Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, khắc phục tồn tại, hạn chế nhiệm kỳ 2019 - 2024, tiến tới Đại hội đại biểu Hội Luật gia tỉnh lần thứ VI, nhiệm kỳ 2024 - 2029, Hội Luật gia tỉnh đang kiện toàn tổ chức, cán bộ, hội viên; tích cực tham gia xây dựng chính sách, pháp luật; giám sát, phản biện xã hội... với nhiều hoạt động nổi bật. Cụ thể, nhiệm kỳ qua, hội tham gia 30 hội nghị, cuộc họp liên quan đến xây dựng chính sách, pháp luật; trực tiếp đóng góp ý kiến 2.174 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó, có 32 dự án luật theo yêu cầu của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh. Đơn vị thẩm định, rà soát, phản biện, kiểm tra 1.081 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản pháp luật có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội địa phương.
Tiếp tục kiện toàn hoạt động của bộ máy, Hội Luật gia tỉnh tổ chức 3 cuộc tọa đàm, thực hiện 3 kỷ yếu chủ đề “Giải pháp xây dựng phát triển mô hình trung tâm pháp luật cộng đồng ở cấp xã”; “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp luật”; “Thực trạng, giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật trong đồng bào tôn giáo, dân tộc”. Từ đó, mang lại hiệu quả thiết thực cho hoạt động hội, nhất là hội cơ sở, được các cơ quan chức năng đánh giá cao, cộng đồng xã hội đồng thuận.
Để tiếp tục đổi mới, nâng chất lượng hoạt động của các cấp hội, Hội Luật gia tỉnh hướng hoạt động về cơ sở. Đầu nhiệm kỳ, có 1.467 hội viên sinh hoạt ở 132 chi hội trực thuộc. Đến nay, số lượng hội viên tăng lên 2.638, 189 chi hội trực thuộc (trong đó 42 chi hội gắn sinh hoạt ở 68 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới). Đáng lưu ý, phần lớn xã nông thôn mới đều có tổ chức hội luật gia hoạt động. Hội Luật gia tỉnh hiện có 9 chi hội trực thuộc, 18 cán bộ chuyên trách cấp huyện. Việc tiếp cận pháp luật của cộng đồng đã tăng về số lượng cùng chất lượng.
“Về phát triển hội viên, chúng tôi làm tốt công tác vận động, tập hợp luật gia có kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp; thu hút luật gia trẻ có trình độ, năng lực tham gia vào tổ chức; mở rộng đối tượng tham gia đa dạng thành phần. Trong nhiệm kỳ, phát triển 2 hội viên luật gia là trụ trì chùa Phật giáo Nam tông và vị sư đại diện đồng bào dân tộc thiểu số Khmer theo đạo ở khu vực Tây Nam Bộ. Qua hoạt động, 2 hội viên trên đã phát huy hiệu quả lồng ghép tuyên truyền chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đối với phật tử, người dân địa phương" - Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh An Giang Bùi Trí Dũng cho biết.
Bên cạnh đó, Hội Luật gia tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm vững mạnh về chính trị và tổ chức; phát huy khối đoàn kết, nhất trí; nâng cao năng lực, chủ động, sáng tạo; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần nâng cao uy tín, vị thế của hội. Quan tâm tổ chức Đại hội đại biểu Hội Luật gia tỉnh nhiệm kỳ mới bảo đảm dân chủ, trang trọng, thiết thực và hiệu quả, đúng quy định của Đảng, Nhà nước và Điều lệ của Hội Luật gia Việt Nam.
Hiện nay, Ban Thường trực Hội thành lập các tiểu ban chuẩn bị đại hội, đề án nhân sự Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Ban Thường trực Hội; xây dựng Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2019 – 2024, tổ chức lấy ý kiến đóng góp; xây dựng kế hoạch phát động thi đua; đẩy mạnh triển khai các đợt tuyên truyền cao điểm trước, trong và sau đại hội.
Đồng thời, tiếp tục lắng nghe ý kiến của hội luật gia cấp huyện, chi hội luật gia trực thuộc tỉnh, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động, những thuận lợi, khó khăn, kiến nghị, đề xuất trong thời gian tới, nhất là nội dung liên quan đến chuẩn bị đại hội. Thường xuyên giáo dục, rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phát huy năng lực chuyên môn cho hội viên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác trong tình hình mới.
NGUYỄN RẠNG