Yêu thương bao nhiêu là đủ?

19/06/2019 - 08:32

 - Trẻ em hiện nay phần lớn được chăm lo khá tốt, nhưng có một thực tế phải thừa nhận rằng, có nhiều em đang lớn lên trong cách giáo dục chưa trọn vẹn, có gia đình chỉ phiến diện yêu thương chiều chuộng; có gia đình áp dụng hình phạt, đòn roi, quát nạt. “Liều lượng” bao nhiêu cho đủ khi xã hội ngày càng phát triển, tâm sinh lý các em nhạy cảm hơn, phản xạ rất nhanh với những tình cảm từ ông bà, cha mẹ dành cho, mà không phải lúc nào chúng cũng có biểu hiện tích cực như người lớn mong muốn.

Việc chăm sóc cháu ngày nay đang là “áp lực” của nhiều người làm ông, bà

Anh V.T. (giáo viên dạy bậc tiểu học) chia sẻ, là thầy giáo nhưng việc dạy dỗ cháu trai ở nhà dường như… “bất lực”. Bởi, chỉ cần một câu lớn tiếng của anh liền có cha mẹ, cậu mợ, chị gái đỡ lời cho đứa bé, thậm chí nhiều lần tranh luận dạy cháu như thế nào cho tốt đã dẫn đến cãi nhau rất căng thẳng. Cháu anh T. năm nay 12 tuổi, vừa học xong lớp 6, là con của chị hai (tên Đ.). Gia đình đổ vỡ khi đứa con mới 3 tuổi, chị Đ. “đeo đẳng” suy nghĩ con mình không có tình thương của cha nên chiều chuộng hết mực, dù bản thân có việc làm không ổn định, thu nhập đôi lúc rất khiêm tốn. Tâm lý chung của người lớn trong nhà cũng vậy, lo cho đứa cháu từ việc nhỏ nhặt nhất. Những khi tự mặc áo, mang giày, cậu bé 12 tuổi hết sức vụng về và chỉ cố làm cho có rồi đợi người khác đến giúp. Đi làm xa, chị Đ. hàng ngày gọi điện về để nghe ông bà ngoại “báo cáo” con trai đang làm gì, ăn hay chưa, ăn món gì, đi chơi với bạn nào trong xóm, có ngủ trưa hay không, có đi chơi game không… Anh T. cho biết, gia đình chỉ đủ ăn, đủ mặc, cha mẹ lại lớn tuổi, không còn sức lao động, nhưng chị Đ. “đầu tư” cho con không thiếu thứ gì, từ đồ chơi, nuôi thú cưng, lắp wifi, mua điện thoại chơi game… ông bà ngoại thấy nhiều chỗ không đúng, nhưng không dám lên tiếng.

Rất nhiều những câu chuyện được giáo viên kể lại khi học trò chỉ mới học tiểu học đã biểu hiện thái độ “bất trị”, không tôn trọng thầy cô, không hợp tác trong giờ học. Ông Q. (một giáo viên về hưu ở huyện Châu Phú) chia sẻ, mỗi khi được mời lên trường vì đứa cháu tự bỏ ra khỏi lớp trong giờ học liền đánh một trận tơi tả ngay tại chỗ. Tuy nhiên, ông Q. cũng giải thích: “Ngày xưa con cháu đông, chứ bây giờ, chỉ có 1 hoặc 2 đứa thôi nên cưng”. Những trường hợp như gia đình ông Q. không hiếm. Đã vậy, bất kỳ lớp học nào, từ chính khóa trong năm học cho đến lớp học hè, giáo viên cũng áp lực khi phụ huynh luôn "kè kè" bên cửa sổ lớp học. Họ vô tư quát mắng con, cháu khi chúng ồn ào, có người lại chăm chăm dò xét thầy, cô. Với những giáo viên dạy lâu năm đã thành quen, bởi họ rất hiểu phụ huynh phần lớn là ông, bà theo chăm cháu. Vì lớn tuổi, không còn sức lao động nên phải lệ thuộc tiền chu cấp của các con đi làm xa, đổi lại họ phải chăm sóc những đứa cháu thật tốt. Khác với cách yêu thương vốn có, chăm cháu bây giờ phải "nơm nớp" theo giữ, sợ bỏ học đi chơi, sợ bị giáo viên bạo hành, sợ cháu đánh bạn hoặc bị bạn đánh, thậm chí sợ cháu ăn quà vặt không an toàn, ba mẹ chúng sẽ trách móc ông bà… Đó là nỗi niềm không ít người già đang gánh chịu, khi tư tưởng trong cách giáo dục con cái “cho có" với con người ta, tâm lý “bù đắp” tình thương khiến việc giữ cháu đối với nhiều người không còn là niềm vui để giải khuây tuổi xế chiều.

Nếu trước đây, xã hội quan tâm đến vấn đề trẻ tự tách biệt khỏi gia đình, cô đơn khi thiếu vắng sự quan tâm của cha mẹ, có lối sống bất cần… thì hiện nay, ngay cả việc quá quan tâm, quá chiều chuộng và “phục vụ” gần như sống thay cho đứa trẻ cũng được nhiều người nhận định là không tốt. Bên cạnh biểu hiện tự kỷ, nhiều trẻ em ngày nay đang “không chịu lớn”, không biết tự chăm sóc bản thân, không tự lập trong mọi việc, yếu về kỹ năng mềm. Chị Đ.P. (ngụ tại TP. Long Xuyên) có con 11 tuổi chia sẻ: “Tôi thấy nhiều bậc cha mẹ đến ăn cũng đút cho con từng muỗng, dù cháu đã lớn. Lúc bận bịu thì giao cho con máy tính bảng hay điện thoại để chúng khỏi nghịch… Thật không nên! Tôi có con trai lớn đã từng tham gia “Học kỳ trong quân đội” . Những ngày đầu, tôi cũng như nhiều phụ huynh không khỏi xót xa, vì ở nhà con được “cưng” quen rồi, thậm chí nhiều em đã hờn dỗi vì bị ba mẹ “đẩy” vào các lớp học như thế. Nhưng sau những trải nghiệm tự lập, thấy con trưởng thành hơn, chững chạc hơn, dù chỉ cải thiện một số mặt nhỏ”.

Trẻ em luôn cần chăm sóc để cảm nhận tình thương, sự quan tâm từ gia đình nhưng cũng cần sự nghiêm khắc để hiểu biết đúng sai và tự lập để trưởng thành. Tất cả những điều đó cần sự thống nhất trong gia đình và người lớn luôn là người quyết định. Mọi cách đối xử với trẻ trên hết cần sự nhận thức, hiểu biết đúng đắn, chứ không đơn thuần hành động theo tình cảm hay đáp ứng yêu cầu của con trẻ.

MỸ HẠNH