Xây dựng thói quen truy xuất nguồn gốc thịt heo

12/12/2018 - 07:38

 - Tại Hội nghị phát động, vận hành mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo do Sở Công thương tổ chức, nhiều mô hình, giải pháp liên kết giữa người chăn nuôi với cơ sở giết mổ, chế biến và doanh nghiệp phân phối đã được đề xuất. Khi quy trình “từ trang trại đến bàn ăn” được kiểm soát, cả người chăn nuôi và doanh nghiệp đều hưởng lợi vì góp công đưa thịt heo sạch ra thị trường, xây dựng uy tín, thương hiệu trong lòng người tiêu dùng.

Triển khai quyết liệt

Sau khi được UBND tỉnh phê duyệt Dự án xây dựng mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo (Quyết định số 1450/QĐ-UBND ngày 21-6-2018) Sở Công thương đã ban hành Kế hoạch số 1372/KH-SCT ngày 3-8-2018 để phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện. Phó Giám đốc Sở Công thương Phan Lợi cho biết, đến năm 2019, đơn vị phấn đấu phát triển từ 6 - 8 cửa hàng kinh doanh thịt heo có truy xuất nguồn gốc để phục vụ nhu cầu người dân, ưu tiên phát triển trên địa bàn TP. Long Xuyên, TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu, sau đó tiến hành đánh giá và nhân rộng trên phạm vi toàn tỉnh.

Kiểm tra mã QRcode trên điện thoại thông minh

Để phối hợp triển khai tại địa phương, UBND TX. Tân Châu, TP. Long Xuyên và TP. Châu Đốc đã lần lượt ban hành kế hoạch thực hiện. Ngoài ra, để thống nhất trong công tác xây dựng và vận hành mô hình, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2956/QĐ-UBND ngày 23-11-2018 về thành lập Ban quản lý và Tổ công tác mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo. Nhằm sớm đưa mô hình vào thực tế, Sở Công thương đã phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), UBND các địa phương, Ban quản lý các chợ đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong người dân, doanh nghiệp, tiểu thương. Qua đó, thu hút nhiều đơn vị, hộ kinh doanh tham gia như: Công ty Cổ phần XNK Nông sản thực phẩm An Giang (Afiex), tham gia Trại chăn nuôi Vĩnh Khánh (đơn vị chăn nuôi heo đạt chứng nhận VietGAP) và Xí nghiệp chế biến lâm súc sản (đơn vị đạt chứng nhận về điều kiện giết mổ); chi nhánh Công ty TNHH MM MEGA Market Việt Nam tại An Giang (MM MEGA Long Xuyên); siêu thị Tứ Sơn (TP. Châu Đốc); các hộ kinh doanh thịt heo: Sáu Cúc (chợ Mỹ Bình, TP. Long Xuyên), Thanh Nga, Ngọc Bích (chợ Cái Sao, TP. Long Xuyên), Chí Quang (chợ Phường B, TP. Châu Đốc), Thanh Vân (chợ Tân Châu).

Bước đầu, việc sản xuất - kinh doanh thịt heo truy xuất nguồn gốc được người tiêu dùng quan tâm, ủng hộ.

Hướng đến thị trường heo nội tỉnh

Ông Phan Lợi cho biết, phần lớn trang trại, hộ chăn nuôi ở An Giang có quy mô nhỏ, không đủ điều kiện cung cấp liên tục, hàng ngày cho thị trường tiêu thụ. Thông thường, việc nuôi heo và xuất chuồng đồng loạt theo lứa, không có kho heo tập trung trên địa bàn để thực hiện điều tiết, phân phối nên các thương lái phải nhập heo từ nhiều nguồn khác nhau, cả trong và ngoài tỉnh để cung cấp cho thị trường An Giang. Do nguồn cung cấp thay đổi liên tục nên gây khó khăn cho việc thiết lập mô hình quản lý thịt heo từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến kinh doanh. Trước thực trạng này, ngoài Trại chăn nuôi Vĩnh Khánh (quy mô 2.000 con, đạt tiêu chuẩn VietGAP), Sở Công thương đã phối hợp với Chi nhánh Công ty Cổ phần CP Việt Nam tại Kiên Giang để tăng nguồn cung cho thị trường trong tỉnh. Đây là đơn vị chăn nuôi theo quy trình khép kín, đạt tiêu chuẩn thịt heo an toàn và có công suất, quy mô chăn nuôi lớn (riêng 2 tỉnh An Giang và Kiên Giang, chi nhánh công ty đã liên kết chăn nuôi được trên 45.000 con). Công ty Cổ phần CP Việt Nam đang tính toán mở chi nhánh tại An Giang. Đồng thời, xem xét nâng diện tích liên kết chăn nuôi thịt heo an toàn lên đến 100.000 con. Đây sẽ là nguồn cung ổn định, chất lượng để thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Đến nay, Sở Công thương đã phối hợp với Trung tâm Tin học Trường Đại học An Giang để xây dựng phần mềm, đáp ứng các yêu cầu về quản lý và truy xuất. Toàn bộ thông tin về trang trại chăn nuôi hoặc hộ chăn nuôi, cơ sở giết mổ, kiểm tra thú y và kinh doanh thịt heo sẽ được thiết lập thành chuỗi dữ liệu liên kết để phục vụ quá trình truy xuất của người tiêu dùng. Qua thông tin truy xuất, chỉ cần quét mã QRcode của sản phẩm trên điện thoại thông minh, người tiêu dùng biết được nguồn gốc heo được chăn nuôi cũng như chứng nhận chất lượng của nguồn heo cung ứng, biết được điều kiện, chứng nhận về cơ sở giết mổ theo quy định, thời điểm cán bộ kiểm tra thú y và thông tin chi tiết về đơn vị bán thịt heo.

 Ông Lợi cho biết, năm 2019, cùng với phát triển thêm các cửa hàng bán thịt heo có truy xuất nguồn gốc, Sở Công thương sẽ phối hợp các đơn vị tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo và giới thiệu thịt heo có truy xuất nguồn gốc đến các bếp ăn tập thể tại các cơ quan, đơn vị, các khu, cụm công nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà hàng… “Đối với các đơn vị kinh doanh, phục vụ ăn, uống trên địa bàn tỉnh đảm bảo, cam kết sử dụng thịt heo 100% từ nguồn cung ứng của mô hình để chế biến, Sở Công thương sẽ nghiên cứu hỗ trợ cấp logo truy xuất nguồn gốc thịt heo cho các đơn vị để quảng bá” - ông Lợi nhấn mạnh.

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN