Xoa dịu nỗi đau da cam

09/08/2019 - 07:33

 - Nhằm góp phần xoa dịu nỗi đau cho các nạn nhân nhiễm chất độc da cam, những năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin An Giang cùng các cấp chính quyền và các tổ chức xã hội nỗ lực trợ giúp các nạn nhân và người thân các nạn nhân từng bước vượt qua khó khăn và ổn định cuộc sống.

Trao nhà Tình thương cho gia đình nạn nhân nhiễm chất độc da cam

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hiện có 11 huyện hội, với 1.567 hội viên (tăng 73 hội viên so năm 2018). Phát huy tinh thần đoàn kết, nghĩa tình, trách nhiệm, chia sẻ với những phận đời kém may mắn, những năm qua, được sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận, đoàn thể các cấp và sự ủng hộ tích cực của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh, Tỉnh hội đã triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa như: thăm và tặng quà cho các nạn nhân chất độc da cam nhân dịp lễ, Tết, Ngày vì nạn nhân chất độc da cam (10-8), xây nhà tình thương, hỗ trợ sinh kế mua bán nhỏ, chăn nuôi cho người thân trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân da cam.

Ông Đặng Tấn Kịch (sinh năm 1967, ngụ tổ 1, khóm Xuân Bình, thị trấn Tịnh Biên, Tịnh Biên) ngày còn nhỏ ở cùng cha mẹ bám trụ vùng căn cứ kháng chiến của huyện, nơi bị quân đội Mỹ chọn làm trọng điểm phun rải chất độc hóa học. Chiến tranh đi qua, ông lập gia đình sinh được cô con gái đầu lòng hoàn toàn bình thường, nhưng đến người con thứ 2 là Đặng Tấn Phát lại bị nhiễm chất độc hóa học gây thiểu năng trí tuệ bẩm sinh. Do hoàn cảnh khó khăn lại gồng gánh chi phí nuôi dưỡng con trai nhiều năm nay, nên vợ chồng ông Kịch vẫn không thể thoát khỏi tình cảnh nghèo khó. Vậy mà đến tháng 5-2019, một cơn lốc xoáy lại làm căn nhà vốn xiêu vẹo của ông Kịch sập đổ hoàn toàn.

Trước tình cảnh ấy, đại tá Đỗ Trúc Hy, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã trực tiếp vận động và được một nhà hảo tâm là ông Lâm Quang Thanh (quận 7, TP. Hồ Chí Minh) hỗ trợ 40 triệu đồng kết hợp nguồn vốn vay quỹ Vì người nghèo 20 triệu đồng đã xây dựng căn nhà Tình thương khang trang, giúp ông Kịch có nơi ăn chốn ở để ổn định cuộc sống. Mới đây, Tỉnh hội lần đầu tiên vận động các nhà hảo tâm kinh phí cất căn nhà trị giá 60 triệu đồng (Tỉnh hội hỗ trợ 40 triệu đồng, gia đình đối ứng 20 triệu đồng), đồng thời hỗ trợ đôi bò trị giá 30 triệu đồng cho ông Nguyễn Văn Ảng (ngụ ấp Vĩnh Phú, xã Vĩnh An, Châu Thành). Ông Ảng nghẹn ngào bởi đó là niềm vui nhân đôi, vừa giúp gia đình ông ổn định cuộc sống, vừa có điều kiện làm ăn vươn lên thoát nghèo.

Phó Chủ tịch thường trực Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đặng Phong Vũ cho biết: “Thống kê gần đây, toàn tỉnh An Giang có đến 10.000 người phơi nhiễm chất độc hóa học. Đầu năm 2019, Tỉnh hội đã xác định 2.925 người nhiễm chất độc hóa học là những người tham gia kháng chiến, người dân trong vùng căn cứ kháng chiến và con cháu của họ. Trong đó, có 556 người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng chế độ hàng tháng từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuy nhiên do nguồn hỗ trợ còn ít, nên hầu hết đời sống của các nạn nhân chất độc da cam còn nhiều khó khăn, do đó họ rất cần sự san sẻ thêm từ cộng đồng xã hội”.

Từ đầu năm đến nay, Tỉnh hội đã tiếp nhận số tiền gần 1,5 tỷ đồng từ các nhà hảo tâm và doanh nghiệp. Từ đó, đã cất 15 căn nhà Tình thương cho 15 hộ gia đình nạn nhân da cam các huyện: Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Châu Thành, với tổng kinh phí 809 triệu đồng, trong đó quỹ Nạn nhân da cam của Tỉnh hội chi 600 triệu đồng, còn lại do các gia đình đối ứng. Cùng với đó là tổ chức thăm hỏi và tặng 1.650 suất quà cho nạn nhân da cam vào dịp Xuân Kỷ Hợi, với tổng trị giá 700 triệu đồng; dự kiến tặng 542 suất quà, trị giá 196 triệu đồng cho các nạn nhân nhân kỷ niệm ngày vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam (10-8).

Thời gian tới, Tỉnh hội tiếp tục làm tốt công tác chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân nhiễm chất độc da cam với các hoạt động cụ thể như: xây dựng nhà ở kiên cố, tạo điều kiện cho họ vay vốn phát triển kinh tế, phấn đấu để các gia đình nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam có điều kiện vươn lên hòa nhập cộng đồng. Mặt khác, phối hợp mặt trận, các hội có tính đặc thù cùng cấp nắm rõ tình hình biến động về số lượng và hoàn cảnh, điều kiện sống của nạn nhân, đồng thời làm tốt công tác vận động quỹ và chăm sóc, giúp đỡ nạn nhân da cam ở vùng trọng điểm và các địa phương trong tỉnh.

Bài, ảnh: NGỌC GIANG