Các nền tảng Facebook, TikTok, Instagram, YouTube… trở thành nơi người dùng giải trí, kết nối bạn bè, học tập. Tuy nhiên, đi cùng với những lợi ích, môi trường mạng mang lại nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Chính vì thế, phụ huynh thường giám sát con thông qua tài khoản mạng xã hội, với mong muốn bảo vệ các em. Mặc dù xuất phát từ mục đích chính đáng, nhưng đôi khi việc giám sát gây phản tác dụng, vô tình xâm phạm quyền riêng tư, làm tổn thương tình cảm giữa cha mẹ và con cái.
Chị Trần Thanh My (ngụ TP. Long Xuyên) bày tỏ: “Trên môi trường mạng, mọi thứ diễn ra nhanh chóng, khó kiểm soát, khó phân biệt thật giả. Ở lứa tuổi vị thành niên, nhận thức còn hạn chế, các con dễ dàng trở thành mục tiêu của đối tượng xấu, hoặc tiếp xúc với nội dung không phù hợp. Từ clip bạo lực, tin giả cho đến thử thách nguy hiểm, hành vi bắt nạt trên mạng... tất cả đều có thể tác động xấu đến tâm lý và hành vi của trẻ. Trước thực trạng đó, chúng tôi cần phải quan sát, theo dõi để biết con mình đang tiếp cận với nội dung gì, từ đó có biện pháp bảo vệ con kịp thời”.
Nhiều phụ huynh chọn cách kết bạn với con trên mạng xã hội, âm thầm quan sát hoạt động đăng bài, bình luận và danh sách bạn bè. Tuy nhiên, cũng có phụ huynh yêu cầu con cung cấp mật khẩu tài khoản để dễ dàng kiểm tra tin nhắn, mối quan hệ trên mạng. Thậm chí, có phụ huynh cài đặt phần mềm giám sát trên thiết bị di động của con mà không thông báo trước, nhằm theo dõi vị trí, nội dung lướt web và thời gian sử dụng điện thoại.

Phụ huynh cần giám sát con trên tinh thần tôn trọng, phù hợp
Việc giám sát này nếu thực hiện đúng cách, phụ huynh sẽ có cái nhìn rõ hơn về đời sống tinh thần của con, nhận biết sớm dấu hiệu bất thường: Buồn bã, cô lập, bị bạn bè xa lánh, bị ảnh hưởng bởi các quan điểm cực đoan. Ngay lập tức, phụ huynh có thể can thiệp kịp thời; kiểm soát thời gian con sử dụng mạng, hạn chế tình trạng nghiện điện thoại, sao nhãng học tập.
Tuy nhiên, mọi hành động đều có 2 mặt. Việc giám sát nếu vượt quá giới hạn rất dễ phản tác dụng. Đối với nhiều thanh, thiếu niên, mạng xã hội không chỉ là nơi giải trí, mà còn là “nhật ký số” - nơi các em thể hiện suy nghĩ, cảm xúc một cách chân thực nhất. Khi bị cha mẹ xâm nhập không gian này mà không có sự đồng ý, các em sẽ nảy sinh tâm lý phản kháng, cảm thấy mất niềm tin vào cha mẹ. Ngoài ra, việc giám sát cực đoan của phụ huynh sẽ tạo nên sự lệ thuộc trong nhận thức của trẻ. Thay vì học cách tự đánh giá, đưa ra quyết định, các em sẽ luôn nhìn vào sự chấp thuận của phụ huynh, mất đi khả năng tự chủ và phản biện. Về lâu dài, điều này làm suy yếu sự phát triển nhân cách độc lập, năng lực thích ứng của các em trong xã hội hiện đại.
Chị N.T.T. (ngụ huyện Phú Tân) chia sẻ: “Tôi kết bạn với con trên mạng xã hội để giám sát. Được một thời gian, không thấy con có hoạt động gì, tôi yêu cầu con cung cấp thông tin liên quan của các tài khoản để kiểm tra. Con vẫn cung cấp, nhưng sau đó có biểu hiện không vui, ít giao tiếp với cha mẹ, có khoảng cách”. Ở độ tuổi mới lớn, các bạn nhỏ thường dễ có tâm lý nổi loạn, đối đầu. Khi cảm thấy quyền riêng tư bị xâm phạm, một số em có thể chọn cách “ẩn mình”: Tạo tài khoản phụ, sử dụng nickname hoặc chuyển sang nền tảng khác mà phụ huynh không biết, khiến việc giám sát trở nên vô nghĩa.
Giám sát không đồng nghĩa với giành quyền kiểm soát hoàn toàn, mà là tạo ra không gian an toàn, giúp con được tự do phát triển, nhưng vẫn luôn có người đồng hành phía sau. Do đó, phụ huynh cần thay đổi quan điểm từ kiểm soát sang đồng hành, cùng nhau thiết lập nguyên tắc sử dụng Internet: Thời gian lướt mạng mỗi ngày, loại nội dung nên tránh, cách phản ứng khi bị làm phiền, nhận diện nguy cơ tiềm ẩn. Khi được tham gia vào quá trình đưa ra quyết định, trẻ sẽ cảm thấy được tôn trọng, sẵn sàng chia sẻ nhiều hơn.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện, lắng nghe con bằng thái độ cởi mở, không phán xét. Đôi khi, chia sẻ với nhau về một thông tin vừa xem trên mạng xã hội cũng có thể là cầu nối để đôi bên hiểu nhau hơn, cha mẹ phần nào hiểu được suy nghĩ, nhận định của con đối với vấn đề này. Ngoài ra, phụ huynh cũng tự nâng cao hiểu biết về công nghệ, cập nhật xu hướng mạng xã hội để có thể theo kịp con trong thế giới số.
Trong bối cảnh mạng xã hội trở thành một phần không thể thiếu đối với đời sống của giới trẻ, việc phụ huynh giám sát con là điều cần thiết, nhưng phải được thực hiện một cách hợp lý, linh hoạt trên tinh thần tôn trọng, sao cho tình yêu thương của cha mẹ không bị hiểu lầm thành sự kiểm soát thái quá.
MỸ LINH