Xuân mới trên quê hương Bác Tôn

27/01/2020 - 11:24

 - Nằm giữa dòng sông Hậu hiền hòa, thanh bình, xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên) - quê hương của cố Chủ tịch Tôn Đức Thắng kính yêu đang đổi thay từng ngày, với những ngôi nhà khang trang, những con đường trải nhựa, láng bê-tông rộng rãi, sạch đẹp, nhiều vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao...

Quê hương Bác Tôn phát triển từng ngày

Ngày thêm khởi sắc

Trong ký ức của ông Nguyễn Văn Tri (71 tuổi, ngụ ấp Mỹ Long 1), xã Mỹ Hòa Hưng cách đây khoảng 15 năm vẫn còn nhiều nhà cây, vách lá; đường sá còn nhỏ hẹp, sình lầy, chưa thông suốt, đi lại khó khăn. Giờ đây, Mỹ Hòa Hưng đổi thay, phát triển từng ngày. Những con đường lầy lội, trơn trượt, những cây cầu gỗ “lắc lư” năm xưa, nay được đổ bê-tông chắc chắn. Không có gì vui sướng bằng hàng ngày, nhìn con cháu của mình được cắp sách đến trường đi trên những con đường trải nhựa, tráng bê-tông, không còn cảnh bùn sình lấm lem khi mỗi mùa mưa đến. Những ngôi trường bằng lá, bằng cây đã được “tường hóa” và đều đạt chuẩn quốc gia. Xã nghèo năm xưa, nay xuất hiện nhiều triệu phú từ nông nghiệp…

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Đỗ Hữu Học chia sẻ: “Là xã thuần nông, cách trung tâm TP. Long Xuyên một chuyến phà (ngày xưa đi đò), nên so với những xã, phường khác thì quá trình xây dựng, phát triển của xã Mỹ Hòa Hưng mất khá nhiều thời gian do xuất phát điểm về kinh tế, hạ tầng thấp và thói quen canh tác lâu năm của người dân. Song, với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và sự chung tay, góp sức của người dân, nhất là từ năm 2011 - khi có chủ trương xây dựng nông thôn mới, cơ sở hạ tầng nông thôn của xã đã có những chuyển biến, phát triển tích cực. Năm 2012, Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được công nhận Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt đã tạo điều kiện thuận lợi để xã kết hợp phát triển du lịch sinh thái phục vụ khách tham quan trong nước, quốc tế. Đặc biệt, những năm gần đây, thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà nước, của tỉnh, thành phố, xã đã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hỗ trợ nông dân cải tiến kỹ thuật, đầu tư mở rộng sản xuất, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác. Nhờ đó, kinh tế, văn hóa - xã hội của xã Mỹ Hòa Hưng ngày thêm khởi sắc”.

Sức bật từ nông thôn mới

Với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, cùng những bước đi cụ thể, chắc chắn trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ đã tạo sức bật cho xã Mỹ Hòa Hưng. Kinh tế - xã hội phát triển, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn được đầu tư đồng bộ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng lên. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt hơn 55 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 25 triệu đồng/người/năm so năm 2015); 100% tuyến đường giao nông thôn đã được nhựa hóa, bê-tông hóa, đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 0,14%, gần 87% người dân tham gia bảo hiểm y tế... Xã Mỹ Hòa Hưng là một trong những địa phương đi đầu thực hiện ứng dụng công nghệ cao, sản xuất rau màu, cây ăn trái an toàn, theo tiêu chuẩn VietGap... Từ đó, trên địa bàn xã dần hình thành các vùng chuyên canh cây trồng có giá trị kinh tế cao, như: rau màu, xoài xuất khẩu… và từng bước hình thành chuỗi liên kết đầu ra cho sản phẩm, nâng tổng giá trị sản xuất bình quân 1ha đất nông nghiệp lên 157 triệu đồng.

 “Vừa qua, xã Mỹ Hòa Hưng đã được tỉnh chọn là 1 trong 7 xã thực hiện các tiêu chí, chỉ tiêu xã nông thôn mới nâng cao. Hy vọng trong năm mới 2020 và những năm tiếp theo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Mỹ Hòa Hưng tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, cùng chung tay góp sức xây dựng quê hương Bác Tôn ngày thêm tươi đẹp, phát triển”-  Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Đỗ Hữu Học mong muốn.

THU THẢO