Xuất khẩu gạo An Giang tiếp tục khởi sắc

26/08/2022 - 07:59

 - Đến thời điểm này, tình hình xuất, nhập khẩu hàng hóa ở An Giang rất khả quan và tích cực. Ước tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 7 tháng của năm 2022 đạt 776 triệu USD, tăng 10% so cùng kỳ. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 336.000 tấn, tương đương 182 triệu USD; tăng 10% về sản lượng và về kim ngạch so cùng kỳ.

Rộng thị trường xuất khẩu

Theo thống kê, thị trường xuất khẩu của An Giang nằm ở 39 nước, chiếm tỷ trọng cao nhất là thị trường Châu Á (chiếm 79,4% tổng lượng xuất khẩu trực tiếp). Tỷ trọng còn lại xuất khẩu qua 8 nước Châu Âu, 11 nước Châu Phi, 3 nước Châu Mỹ và 4 nước Châu Đại Dương.

Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời và Công ty Cổ phần nông sản Lộc Trời đã hoàn tất xuất khẩu gần 500 tấn gạo (mang thương hiệu riêng được đăng ký quốc tế của tập đoàn - “Cơm ViệtNam Rice”) sang thị trường Châu Âu, một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.

Toàn bộ đơn hàng được vận chuyển bằng đường biển tới Đức, Hà Lan và Pháp trong tháng 7/2022, chủ yếu là gạo thơm, trong đó có gạo thơm độc quyền Lộc Trời 28 (từng đoạt nhiều giải thưởng lớn). Đặc biệt, gạo thơm thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” xuất khẩu sang Pháp được bày bán trong Carrefour - hệ thống đại siêu thị lớn nhất Châu Âu.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận chia sẻ: “Lộc Trời luôn nỗ lực mở rộng sản xuất quy mô lớn, áp dụng quy trình canh tác khoa học để xuất khẩu gạo thương hiệu “Cơm ViệtNam Rice” vào thị trường Châu Âu. Mong rằng một ngày không xa, “Cơm ViệtNam Rice” nói riêng và gạo thương hiệu Việt Nam nói chung sẽ được đặt vào vị trí nổi bật nhất tại các hệ thống đại siêu thị toàn cầu, nâng cao giá trị và tính cạnh tranh của lúa gạo, nông sản Việt trên thị trường quốc tế”.

Hiện, toàn tỉnh có 41 doanh nghiệp (DN) kinh doanh xuất khẩu gạo. Trong đó, 18 DN có trụ sở chính trên địa bàn, với tổng năng lực kho chứa của 28 nhà máy xay xát, tổng công suất xát trắng, lau bóng hơn 400.000 tấn lúa/giờ và 500.000 tấn gạo/giờ; 23 DN có trụ sở chính ngoài tỉnh sở hữu (hoặc cho thuê) kho chứa, nhà máy trên địa bàn tỉnh, tổng năng lực kho chứa đạt 256.500 tấn lúa và 112.340 tấn gạo, công suất xay xát vỏ đạt 290 tấn/giờ.

Ngoài ra, An Giang còn có Công ty Thoại Sơn (thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời), Công ty TNHH lương thực Tấn Vương, 4 DN có cơ sở xay xát và kho chứa trên địa bàn tỉnh (Công ty TNHH Đầu tư Tín Thương, Tổng Công ty lương thực miền Bắc, Công ty TNHH Tân Thạnh An, Công ty TNHH Đầu tư SX-TM-DV Phan Minh) đạt chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc (theo công bố kết quả của Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ)).

Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp

Sở Công Thương cho biết, thực thi Nghị định 107/2018/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, đơn vị luôn chủ động phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hậu kiểm các điều kiện kinh doanh xuất khẩu về kho trữ lúa, gạo và cơ sở xay xát của DN kinh doanh xuất khẩu gạo trong và ngoài tỉnh; chủ động kiểm tra điều kiện duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu 5% của DN đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Bên cạnh đó, hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục cho DN có nhu cầu cấp mới, cấp lại giấy chứng nhận; phối hợp Cục Hải quan tỉnh theo dõi, thống kê số lượng gạo thực tế xuất, nhập khẩu qua biên giới.

Tuy nhiên, khó khăn các DN hiện đang đối mặt là chi phí đầu vào tăng cao. Trong đó, chi phí logistics tăng từ 20-30% so cùng kỳ. Ngoài ra, giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào sản xuất tăng; tác động lên giá xuất khẩu tăng làm giảm sức cạnh tranh của mặt hàng nông, thủy sản xuất khẩu.

Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thành Huân, hiện tỉnh có nhiều giống gạo thơm được nghiên cứu, phát triển và được thị trường chấp nhận. DN cần được hỗ trợ phát triển thị trường, làm phong phú danh mục sản phẩm xuất khẩu. Vì vậy, tỉnh đề xuất Cục Xuất khẩu (Bộ Công Thương) xem xét bổ sung giống gạo Japonica (DS1; Hananomai); Glutinous Rice; OM18; DT8; LOCTROI28; LOCTROI118; ST24; ST25 vào danh mục chủng loại gạo được hưởng hạn ngạch thuế quan xuất khẩu vào thị trường Liên minh Châu Âu (EU). Tiếp tục hỗ trợ Sở Công Thương trong công tác thông tin thị trường, đặc biệt là mặt hàng gạo để cung cấp thông tin đến các đơn vị liên quan và DN chủ động trong sản xuất, chế biến xuất khẩu.

Để thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng và thế mạnh của tỉnh An Giang kiến nghị Cục Xuất khẩu mời đoàn DN nhập khẩu nông, thủy sản ngoài nước đến thăm và kết nối thu mua nông, thủy sản với DN kinh doanh xuất khẩu của tỉnh. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần thông tin định kỳ hàng tuần, hàng tháng và hàng quý về diễn biến tình hình giá lúa, gạo trong nước; giá lúa, gạo xuất khẩu; dự báo thương mại gạo; thông tin về đấu thầu gạo; chủng loại gạo xuất khẩu tương ứng từng thị trường xuất khẩu...

Tỉnh An Giang cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục đàm phán với phía Trung Quốc mở rộng danh sách DN đủ điều kiện xuất khẩu gạo đã được công bố trước đây. Qua đó, để DN xuất khẩu gạo của Việt Nam (trong đó có An Giang) có cơ hội xuất khẩu sang thị trường này, góp phần nâng kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh.

Năm 2022, tổng diện tích xuống giống lúa của tỉnh là 613.802ha (287.706ha liên kết tiêu thụ); ước tổng sản lượng dự kiến đạt gần 4 triệu tấn. Cơ cấu giống theo hướng nâng cao chất lượng, chuyển từ giống chất lượng thấp sang chất lượng cao. Giá thành sản xuất lúa vụ hè thu năm 2022 là 4.364 đồng/kg. Với giá lúa hiện nay, đảm bảo người dân có lợi nhuận 1.036-1.536 đồng/kg. An Giang hiện có 103 mã số vùng trồng trên lúa, nếp, với giống lúa OM 5451, OM 18, Đài thơm 8, nếp IR 4625, CK 2003. Các mã số vùng trồng lúa và nếp này xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (364ha), Châu Âu (336ha), còn lại tiêu thụ trong nước.

 

HẠNH CHÂU