Xuân biên giới

24/02/2021 - 06:19

 - Sáng sớm, nắng xuân "rải" nhẹ trên tuyến Tỉnh lộ 957 làm nhẹ lòng khách phương xa trên bước đường du xuân những ngày đầu năm mới. Ngoài ruộng, lúa xanh mơn mởn, óng ả cái vẻ xuân thì, mặt nước sông Châu Đốc trong xanh bát ngát, thấp thoáng mấy chiếc xuồng con xuôi ngược. Mùa xuân ở vùng biên giới mang sức sống khiến lòng người thư thái, dù huyện An Phú (An Giang) được xem là “tuyến đầu” trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của tỉnh.

Người dân An Phú có nhiều kỳ vọng cho năm mới Tân Sửu

Từ tốn dùng kéo cắt những đài mai đã rụng hết cánh, ông Trần Văn Thêm (ngụ xã Đa Phước, An Phú) cứ nhẹ nhàng như một nghệ nhân chơi mai thực thụ. Qua vài câu trao đổi, ông Thêm cho biết các con đã trở lại TP. Hồ Chí Minh làm việc, nên trong căn nhà sàn rộng lớn chỉ còn lại vợ chồng già và mấy đứa cháu chơi đùa ở góc sân. Trước Tết, các con về đón xuân ông bảo phải ghé Trạm Y tế xã khai báo y tế và kiểm tra sức khỏe. Mấy ngày Tết, chúng cũng hạn chế đi thăm họ hàng, chỉ quanh quẩn ở nhà đoàn viên với vợ chồng ông nên không khí ấm cúng vô cùng. Với ông, mùa xuân như thế đã là vui lắm, nhất là trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp như hiện nay.

Chia tay lão nông chân chất, tôi tiếp tục thẳng hướng thị trấn Long Bình để cảm nhận sâu sắc hơn về mùa xuân ở vùng biên giới. Những ngày này, không khí xuân vẫn còn ngập tràn mọi nẻo. Ghé thăm chùa Linh Ẩn (thị trấn Long Bình), tôi nhận thấy không khí đón xuân nơi đây vẫn ấm cúng, dù ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 ít nhiều làm người dân thay đổi thói quen ăn Tết của mình.

Với kiến trúc đẹp, chùa Linh Ẩn luôn thu hút rất đông người dân đến lễ Phật cầu an trong những ngày đầu năm mới. Điểm nhấn của ngôi chùa này là tượng Phật A Di Đà song diện độc đáo. Đây là công trình mang tính nghệ thuật cao, trở thành biểu tượng cho hoạt động tín ngưỡng tâm linh ở vùng biên giới. Tượng Phật có 2 mặt, một hướng về cổng chùa Linh Ẩn, mặt còn lại hướng về phía Campuchia để người dân 2 nước cùng nhìn thấy diện mạo từ bi, bác ái của đức Phật và cùng hướng đến con đường hành thiện. Trong không khí trang nghiêm, người dân lặng lẽ thắp những nén hương thành kính cầu mong cho gia đình, đất nước một năm mới an lạc và cường thịnh.  

Bà Nguyễn Thị Ngần (người dân thị trấn Long Bình) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng cùng con cháu tới đây cúng cầu an cho gia đình. Năm nay, tôi nguyện cầu cho quốc thái dân an, đất nước mình sớm vượt qua ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Thời gian qua, người dân An Phú có lúc rất lo lắng vì có trường hợp người nhiễm bệnh di chuyển qua địa phương, nhưng tới giờ an toàn rồi. Năm mới, tôi chỉ mong gia đình được bình an và dịch bệnh COVID-19 được đẩy lùi, để người dân ổn định cuộc sống”.

Góc xuân ở huyện đầu nguồn An Phú

Tiếp tục bước đường du xuân, tôi đến thăm cột mốc biên giới 246 bên bờ Bình Di thơ mộng. Gió xuân từ ngã 3 sông thổi vào mát rượi, xua tan đi cái nóng của miệt biên giới trong buổi ban trưa. Có chạm tay vào cột mốc biên giới mới thấy hết được sự thiêng liêng, bởi đó không phải là những khối đá hoa cương vô tri mà là chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc để cháu con bao đời gìn giữ! Trong không khí bình lặng đó, tôi lắng nghe tiếng xôn xao từ xa của tiểu thương ở chợ Long Bình đang tiếp tục với cuộc mưu sinh trong năm mới.

Trên bước đường du xuân ở xứ đầu nguồn, điều tôi cảm nhận rõ nhất là nhịp sống của người dân nơi đây vẫn diễn ra như thường lệ, dù tất cả luôn đề cao tinh thần “Chống dịch như chống giặc”. Mùa xuân rồi cũng đi qua trên vùng đất biên giới này, nhưng khát vọng vươn lên của An Phú sẽ luôn là động lực để địa phương hướng đến những thành tựu ở tương lai. Và hôm nay, mùa xuân ở An Phú đang rất thắm tươi sau 30 năm tái lập!

THANH TIẾN