Chuyển đổi nông nghiệp sinh thái trong chuỗi giá trị lúa gạo

14/05/2025 - 10:39

 - Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, thị trường nông sản đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn. Do đó, việc chuyển đổi sang mô hình nông nghiệp sinh thái không còn là lựa chọn đơn thuần, mà đã trở thành xu thế tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Những giải pháp trong chuỗi giá trị lúa gạo

Tại An Giang, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp Trung tâm Nông nghiệp nhiệt đới Quốc tế (CIAT) tổ chức cuộc họp kỹ thuật với chủ đề “Thảo luận các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp sinh thái trong chuỗi giá trị lúa gạo của các hợp tác xã khu vực ĐBSCL”. Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang Nguyễn Văn Hiền nhấn mạnh, đây là cơ hội rất quý báu của các địa phương, cơ quan quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp để chia sẻ kinh nghiệm, thảo luận khó khăn, vướng mắc trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi nông nghiệp sinh thái. 

Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) Nguyễn Thị Thu Hương đánh giá cao sáng kiến, nỗ lực của Trung tâm CIAT và Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các địa phương trong thời gian qua. Đây là hướng đi tất yếu để bảo vệ sản xuất lúa gạo bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu và thị trường nhiều biến động. Quá trình này cần sự chung tay của các bên liên quan, đặc biệt là sự chủ động của hợp tác xã, doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Ông Lê Thanh Tùng (Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngành hàng Lúa gạo Việt Nam) nhấn mạnh: "Sáng kiến này có vai trò nòng cốt của hợp tác xã trong Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Tới đây, hợp tác xã cần được chuyên nghiệp hóa, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng quản trị, đồng thời tham gia vào xây dựng thương hiệu và chuỗi giá trị, không chỉ làm nhiệm vụ sản xuất”.

Xu hướng tiêu dùng trong nước và quốc tế ngày càng ưu tiên sản phẩm gạo an toàn, hữu cơ, mở ra triển vọng lớn để mở rộng vùng sản xuất nông nghiệp sinh thái. Việc ứng dụng công nghệ số như Facefarm, Mekong App và bản tin “Thời tiết nông vụ” đang hỗ trợ HTX chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc và quản lý sản xuất hiệu quả hơn. 

Các bộ, ban, ngành và địa phương cũng đang tích cực thúc đẩy chuyển đổi thông qua nhiều chương trình, như: Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp, VnSAT, OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm)… góp phần nâng cao nhận thức, phổ biến kỹ thuật canh tác tiên tiến “1 phải 5 giảm”, tưới ướt khô xen kẽ, hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất. Một số hợp tác xã chủ động đầu tư chế biến sâu, đạt chứng nhận hữu cơ, đa dạng hóa sản phẩm (bột gạo, than sinh học, sản phẩm từ cá…). Qua đó, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và mở rộng thị trường tiêu thụ.

Còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, giá cả thị trường bấp bênh, thanh toán chậm khiến nông dân dễ phá vỡ hợp đồng liên kết, trong khi các sản phẩm bền vững như “1 phải, 5 giảm” hay SRP vẫn chưa được thị trường định giá cao, làm giảm động lực thay đổi tập quán sản xuất. Phần lớn hợp tác xã hiện nay có quy mô nhỏ, thiếu nguồn lực và kinh nghiệm quản lý. Ban quản trị nhiều nơi chưa được đào tạo bài bản, còn lúng túng trong thương thảo với doanh nghiệp, chưa tạo được niềm tin với xã viên.

Nhiều hợp tác xã chưa có cơ sở chế biến hay thương hiệu riêng, gặp khó khăn trong đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng do chi phí đầu vào cao. Thủ tục hành chính phức tạp, yêu cầu vốn đối ứng hoặc tài sản thế chấp cũng làm cản trở khả năng tiếp cận chính sách hỗ trợ. Ngoài ra, thiếu hụt lao động trẻ, tâm lý ngại thay đổi, hạ tầng nông nghiệp chưa đồng bộ... tiếp tục là những rào cản lớn trong tiến trình chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái quy mô lớn.

Về cơ hội hợp tác tiềm năng, tạo nguồn động lực, đầu tư thúc đẩy hợp tác xã, nông dân thực hiện chuyển đổi mác mô hình canh tác nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, bền vững. Các cam kết hỗ trợ không chỉ tập trung vào tài chính, kỹ thuật mà còn mở rộng sang lĩnh vực chế biến, đa dạng hóa sản phẩm và ứng dụng công nghệ số trong sản xuất. Việc này, Công ty Angimex - Kitoku đã đề xuất hợp tác sản xuất với Hợp tác xã Phú Thạnh trên 300ha lúa nếp trong vụ sắp tới và 200ha lúa Nhật, Hợp tác xã Vọng Đông vào vụ đông xuân. Song song đó, Công ty Net Zero Carbon đã thống nhất hợp tác với 4 hợp tác xã tại khu vực, triển khai mô hình canh tác ít phát thải trên tổng diện tích 1.202ha ngay từ vụ hè thu năm nay. Doanh nghiệp sẽ áp dụng bộ hướng dẫn kỹ thuật riêng và các chế phẩm sinh học giúp giảm 10% lượng phân bón hóa học, giảm 30 - 50% thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời tăng năng suất lúa từ 10 - 50%.

Công ty Sorimachi sẽ hợp tác với Hợp tác xã Rạch Lọp và Hợp tác xã Phú Thạnh trong việc ứng dụng phần mềm nông nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả quản lý sản xuất. Ngoài ra, doanh nghiệp mong muốn làm việc với các hợp tác xã hiện đang sử dụng phần mềm của mình để điều chỉnh tính năng, từ đó tích hợp thêm chức năng tư vấn kỹ thuật canh tác bền vững thông qua ứng dụng Facefarm. Đối với, Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học JAPI, tiếp tục đồng hành cùng hợp tác xã Hòa Đê (Sóc Trăng) trong mở rộng quy mô sản xuất dịch đạm cá, phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng; tập huấn về quản trị, marketing và kết nối thị trường cho sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, công ty này cũng hỗ trợ Hợp tác xã Vọng Đông chuyển đổi từ mô hình “3 vụ lúa” sang hệ thống “lúa - cá” trên diện tích 50ha, nhằm cải thiện “sức khỏe” của đất sau thời gian canh tác thâm canh liên tục, tăng thu nhập nhờ nuôi trồng thủy sản.

Những tín hiệu hợp tác tích cực này cho thấy nông nghiệp bền vững đang ngày càng trở thành xu hướng rõ nét tại ĐBSCL. Tuy nhiên, để tận dụng tốt các cơ hội trên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa hợp tác xã, doanh nghiệp và chính quyền địa phương trong việc lên kế hoạch, điều phối nguồn lực và tổ chức thực hiện các mô hình một cách hiệu quả và bền vững.

P.T - ThS Lưu Minh Tuấn (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật An Giang)