Yêu cầu trả lại vỉa hè trước nhà

13/06/2022 - 06:30

 - Một hộ dân ngụ phường Mỹ Long (TP. Long Xuyên) khiếu nại trước cửa nhà mình bị 3 hộ lấn vỉa hè, chiếm lòng lề đường làm nơi buôn bán 23 năm nay. Yêu cầu họ di dời không thành, đương sự đề nghị địa phương xem xét giải quyết.

Phản ánh vụ việc đến Báo An Giang, bà Trần Bạch Mai (sinh năm 1962, ngụ đường Ngô Thời Nhậm, phường Mỹ Long, TP. Long Xuyên) cho biết, khi gia đình bà sở hữu căn nhà (ngang 5m, dài 14m) ở đây, phần vỉa hè, lòng lề đường vẫn còn thoáng mát, dù đã có vài hộ mua bán tạm. Thời gian sau, nhiều hộ kinh doanh, mua bán đông đúc, mặt hàng trưng bày nhiều, gây cảnh mua bán xô bồ, đi lại bất tiện, vệ sinh môi trường không bảo đảm. Trước cửa nhà có 3 hộ lấn vỉa hè, sử dụng lòng lề đường làm chỗ mua bán cố định.

“Thấy 3 hộ sử dụng phần mặt tiền nhà, tôi rất khó chịu nhưng chỉ gợi ý, yêu cầu họ trả lại. Lúc đầu, họ nói nhẹ nhàng, trả lời kiểu đẩy đưa cho qua chuyện. Sau đó, mỗi lần tôi nhắc lại, họ phớt lờ, im lặng, có lúc nói nặng tiếng, thể hiện thái độ, hành vi phản cảm. Ngoài ra, tại lề đường, chỗ mua bán có cây nước, họ sử dụng để nước thải vô tư, gây ô nhiễm môi trường. Khi tôi nhắc nhở, họ xẵng giọng: “Chúng tôi ngồi ở lề đường của nhà nước, chứ trên sân nhà của bà đâu mà đòi. Chỉ có mấy tấc đất mà cũng tham lam”. Không thể thỏa thuận được, tôi buộc phải gửi đơn khiếu nại đến địa phương” - bà Trần Bạch Mai bức xúc.

Bà Trần Bạch Mai chỉ chỗ bị chiếm dụng phía trước nhà

Trình bày thêm, bà Mai cho biết, khoảng tháng 3/2021, khi nhà nước nâng cấp con lộ trước nhà, bà làm đơn yêu cầu hộ mua bán di dời để gia đình bà gia cố, làm mới vỉa hè. Một lần nữa, họ lại lên tiếng khó nghe, đay nghiến bà, dù bản thân mua bán không đăng ký kinh doanh, không làm nghĩa vụ thuế theo quy định cho nhà nước.

Liên hệ với một vài hộ dân xung quanh (đề nghị không nêu tên), phóng viên được họ khẳng định: Ở khu vực này, việc mua bán, kinh doanh khá sầm uất. Nhưng từ lâu, người mua bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, chưa bảo đảm môi trường, giao lưu đi lại, chưa đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, gây mất vẻ mỹ quan đô thị, chưa thể hiện nét văn minh thương mại. Nơi đây đã nhiều lần được địa phương lập lại trật tự mua bán, kinh doanh, xử lý người lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường, nhưng sau đó đâu lại vào đấy. "Dù biết vì miếng cơm, manh áo cho gia đình, nhưng người mua bán, kinh doanh cũng phải tuân thủ lợi ích chung, không nên để tình trạng mua bán tràn lan dưới lòng đường và lấn chiếm vỉa hè" - một người dân nêu ý kiến.

Trả lời về sự việc, lãnh đạo UBND phường Mỹ Long cho biết, qua đơn phản ánh của bà Trần Bạch Mai, lãnh đạo phường phối hợp ban, ngành, bộ phận chuyên môn tiếp nhận đơn, xem xét giải quyết sự việc. Qua kiểm tra, rà soát, hoạt động kinh doanh, mua bán ở đường Nguyễn Văn Sừng (đoạn đường Bạch Đằng - Ngô Thời Nhậm) có 23 hộ mua bán đã lâu, chưa bảo đảm trật tự kinh doanh, vệ sinh môi trường. Địa phương đã xử lý vi phạm hành chính 2 hộ, cho các hộ làm cam kết mua bán, kinh doanh theo quy định.

Đối với phản ánh của hộ Trần Bạch Mai, thực hiện Văn bản 373/VP-KT-UBND của UBND TP. Long Xuyên, phường cùng ban, ngành, bộ phận chuyên môn phối hợp làm rõ sự việc. Cụ thể, phía trước nhà bà Mai có 3 hộ (bà T.T.K.L, L.T.H. T, L.K.C) mua bán trên 20 năm. Khi được yêu cầu di dời, họ nói chưa có chỗ buôn bán nên chưa đồng ý. Địa phương báo cáo sự việc về trên, xin ý kiến chỉ đạo thực hiện tiếp theo. Trước mắt, UBND phường Mỹ Long tiếp tục phối hợp ban, ngành, bộ phận chuyên môn, vừa tuyên truyền, giáo dục ý thức thực hiện văn minh đô thị trong kinh doanh, mua bán, vừa thường xuyên kiểm soát, lập lại trật tự mua bán trên địa bàn theo quy định.

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt), phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000-400.000 đồng đối với tổ chức nếu bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng. Phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng đối với cá nhân, từ 600.000-800.000 đồng đối với tổ chức chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi bày, bán hàng hóa; để vật liệu xây dựng; họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất của đường bộ ở đoạn đường ngoài đô thị. Phạt tiền từ 2-3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4-6 triệu đồng đối với tổ chức sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày bán hàng hóa.

 

N.R