Hàng năm, UBND tỉnh An Giang chỉ đạo Sở TN&MT tăng cường công tác giám sát, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, báo cáo tiến độ thực hiện, khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ xử lý.
Phó Giám đốc Sở TN&MT An Giang Tô Hoàng Môn cho biết, năm 2019, tỉnh đã xử lý hoàn thành 6/9 bãi rác gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gồm: bãi rác Bình Đức (TP. Long Xuyên) giai đoạn 1, 2; bãi rác kênh 4 (TP. Châu Đốc); bãi rác thị trấn Long bình, thị trấn An Phú (An Phú); bãi rác thị trấn Cái Dầu (Châu Phú) và bãi rác thị trấn Phú Mỹ (Phú Tân). Hoàn thành xử lý rác thải tại 9/9 bệnh viện, trong đó 8 bệnh viện thực hiện dự án đầu tư nâng cấp cải tạo hệ thống xử lý chất thải, 1 bệnh viện thực hiện di dời và đầu tư mới hệ thống xử lý chất thải rắn. Qua đó đã giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm môi trường do các bãi rác và bệnh viện gây ra.
Bãi rác Bình Đức trước và sau khi xử lý ô nhiễm môi trường
Theo Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang Trần Minh Tâm, công ty đã hoàn thành dự án xử lý triệt để môi trường bãi rác Bình Đức theo chỉ đạo của Trung ương và UBND tỉnh, đã xử lý 379.000 tấn rác thải từ năm 1983 đến 2016. Hoàn thành, đưa vào sử dụng bãi rác Kênh 10 (TP. Châu Đốc), Nhà máy đốt rác huyện Thoại Sơn (công suất 50 tấn/ngày), lò đốt rác xã Vĩnh Gia (công suất 12 tấn/ngày); đang thi công Nhà máy đốt rác huyện Chợ Mới (công suất 100 tấn/ngày).
Sở TN&MT An Giang đã thực hiện tốt công tác kiểm tra giám sát, qua đó kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc, đề xuất xử lý các cơ sở ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mới phát sinh. Tuy nhiên, quá trình triển khai xử lý chưa triệt để do tỉnh chưa đầu tư xây dựng kịp thời và đồng bộ các khu xử lý rác mới. Trong khi lượng rác phát sinh nhiều, mặt bằng chật hẹp, công nhệ xử lý phải điều chỉnh nhiều lần...
Vì vậy, các bãi rác này vẫn phải tiếp tục nhận rác hàng ngày, nên để xử lý triệt để hết lượng rác này phải điều chỉnh dự án nhiều lần. Một số dự án chậm tiến độ như 3 bãi rác thị trấn Chợ Mới (Chợ Mới), thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn), bãi rác TX. Tân Châu do kinh phí thực hiện chưa đảm bảo so lúc phê duyệt dự án, nên còn ô nhiễm, gây bức xúc trong nhân dân.
Theo kế hoạch năm 2020, tỉnh thực hiện dự án xử lý ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại 3 bãi rác còn lại gồm: bãi rác phường Long Phú (TX. Tân Châu), thị trấn Núi Sập (Thoại Sơn), thị trấn Chợ Mới (Chợ Mới), với tổng khối lượng rác cần xử lý 105.654m3, tổng nhu cầu vốn 60,7 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện dự án nâng cấp, cải tạo hệ thống xử lý chất thải y tế tại các bệnh viện huyện Tri Tôn, Tịnh Biên (đã được phê duyệt năm 2016 với tổng nức đầu tư hơn 39 tỷ đồng).
Theo Sở TN&MT An Giang, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh trung bình khoảng 1.128 tấn/ngày, trong đó khu vực đô thị khoảng 505 tấn/ngày (chiếm 44,8%) và khu vực nông thôn 623 tấn/ngày (chiếm 55,2%). Tỉnh đã mở rộng thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại 153/156 xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh thu gom chất thải rắn sinh hoạt được khoảng 718 tấn/ngày (đạt 64,3%), trong đó Công ty Cổ phần Môi trường đô thị An Giang thu gom 725 tấn/ngày, các tổ tự quản thu gom của xã thu gom khoảng 28 tấn/ngày. Lượng rác còn lại chủ yếu ở vùng sâu, cù lao... được người dân tự xử lý tại gia đình như: chôn, đốt... hoặc thải ra môi trường.
Hiện lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom trên địa bàn tỉnh xử lý chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh tại 3 cụm xử lý tập trung của tỉnh và chôn lấp không hợp vệ sinh tại các bãi rác tập trung của huyện, các bãi rác phân tán.
Theo Sở TN&MT, toàn tỉnh có 3 bãi rác được thiết kế chôn lấp hợp vệ sinh tại 3 khu xử lý rác tập trung ở các huyện: Châu Thành, Phú Tân và TP. Châu Đốc. Còn lại 33 bãi rác lộ thiên, gây ô nhiễm môi trường và cần phải đóng cửa để xử lý triệt để ô nhiễm môi trường. Tỉnh đang tập trung các giải pháp để khắc phục, xử lý và tiến tới đóng cửa hoàn toàn các bãi rác gây ô nhiễm này.
HẠNH CHÂU