộ có nhu cầu tái đàn với 18.847 con. Ngay thời điểm đó đã có 422 hộ thực hiện tái đàn với 15.795 con. Trước nhu cầu tái đàn sau dịch, ngành nông nghiệp tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện các kế hoạch hỗ trợ tái đàn heo trên địa bàn, như: kế hoạch “Tái đàn heo năm 2020 trên địa bàn tỉnh An Giang trong giai đoạn bệnh dịch tả heo Châu Phi được ngăn chặn”. Hỗ trợ tiêm phòng cho 12.000 con heo thực hiện tái đàn trên địa bàn tỉnh (gồm 2.000 con heo nái và 10.000 con heo thịt); kế hoạch “Nâng cao chất lượng đàn heo của tỉnh bằng phương pháp thay đàn cái nền”, cụ thể đã hỗ trợ thay 284 con heo cái sinh sản. Thời gian qua, nhờ áp dụng, hiệu quả các giải pháp tái đàn heo trên địa bàn tỉnh, đảm bảo an toàn, đàn heo dần khôi phục. Trong 6 tháng đầu năm 2021, tổng số heo hiện có toàn tỉnh đạt 79.000 con, chưa tính đến lượng heo con chưa tách mẹ (hiện có 63.200 con), tăng 4.500 con so cùng kỳ năm trước.

Sắp xếp lại ngành chăn nuôi heo để sau dịch bệnh phát triển theo hướng đẩy mạnh liên kết, liên doanh, tạo điều kiện cho DN có tiềm lực tham gia vào ngành chăn nuôi, khuyến khích các nông hộ có kinh nghiệm, tay nghề tham gia phát triển, mở rộng quy mô sản xuất. Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, giải quyết đồng bộ cơ chế chính sách, biện pháp kỹ thuật, khoa học - công nghệ bằng sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý, DN, hợp tác xã, trang trại, hộ nông dân… Có như vậy mới hy vọng vực dậy được một ngành hàng vốn rất có thế mạnh.

MINH HIỂN

“Mục tiêu của tỉnh đối với ngành chăn nuôi này là xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm; kiểm soát được chất lượng từ khâu con giống đến sản phẩm thịt bán ra thị trường; đảm bảo lợi ích và tạo nguồn đầu ra ổn định cho người chăn nuôi; cung cấp nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, chất lượng cho các DN sản xuất và chế biến, đảm bảo lợi ích người tiêu dùng” - ông Trương Kiến Thọ chia sẻ.