Sau khi mua được USD giả, nhóm Tuấn, Thạnh tiếp tục mang đến TP. Hồ Chí Minh bán cho người đàn ông tên Cường (không rõ lai lịch). Nhưng thấy tiền USD quá kém chất lượng, Cường không mua. Ngày 5-6-2018, biết Long đang ở TP. Long Xuyên, Tuấn và Thạnh điều khiển xe môtô biển kiểm soát 66P1-147.63 từ TP. Cao Lãnh sang TP. Long Xuyên, liên lạc tìm gặp Long nhằm trả lại số USD giả. Hai bên gặp nhau tại quán cà phê thuộc phường Mỹ Bình. Long đã dùng xấp USD giả khác đổi xấp USD giả của Thạnh. Khi cùng đến quán cơm thuộc phường Mỹ Long, thấy quán đông người, sợ bị phát hiện nên Thạnh ném bỏ xấp USD giả vào khu vực nhà bếp của quán để phi tang. Sau đó, Tuấn và Thạnh đến Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh đầu thú. Tuấn giao nộp 1 tờ USD giả mệnh giá 100USD. Cùng ngày, chủ quán cơm phát hiện xấp tiền USD trên nên mang đến Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh giao nộp. Qua kiểm tra có 63 tờ USD, loại mệnh giá 100USD.
Trong khi đó, “ăn quen bén mùi”, sau khi bán được số USD giả, Dương điện thoại cho Rô biết có người cần mua 1 xấp nữa. Theo hẹn, ngày 13-6-2018, Rô mang 1 xấp 9.700USD (97 tờ loại mệnh giá 100USD) đến TP. Rạch Giá gặp Dương, nhưng không bán được, cả 2 bỏ về. Khi về đến huyện Châu Thành, Rô bị lực lượng công an bắt và thu giữ số USD giả trên người. Từ các chứng cứ có được, ngày 13-6, 21-6, 3-7 và 19-9-2018, lần lượt 7 đối tượng (Long, Thạnh, Tuấn, Dương, Rô, Phúc và Thu) bị khởi tố điều tra. Trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng thu giữ 161 tờ USD giả (loại mệnh giá 100USD) cùng nhiều tang vật liên quan khác. Đồng thời, xác định thủ đoạn, động cơ, mục đích phạm tội của cả nhóm đều theo chỉ đạo của Rô. Khi giao dịch mua bán USD giả với vợ chồng Hen, Dương và Phúc thì Thu đóng giả tên Lan, nhằm tạo niềm tin cho mọi người và che giấu hành vi phạm tội cho Thu về sau. Theo lời khai nhận, Đệ và Nhanh không biết số USD do Long, Dương và Phúc bán là USD giả và không hưởng lợi từ việc mua bán USD giả này. Ngoài ra, Đệ và Long chỉ quan hệ trong việc mua bán trầm hương nên Cơ quan An ninh Điều tra Công an tỉnh không khởi tố đối với Đệ và Nhanh.
Từng bị cáo khai nhận hành vi phạm tội
Kết thúc quá trình điều tra xác định: Rô lưu hành 194 tờ, thu lợi 2 triệu đồng; Thu lưu hành 97 tờ, thu lợi 5,5 triệu đồng; Dương và Phúc lưu hành 97 tờ, Dương thu lợi 3 triệu đồng, Phúc thu lợi 2 triệu đồng; Long lưu hành 97 tờ, thu lợi 10 triệu đồng; Tuấn và Thạnh lưu hành 97 tờ, ước tính tổng thành tiền Việt Nam trên 1,3 tỷ đồng. Trong tháng 5, Tòa án nhân dân tỉnh đưa 7 bị cáo ra xét xử sơ thẩm công khai. Tại phiên tòa, các bị cáo thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi sai trái của mình, đổ lỗi: do không nghề nghiệp ổn định, hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu hiểu biết về pháp luật, nên khi thấy có lợi trước mắt thì quên đi hậu quả dài lâu, đồng thời xin được giảm nhẹ hình phạt để sớm trở về với gia đình.
Hội đồng xét xử nhận định, số lượng tiền USD giả trong vụ án rất lớn, rất phức tạp, với tính chất, mức độ đặc biệt nghiêm trọng do bị cáo Rô cầm đầu cùng sự giúp sức của các đồng phạm. Các bị cáo mua bán USD giả lòng vòng cho nhau, mua của người này giá thấp, bán lại cho người kia giá cao hơn để kiếm lời. Ngoài ra, nếu hành vi phạm tội của các bị cáo không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, số USD giả bị tung ra thị trường sẽ gây hậu quả rất lớn cho chính sách an ninh tiền tệ và ngoại tệ. Do đó, cần phải có mức án tương xứng với tính chất hành vi phạm tội của từng bị cáo nhằm phòng ngừa chung. Sau 2 ngày xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh quyết định tuyên phạt bị cáo Rô 14 năm tù giam; Phúc, Thu, Long và Dương mỗi bị cáo 12 năm tù giam; Tuấn, Thạnh mỗi bị cáo 10 năm tù giam cùng về tội “Lưu hành tiền giả”.
Bài, ảnh: NGUYỄN HƯNG
>>Xét xử nhóm mua bán USD giả: Những “chân rết” trong đường dây