Vốn là phụ nữ chịu thương, chịu khó, tần tảo ngay từ nhỏ trong việc phụ gia đình làm lò bánh mì nên chị Tuyền đã học được sự khéo léo trong cách làm bánh, nấu ăn, làm nước mắm của những người thôn quê. Cộng thêm kinh nghiệm nhiều năm làm phụ việc tại các hãng nước mắm của chồng nên chị Tuyền, anh Thanh đã ấp ủ ý tưởng tự sản xuất nước mắm cá linh, cá cơm để có được sản phẩm an toàn và chia sẻ cho bạn bè, hàng xóm xung quanh.
Chị Tuyền chia sẻ: “Ý định nhen nhóm trong đầu, cộng thêm năm 2015 lượng cá linh, cá cơm, cá chốt từ thượng nguồn đổ về nhiều nên vợ chồng tôi bắt đầu mua và ủ dần vào các hủ, khạp. Đầu tiên, tôi chỉ làm vài trăm ký cá, mỗi năm cứ ủ thêm khoảng 1 tấn cá. Mãi đến năm 2019, tôi mới xuất mẻ cá được ủ đầu tiên của 4 năm trước. Với cách làm nước mắm nhỉ truyền thống học được, nước mắm làm ra có mùi thơm đặc trưng, màu vàng đậm sóng sánh, dùng để làm nước chấm cho các món ăn giúp tăng thêm hương vị. Bạn bè, người thân ai dùng thử cũng thích”.
Nước mắm Thanh Tuyền đang hướng đến xây dựng thương hiệu đạt chuẩn OCOP
Với phương châm làm ra loại nước mắm đúng chất nước mắm xưa, chị Tuyền luôn đảm bảo cá ủ đúng số lượng theo công thức riêng của gia đình. Chị ước tính cứ 32kg cá mới làm ra được 12 lít nước mắm. Do vậy, lượng đạm trong nước mắm luôn cao hơn so với mức chị ước lượng.
“Khi tôi đăng ký nhãn hiệu hàng hóa đã tự tính toán cứ nghĩ rằng nước mắm nhà tôi chỉ đạt tầm 17 độ đạm. Thế nhưng đến lần kiểm định chất lượng từ Sở Công Thương để tiến tới tham gia sản phẩm đạt chuẩn OCOP, nước mắm đạt trên 30 độ đạm và đảm bảo các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm. Đây là “điểm cộng” để khách hàng ngày càng yêu thích và yên tâm sử dụng hơn”- chị Tuyền phấn khởi chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Thanh cũng rất tự tin về sản phẩm và chia sẻ: “Tôi có quá trình làm thuê ở một số cơ sở làm nước mắm nên có kinh nghiệm ủ và xử lý các công đoạn làm nước mắm. Để làm nên nước mắm thơm ngon đạt chất lượng, ngoài việc lựa chọn cá, đảm bảo tỷ lệ ủ, thời gian ủ, khi làm xong cần phải phơi nước mắm thêm vài nắng thì nước mắm mới có thể lên màu tự nhiên và thơm ngon hơn”.
Phấn khởi với thành quả từ sự miệt mài của nhiều năm qua mới làm nên công thức nước mắm chuẩn. Nhưng điều vợ chồng chị Tuyền băn khoăn hiện nay nhất là nguồn vốn. Bởi lẽ việc đầu tư thêm bể, máy móc, thiết bị sản xuất đòi hỏi nguồn kinh phí cao. Trong khi đó, nhiều năm qua, bao nhiêu tiền kiếm được, anh chị đều dồn vào đầu tư, đến nay doanh số thu về không đáng kể.
“Điều khó khăn của chúng tôi hiện nay là chưa tìm được kênh phân phối. Sản phẩm làm ra dù có nhãn mác, thương hiệu nhưng chưa được nhiều người tiêu dùng quan tâm. Việc tiêu thụ nước mắm hiện nay chủ yếu từ bán hàng trực tiếp tại chợ và một số ít bạn bè lân cận ủng hộ. Chúng tôi rất mong có thêm sự hỗ trợ kinh phí để hoàn thiện các công đoạn sản xuất và xây dựng các kênh phân phối”- chị Tuyền bày tỏ.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Vĩnh Phú Trần Thị Mân cho biết, địa phương đánh giá rất cao về sự nỗ lực vượt khó của gia đình chị Tuyền. Bởi làm nước mắm kiểu truyền thống thế này cần nhiều thời gian ủ cá và rất nhiều công đoạn để làm nên sản phẩm ngon. Hơn nữa, kinh doanh nước mắm trong giai đoạn hiện nay mang tính cạnh tranh rất cao, người tiêu dùng đã quen với nhiều thương hiệu nước mắm khác nên việc chen chân vào thị trường khá khó khăn.
Tuy nhiên, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã đã tích cực giới thiệu sản phẩm giúp chị Tuyền an tâm sản xuất. Tín hiệu ban đầu cho thấy, một số bạn bè, đồng nghiệp đều yêu thích sản phẩm, có người còn đặt hàng để làm quà biếu. Cùng với đó, địa phương đang thực hiện Quyết định 939/QĐ-TTg thực hiện Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025 nhằm giúp chị Tuyền hoàn thiện thêm 2 tiêu chí để tiến tới được công nhận đạt chuẩn sản phẩm OCOP, đó là cần cải tiến bao bì thuận tiện cho việc vận chuyển và làm lại nhãn mác theo hướng dẫn của Phòng Kinh tế - Hạ tầng. Chúng tôi phấn đấu đến cuối năm nay, sản phẩm sẽ được công nhận đạt chuẩn OCOP như một lời khẳng định chất lượng và thương hiệu sản phẩm đặc trưng của địa phương”.
TRÚC PHA