Với chuyên ngành công nghệ sinh học, nữ Bí thư Xã đoàn cho biết, sẽ chọn hướng khởi nghiệp thân thiện hơn, chế biến loại trái này thành thức uống thật sự bổ dưỡng với sức khỏe mọi người. Năm 2018, Trinh Chị và một số người bạn cùng có chí hướng làm kinh tế từ mô hình nông nghiệp công nghệ cao đã hùn vốn mở nhà màng trồng dưa lưới tại xã Tân Hòa, diện tích 1.000m2.
Mô hình sản xuất sản phẩm sạch, áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt và sử dụng hoàn toàn phân bón hữu cơ. Thành quả mỗi vụ thu về lợi nhuận 50 triệu đồng, có công ty đến ký kết hợp đồng thu mua tại chỗ. Tuy nhiên, theo Trinh Chị, bên cạnh số dưa đạt chuẩn vẫn còn khoảng từ 100-200kg dưa không đáp ứng yêu cầu (kích thước, trọng lượng, ngoại hình) cho thị trường, nhất là các cửa hàng, siêu thị. Số dưa này xét về chất lượng vẫn tươi ngon không khác gì dưa đạt chuẩn, bán lẻ ra ngoài thì tiếc, lại ảnh hưởng uy tín. Tìm hiểu từ internet, mô hình của các đoàn viên từng trồng dưa lưới trong tỉnh cộng với kiến thức chuyên ngành, Trinh Chị quyết định thử sức dùng nguồn nguyên liệu này làm rượu dưa lưới, thử nghiệm nhiều phương pháp, tỷ lệ ngâm để đảm bảo cả 3 tiêu chí: an toàn khi sử dụng, tiết kiệm trong sản xuất, phù hợp với túi tiền khách hàng.
Theo Trinh Chị, dưa lưới là loại trái giàu dinh dưỡng, chứa vitamin A, C, E và acid folic, hàm lượng cali cao, 80% là nước. Dưa được sơ chế, ngâm ủ với đường phèn, đường cát, sau thời gian tiếp tục ngâm rượu cao độ, qua 4 tháng cho thành phẩm là rượu với mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đậm dễ uống, màu vàng tự nhiên của dưa. Vì thành phần chính của dưa là nước nên 100kg dưa lưới sau ủ ngâm cho ra hơn 100 lít rượu thành phẩm. Sản phẩm rượu dưa lưới chưa vội bán ra thị trường mà chậm rãi thăm dò người sử dụng. Nhiều người thưởng thức lần đầu dễ nhầm lẫn rượu có ngâm mật ong, tuy nhiên Trinh Chị cho biết, vị ngọt và mùi hương hoàn toàn từ dưa lưới mang lại.
Nguyễn Thị Huyền Trinh Chị (bìa trái) với sản phẩm rượu dưa lưới tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo”
Ý tưởng của Trinh Chị được Huyện đoàn Phú Tân chọn tham gia dự thi tại cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh” năm 2019. Bạn Trinh Chị chia sẻ: “Hiện nay trên thị trường có rất nhiều công thức ngâm rượu trái cây khác nhau như: trái mơ, long nhãn, ổi, sim tím, mận, dâu tằm, dâu tây, mít... Tuy nhiên, rượu dưa lưới ít người làm và trong dưa lưới có enzyme superoxyd dismutase (SOD) giúp cải thiện những dấu hiệu stress về thể chất lẫn tinh thần, SOD được xem như một enzyme mạnh hơn các vitamin chống ô-xy hóa khác, kích thích sản xuất kháng thể trong cơ thể, giảm tỷ lệ cholesterol xấu, ngăn ngừa xơ cứng và giúp giảm cân. Do đó, việc ngâm rượu dưa lưới có thể dần trở thành một thức uống được yêu thích tại các bữa tiệc và có thể có những lợi ích cho sức khỏe người dùng. Với việc sử dụng nguyên liệu rẻ nhưng vẫn đảm bảo chất lượng của trái cây, nên chi phí thấp và tiết kiệm sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Quan trọng hơn hết, ý tưởng này tạo ra loại rượu trái cây hương vị mới và an toàn cho người sử dụng”. Giám khảo đã góp ý Trinh Chị nên nghiên cứu thêm, từ “rượu dưa lưới” đổi sang làm “vang dưa lưới”, hoàn toàn không sử dụng rượu trong quá trình ủ mà giữ lại mùi thơm đặc trưng của dưa, phù hợp cho mọi đối tượng khách hàng sử dụng và tốt cho sức khỏe.
Tâm đắc với khuyến nghị này, Trinh Chị hiện đang nghiên cứu cải tiến sản phẩm của mình, tiến tới đăng ký thương hiệu sản phẩm, đăng ký kinh doanh. Ngoài nhà màng đang cho hiệu quả tại xã Tân Hòa, Trinh Chị cho biết đang chuẩn bị thực hiện thêm nhà màng có quy mô tương tự tại xã Bình Thạnh Đông để vừa làm kinh tế, vừa phục vụ việc phát triển ý tưởng thành mô hình thực tiễn. Theo Phó Bí thư Huyện đoàn Phú Tân Lưu Thị Ngọc Huỳnh, mô hình của Trinh Chị là một trong những ý tưởng mới được Huyện đoàn và Hội Nông dân huyện rất quan tâm. Các đoàn thể huyện sẽ hỗ trợ những thủ tục, kỹ thuật cần thiết, đặc biệt là hỗ trợ vốn để bạn có điều kiện xây dựng mô hình thành công.
MỸ HẠNH