Cá tra vẫn nhiều triển vọng

05/04/2019 - 07:29

 - Bất chấp việc giảm giá nguyên liệu vào giữa tháng 3, xuất khẩu cá tra quý I-2019 của An Giang vẫn tăng cả sản lượng và giá trị. Dự báo từ nay đến cuối năm, thị trường cá tra vẫn rộng mở khi nhiều nước tăng nhu cầu nhập khẩu, lợi thế cạnh tranh của cá tra so một số loài thủy sản khác được phát huy…

Giá cá tra tăng trở lại

Đó là khẳng định của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Sĩ Lâm trước diễn biến thị trường cá tra hiện nay. Ông Lâm cho biết, ghi nhận ngày 3-4, giá cá tra mua tại ao đang ở mức từ 24.500-25.000 đồng/kg (loại zise từ 0,8 - 1kg/con), tăng khá so thời điểm rớt xuống “đáy” hồi nửa cuối tháng 3 (23.000-23.500 đồng/kg). “Trên địa bàn An Giang, hơn 80% diện tích nuôi cá tra có liên kết, gồm: vùng nguyên liệu doanh nghiệp tự nuôi và diện tích liên kết với các hộ nuôi khác. Đây là những diện tích nuôi ổn định, không bị tác động của giá thị trường. Đối với khoảng 20% diện tích còn lại, người dân thả nuôi tự do, tự thỏa thuận giá bán với doanh nghiệp khi đến thời điểm thu hoạch. Những hộ này có thể không chịu ký hợp đồng liên kết bởi khi giá tăng cao, họ lời nhiều hơn (trong khi những hộ liên kết đạt lợi nhuận cố định theo giá hợp đồng), còn khi giá xuống thấp cũng dễ thua lỗ” - ông Lâm đánh giá.

Ông Lâm cho biết, Sở NN&PTNT đang cử đơn vị chuyên môn khảo sát lại các vùng nuôi chưa liên kết, thống kê cụ thể diện tích, đánh giá nhu cầu của người nuôi cá để vận động họ tham gia liên kết với doanh nghiệp. “Thời gian tới, Chi cục Thủy sản An Giang sẽ tổ chức hội nghị chuỗi liên kết cá tra, tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người nuôi cá gặp nhau, phấn đấu thực hiện liên kết đối với khoảng 20% diện tích còn lại, tiến tới hình thành chuỗi cá tra theo Nghị định 98 của Chính phủ. Các cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp địa phương quản lý chặt vùng nuôi, không để phát sinh tình trạng đào ao nuôi cá ngoài quy hoạch, đồng thời tổ chức tập huấn, giúp doanh nghiệp và nông dân nuôi cá đạt tiêu chuẩn theo quy định” - ông Lâm thông tin.

Cá tra vẫn nhiều triển vọng

Cần liên kết trong nuôi cá tra nhằm đảm bảo tính ổn định

Thị trường rộng mở

Theo các cơ quan quản lý, việc giá cá tra bất ngờ giảm mạnh trong tháng 3 có thể chỉ là hiện tượng nhất thời. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp đã chủ động được vùng nuôi, xây dựng vùng liên kết cộng với lượng hàng trong kho có sẵn, cơ bản đáp ứng số lượng xuất khẩu theo hợp đồng những tháng đầu năm, nên doanh nghiệp chưa đẩy mạnh thu mua bên ngoài. Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thanh Tâm cho biết, trong tổng kim ngạch xuất khẩu 212 triệu USD của quý I-2019 (tăng gần 30% so cùng kỳ 2018), cá tra vẫn có đóng góp quan trọng. An Giang xuất được 29.000 tấn thủy sản đông lạnh, đạt 69,6 triệu USD (tăng 8,09% về lượng và 8,08% về kim ngạch so với cùng kỳ 2018). Cá tra An Giang đã xuất khẩu qua 77 nước, trong đó Châu Á vẫn là thị trường chiếm tỷ trọng cao nhất (52,27%). Mặc dù giá nguyên liệu có giảm nhưng giá xuất khẩu cá tra trong quý I-2019 vẫn tăng bình quân 4,09 USD/tấn so cùng kỳ 2018.

Ông Tâm dự báo, thị trường xuất khẩu cá tra của An Giang từ nay đến cuối năm 2019 có nhiều khả quan, tiếp tục ổn định và phát triển. “Thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ cá tra ở các nước Châu Á sẽ tăng mạnh. Trong đó, Trung Quốc đang dần thay thế Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam. Các sản phẩm cá tra được các nước như: Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản… chấp nhận. Tại thị trường Châu Âu, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU có hiệu lực từ ngày 1-1-2019 đã giúp cá tra Việt Nam tăng tính cạnh tranh với các loại thủy sản đánh bắt tại EU. Cá tra cũng có lợi thế cạnh tranh so với loại cá thịt trắng khác như cá rô phi (chủ yếu xuất từ Trung Quốc, Đài Loan) bởi loài cá này không tạo được hình ảnh phù hợp với thị hiếu khách hàng EU” - ông Tâm đánh giá.

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương, từ thành công của cá tra Việt Nam năm 2018, một số nước đẩy mạnh nuôi cá tra nhưng chưa hiệu quả bởi chi phí cao, điều kiện nguồn nước, khí hậu không phù hợp như ĐBSCL nên trong ngắn hạn, chưa thể cạnh tranh với cá tra Việt Nam. “Kỳ vọng thời gian tới, nhu cầu tiêu thụ cá tra ở thị trường Hồng Kông - Trung Quốc tiếp tục tăng mạnh. Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng việc giảm thuế, ưu tiên nhập khẩu bằng đường chính ngạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản của tỉnh đưa sản phẩm cá tra tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng Trung Quốc. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần lưu ý về quy định kiểm dịch, yêu cầu truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn sản phẩm” - ông Tâm nhấn mạnh.

“Ở Trung Quốc đang thử nuôi cá tra. Khi cá rô phi Trung Quốc giảm lượng tiêu thụ ở EU, có thể dồn trở lại thị trường nội địa. Các doanh nghiệp nên tính toán những yếu tố này để chủ động tìm kiếm thêm thị trường, đa dạng sản phẩm từ cá tra, phát huy lợi thế cạnh tranh của loài thủy sản thế mạnh này” - Phó Giám đốc Sở Công thương Trần Thanh Tâm lưu ý.


Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN