Yên Bái tích cực chuẩn bị cho năm học mới

19/08/2021 - 10:38

Để chuẩn bị các điều kiện tốt nhất đón học sinh trở lại trường, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo gần 400 đơn vị nhà trường trong toàn tỉnh chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất và trang thiết bị học tập, tổ chức tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên, đặc biệt làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thầy cô trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Tà Xi Láng (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) trở lại trường chuẩn bị cho năm học mới. 

Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh Yên Bái có hơn 22 nghìn học sinh phổ thông và mầm non theo học tại 6.000 nhóm, lớp. Đến thời điểm này, các nhà trường đang hoàn tất việc rà soát, sắp xếp đảm bảo đầy đủ phòng học. Các hoạt động sửa chữa, nâng cấp, chỉnh trang khuôn viên trường, lớp diễn ra khẩn trương.

Việc rà soát, lập danh sách trường lớp, phòng ở bán trú, bếp ăn, khu vực vệ sinh cần được đầu tư xây mới, sửa chữa được thực hiện từ đầu tháng 5-2021. Do vậy, trong hè 2021, toàn tỉnh đã hoàn thành xây dựng, sửa chữa và đưa vào sử dụng trên 200 phòng học, 14 phòng học bộ môn, 11 phòng hành chính quản trị, gần 100 phòng ở học sinh bán trú, 13 bếp ăn, 17 công trình vệ sinh, 22 công trình nước sạch... với kinh phí hàng trăm tỷ đồng.

Ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết, ngành giáo dục chủ động tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các công trình xây dựng cơ bản phục vụ năm học mới; chỉ đạo các trường chỉnh trang khuôn viên trường lớp, tạo cảnh quan sư phạm xanh - sạch - đẹp, đảm bảo điều kiện cơ sở vật chất tốt nhất cho năm học mới. Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia tới các trường học trong toàn tỉnh.

Tuy nhiên, bước vào năm học mới 2021 - 2022, tỉnh Yên Bái sẽ giảm 1 trường phổ thông dân tộc bán trú, 22 trường phổ thông không còn học sinh bán trú hưởng chính sách; 19 trường giảm học sinh hưởng chính sách; 2.271 học sinh không còn được hưởng chính sách theo Nghị định số 116 của Chính phủ; giảm 11.314 học sinh hưởng chính sách miễn giảm học phí theo Nghị định số 86-2015-NĐ-CP; giảm 3.684 trẻ mẫu giáo hưởng chính sách hỗ trợ ăn trưa theo Nghị định số 105 của Chính phủ. 

Chú trọng phòng, chống dịch

Chú thích ảnh

Các thầy giáo trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Tà Xi Láng (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) sửa chữa, chỉnh trang khuân viên trường học trước năm học mới. 

Đi đôi với chuẩn bị cơ sở vật chất, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống dịch COVID-19. Việc vệ sinh khuôn viên, khử trùng phòng học, lau rửa thiết bị dạy học bằng các chất khử khuẩn, tẩy rửa được các trường tiến hành theo quy định. Việc bố trí sơ đồ lớp học đảm bảo an toàn giãn cách cho học sinh.

Ngành giáo dục chỉ đạo các trường đẩy mạnh tuyên truyền, phối hợp chặt chẽ với phụ huynh giúp học sinh thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Đồng thời, các trường yêu cầu giáo viên, nhân viên không tự ý ra khỏi địa bàn tỉnh, nghiêm túc thực hiện việc cài đặt và sử dụng ứng dụng Bluezone, ứng dụng "An toàn COVID-19” kiểm soát dịch bệnh...

Theo bà Tô Thị Ánh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, đến nay, các trường đều chuẩn bị tốt điều kiện phòng, chống dịch và lên kịch bản chi tiết khi diễn biến dịch phức tạp xảy ra. Công tác phòng, chống dịch COVID-19 được thực hiện theo thông điệp 5K của Bộ Y tế, đảm bảo vệ sinh dịch tễ, y tế học đường. Các trường yêu cầu giáo viên và học sinh phải đeo khẩu trang khi đến trường, lớp học; chuẩn bị đầy đủ dung dịch sát khuẩn và phân công người trực tại khu vực cổng trường, đo thân nhiệt cho học sinh trước khi vào trường.

Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ

Chú thích ảnh

Các thầy, cô giáo trường phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học Cơ sở Tà Xi Láng (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái) tham gia lao động trồng rau xanh tại khuôn viên nhà trường. 

Để nâng cao chất lượng dạy và học năm học mới, 100% cán bộ giáo viên các trường trên toàn tỉnh đều tham gia lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bồi dường chính trị hè do ngành giáo dục tổ chức. Đặc biệt, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu áp dụng từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6 được chuẩn bị kỹ lưỡng từ năm học trước. Đến nay, số giáo viên trung học và tiểu học được bồi dưỡng đã đáp ứng yêu cầu việc dạy học chương trình mới.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục tỉnh Yên Bái phối hợp tổ chức hội thảo với các chuyên gia đến từ nhiều nhà xuất bản để giúp đội ngũ giáo viên nắm chắc được những điểm mới trong nội dung, cấu trúc, phương pháp tiếp cận và các kiến thức bổ trợ của sách; giới thiệu thiết bị dạy học theo chương trình mới cùng website, tài nguyên điện tử trên website. Đồng thời, hoạt động cũng giúp giáo viên nhận biết được tính ưu việt của từng bộ sách, cuốn sách để có những đánh giá về từng cuốn sách mà mình lựa chọn.

Theo bà Nguyễn Thị Thúy Hằng, Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, nhằm đáp ứng yêu cầu chất lượng theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh, tỉnh Yên Bái đã huy động 370 cán bộ quản lý cấp tiểu học, giáo viên dạy lớp 5 năm học 2020-2021 tham gia tập huấn tại 9 lớp ở các huyện, thị xã, thành phố. Đến nay, cán bộ quản lý và giáo viên đã hiểu và phân tích được những điểm mới, các nguyên tắc điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học các môn học theo định hướng Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái, khung kế hoạch thời gian năm học 2021 - 2022 đã được ban hành. Theo đó học sinh bậc học Mầm non, Phổ thông và hệ Giáo dục thường xuyên của tỉnh sẽ tựu trường sớm nhất vào ngày 1-9. Riêng đối với lớp 1, học sinh sẽ tựu trường từ ngày 23-8. Thời gian khai giảng năm học ở các bậc học là ngày 5-9. Theo khung kế hoạch này, học sinh ở bậc Mầm non, Phổ thông có 35 tuần thực học; ở hệ Giáo dục thường xuyên có 32 tuần thực học.

Theo TIẾN KHÁNH (Báo Tin Tức)