Bà Phan Thị Cúc và con trai Nguyễn Trung Cân trình bày về sự việc)
Phản ánh vụ việc đến Báo An Giang, bà Phan Thị Cúc cho biết, lúc 22 tuổi, bà và ông Nguyễn Trung Tín kết hôn. Gia đình 2 bên dù ở cùng phường Mỹ Thới nhưng tên ấp, khóm có sự thay đổi, nhất là lúc điều chỉnh địa giới hành chính. Sau đó, bên nhà chồng chia cho ông bà khoảng 330m2 đất (tọa lạc tổ 21, khóm An Hưng) nhưng đến nay vẫn chưa được cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở. Đặc biệt, dù vợ chồng cất nhà ở, sinh 2 con và sống chung nhiều năm, nhưng bà Cúc vẫn không có tên trong hộ khẩu của gia đình. Không có giấy chứng minh nhân dân nên bà không thể mua bảo hiểm y tế (BHYT) và bị mất nhiều quyền lợi của công dân.
Đến năm 2010, ông Tín qua đời. Sau đó, bà Cúc làm đơn xin được có tên trong hộ khẩu của gia đình, mua BHYT và thực hiện các quyền lợi khác, trước hết là đăng ký quyền sở hữu về tài sản. Hiện nay, hộ khẩu của gia đình do con trai Nguyễn Trung Cân (sinh năm 1987) đứng tên. “Đến nay, trong các loại giấy tờ liên quan đến tôi có chỗ ghi họ Nguyễn, còn phần lớn đều ghi họ Phan là không đúng. Sau ngày chồng tôi qua đời, gia đình đã suy sụp. Hàng ngày, tôi phải đi bán vé số để nuôi thân, vợ chồng con trai mỗi người ở mỗi nơi. Dù chưa là người cao tuổi nhưng bản thân thường đau nhức, phải vay mượn tiền để chữa trị, tốn kém nhiều. Tôi yêu cầu nhà nước xem xét, giải quyết cho tôi được nhập vào hộ khẩu của con trai để mua được BHYT. Sau đó, làm thủ tục xin nhà nước cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở để vay vốn nhằm tạo công ăn việc làm” - bà Cúc bức xúc.
Bổ sung việc này, anh Nguyễn Trung Cân chia sẻ: “Hơn nửa năm qua, vợ của tôi về nhà cha mẹ ruột để lại 2 con cho tôi quản lý và chăm sóc. Do gia đình khó khăn nên người con lớn theo tôi sửa chữa, vá xe kiếm tiền lo con nhỏ đi học và nuôi sống hàng ngày. Nhà tôi đang ở là của cha mẹ, nhưng mẹ tôi dù đã sống 33 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa có tên trong hộ khẩu của gia đình. Tôi rất mong được nhà nước xem xét, giải quyết cho mẹ tôi vào hộ khẩu tôi đứng tên nhằm giúp cho bà mua BHYT. Bên cạnh đó, tạo điều kiện để mẹ con tôi làm thủ tục đăng ký xin Nhà nước cấp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở để vay vốn, tạo công ăn việc làm, ổn định cuộc sống”.
Nói về việc này, Cảnh sát khu vực khóm An Hưng cho biết: “Nhiều lần kiểm tra thấy hộ khẩu của gia đình anh Nguyễn Trung Cân đứng tên nhưng không có tên của bà Phan Thị Cúc (mẹ anh Cân). Chúng tôi đã yêu cầu đương sự đến Công an phường Mỹ Thới để được hướng dẫn, thực hiện các thủ tục cần thiết. Bà Cúc nói do bận công việc nên không đến, thông tin nhiều nơi nói sống nhiều năm nhưng không có tên trong hộ khẩu của gia đình”. Trả lời việc này, trung tá Huỳnh Văn Hên, Phó trưởng Công an phường Mỹ Thới cho biết: “Việc bảo đảm an ninh trật tự và quản lý thủ tục hành chính ở địa bàn theo thẩm quyền được chúng tôi quan tâm đặc biệt. Trong đó, đối với việc công dân chưa và không có tên trong hộ khẩu của gia đình là rất ít. Vừa qua, từ thông tin của báo chí về trường hợp chưa có tên trong hộ khẩu của gia đình đã xem xét, giải quyết đúng theo quy định. Về trường hợp của bà Cúc đã được 2 đồng chí lãnh đạo Công an phường Mỹ Thới tiếp xúc, giải thích, hướng dẫn thực hiện các bước theo trình tự. Tuy nhiên, đương sự nói bận công việc vẫn chưa thực hiện và phản ánh đến Báo An Giang. Trước đây, bà Cúc có thông tin nhưng không nói rõ ràng về nguồn gốc nơi ở, quan hệ gia đình nên khó thực hiện theo yêu cầu của đương sự.
Qua phản ánh của bà Cúc, đề nghị đương sự trình bày rõ về họ tên, năm sinh, nguồn gốc nơi ở, quan hệ gia đình... Trước mắt, bà đến UBND phường Mỹ Thới để được hướng dẫn cụ thể, xin trích lục khai sinh. Khi xong việc, chúng tôi sẽ rà soát, xem xét và khi hội đủ điều kiện sẽ bổ sung tên vào hộ khẩu của gia đình theo đúng quy định của pháp luật”.
Bài, ảnh: N.R