Bà Trần Thị Chẩn trình bày sự việc
Trình bày sự việc đến Báo An Giang, bà Trần Thị Chẩn (vợ ông Có, sinh năm 1962, ngụ xã Quốc Thái, huyện An Phú) cho biết, ngày 10/9/1989, cha mẹ chồng bà (ông Nguyễn Văn Hành, bà Nguyễn Thị Thửa, đã mất) sang nhượng phần đất ngang 5m, dài 7,5m, giá 2 chỉ vàng 24K của ông Lê Văn Cao (xã Quốc Thái). Việc mua bán thể hiện bằng giấy tay, có 3 người điềm chỉ làm chứng.
Về sau, ông bà để đất lại cho vợ chồng bà Chẩn cất nhà ở, nhưng họ chưa đăng ký quyền sử dụng đất. Đầu năm 2019, khi vợ chồng bà sửa chữa nhà, ông Nguyễn Thành Lên (em ông Nguyễn Văn Hành) cho rằng đất là của gia đình ông, yêu cầu trả lại, ông hỗ trợ tiền di dời. Vợ chồng bà Chẩn không đồng ý. Hai bên tranh chấp, vụ việc đưa đến Tòa án nhân dân (TAND) xem xét giải quyết.
“Vợ chồng tôi có 3 con gái lập gia đình, đều không có ruộng đất, tự lo tìm chỗ ở, làm mướn hàng ngày. Trong đó, vợ chồng con gái lớn (Nguyễn Thị Cà Nil, 41 tuổi) cùng 5 người khác ở căn nhà chỉ 28m2. Đã vậy, nhà ở phía sau nhà người khác, nay bị bít lối, đi lại rất khó khăn.
Bản án 150/2023/DSPT, ngày 27/6/2023 của TAND tỉnh buộc vợ chồng tôi di dời khung nhà gỗ 36,8m2, trả lại diện tích 40,8m2 đất cho gia đình ông Nguyễn Thành Lên, ông hỗ trợ 80 triệu đồng di dời. Vợ chồng tôi không đồng ý phán quyết của tòa án. Trong quá trình giải quyết vụ việc, tòa án không làm rõ nguồn gốc đất của mẹ chồng tôi.
Nhà tôi cất trên đất 30 năm, nhưng không được giải quyết, mà lại công nhận quyền sử dụng đất cho ông Lên, dù ông không có giấy tờ, cơ sở chứng minh nguồn gốc đất. Gia đình tôi kháng cáo bản án phúc thẩm đến TAND tối cao. Chúng tôi không nhận tiền hỗ trợ của ông Lên, yêu cầu Nhà nước giải quyết cho vợ chồng tôi ở lại trên đất” - bà Trần Thị Chẩn đề nghị.
Trình bày sự việc với TAND huyện An Phú và TAND tỉnh, ông Nguyễn Thành Lên cho biết, cha ông mất năm 1975, để lại đất cho mẹ - bà Nguyễn Thị Nhành và anh chị ông. Tháng 12/1975, mẹ ông đến chính quyền làm thủ tục chia đất. Trong đó, đất ở xã Quốc Thái chia làm 2 phần. Việc phân chia không đo đạc, anh chị em tự thỏa thuận. Phần đất ông nhận có chiều ngang ngoài 16,8m, chiều ngang trong 18m, chiều dài khoảng 130m.
Đầu năm 1991, bà Nguyễn Thị Thửa đến nhà, hỏi cho con bà (ông Nguyễn Văn Có) cất nhà ở trên phần đất. Sau đó, ông Có mua đất để ở. Đến tháng 2/2019, khi ông Có sửa chữa nhà, ông Lên không đồng ý, xảy ra tranh chấp. Ngày 19/9/2019, Hội đồng hòa giải UBND xã Quốc Thái thông báo việc hòa giải không thành, chuyển vụ việc đến cơ quan thẩm quyền xem xét giải quyết.
Cũng trình bày sự việc với tòa án, ông Lê Văn Cao cho biết, nguồn gốc đất ông Nguyễn Thành Lên tranh chấp là do ông mua từ mẹ ông Lên, giá 2 chỉ vàng 24K (nhưng không nhớ thời gian, không làm giấy tờ). Sau ngày mua đất, ông cất nhà ở. Đến năm 1989, ông bán đất lại cho bà Nguyễn Thị Thửa, cũng không làm giấy tờ.
Khi bà Thửa chết, đất để lại cho vợ chồng ông Nguyễn Văn Có sử dụng. Trả lời về làm chứng việc mua bán đất giữa ông Lê Văn Cao với bà Nguyễn Thị Thửa, ông Nguyễn Văn Thước cho biết, trước đây ông cùng 2 người lân cận điềm chỉ mua bán đất của đôi bên. Nhưng giá bán bao nhiêu, việc sử dụng đất ra sao, ông không rõ, vì thời gian đã quá lâu.
Luật gia Trần Bửu Tài (Ủy viên thư ký Hội Luật gia tỉnh) cho biết, Bản án 150/2023/DSPT của TAND tỉnh An Giang có hiệu lực pháp luật, buộc các bên có trách nhiệm thi hành theo quy định. Đối với bản án phúc thẩm, gia đình bà Chẩn không có quyền kháng cáo. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến bản án, quyết định có hiệu lực của pháp luật vẫn có điểm chưa phù hợp.
Do đó, để đảm bảo pháp chế trong công tác xét xử của tòa án, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, những bản án, quyết định xét thấy chưa bảo đảm, dù đã có hiệu lực pháp luật vẫn được kháng nghị để xét xử lại theo thủ tục giám đốc thẩm hoặc tái thẩm.
Hiện nay, gia đình ông Nguyễn Văn Có, bà Trần Thị Chẩn cần có chỗ ở cho con, đương sự có thể thương thảo với người chú Nguyễn Thành Lên để có cách xử lý thuận lợi. Thậm chí, có thể xin mua lại đất với giá thỏa thuận.
N.R