Kỷ niệm 100 năm hình thành nghệ thuật cải lương

Hội thảo khoa học về nghệ thuật cải lương và công diễn vở mới 'Thầy Ba Đợi'

19/04/2018 - 20:10

Vở “Thầy Ba Đợi” khắc họa một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc, nhân vật chính là Thầy Ba Đợi (tên thường gọi của Nhạc quan, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại), người có công rất lớn đối với quá trình hình thành, phát triển buổi đầu của nghệ thuật Cải lương.


Kỷ niệm 100 năm hình thành nghệ thuật cải lương (1918 - 2018), ngày 19-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nghệ sĩ Sân khấu thành phố tổ chức Họp báo giới thiệu Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành và phát triển của nghệ thuật Cải lương ở Việt Nam: Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” và Công diễn vở cải lương mới “Thầy Ba Đợi”. 

Theo đó, Hội thảo khoa học sẽ được tổ chức vào ngày 28-4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến thu hút đông đảo các nhà quản lý văn hóa, nhà nghiên cứu, các đơn vị nghệ thuật và nghệ sĩ nhiều năm gắn bó với loại hình nghệ thuật cải lương. Các đại biểu sẽ tập trung trình bày, phân tích những góc độ khác nhau của một tiến trình dài phát triển Cải lương ở Việt Nam; đồng thời, chỉ rõ những khó khăn, thách thức cũng như định hướng phát triển bộ môn nghệ thuật này cho nhiều năm tới. 

Ông Trần Minh Hùng, Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam cho biết hình thành cách đây 100 năm trên cơ sở Lễ nhạc, Nhã nhạc cung đình, ca Huế, nhạc Hát bội, Đờn ca tài tử, đến nay Cải lương vẫn bền bỉ tồn tại bất chấp những thăng trầm, những đổi thay của lịch sử và đời sống xã hội. 

Từ chỗ thịnh hành ở phương Nam, từ những gánh hát nhỏ, nghệ thuật cải lương đã phát triển ra phía Bắc, hình thành những nhà hát, đoàn cải lương lớn để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng công chúng với nhiều thế hệ nghệ sĩ tài năng. Hội thảo sẽ là dịp để các nhà chuyên môn tập trung nêu vấn đề tồn tại, khó khăn và thách thức, trách nhiệm chính quyền các cấp và những giải pháp cụ thể để củng cố và phát triển cũng như trách nhiệm của giới truyền thông. 

Cùng với mong muốn bảo tồn và phát triển bộ môn nghệ thuật cải lương, trong các tối 28-4 và 1-5, tại Nhà hát Bến Thành, Thành phố Hồ Chí Minh và tối 29-4, tại Nhà hát Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An, tỉnh Long An, Nhà hát cải lương Việt Nam phối hợp với Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam và Đoàn Nghệ thuật cải lương Long An tổ chức công diễn Vở cải lương “Thầy Ba Đợi”. 

Đây là vở cải lương do Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Kỷ làm tác giả kịch bản văn học. Đạo diễn cải lương Nghệ sĩ ưu tú Triệu Trung Kiên và nghệ sĩ Lê Trung Thảo thực hiện, dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của Nghệ sĩ nhân dân Trần Ngọc Giàu cùng với sự tham gia của hơn 60 nghệ sĩ tài danh của 3 miền. 

Vở “Thầy Ba Đợi” khắc họa một giai đoạn lịch sử bi hùng của dân tộc, nhân vật chính là Thầy Ba Đợi (tên thường gọi của Nhạc quan, Nhạc sư Nguyễn Quang Đại), người có công rất lớn đối với quá trình hình thành, phát triển buổi đầu của nghệ thuật Cải lương. Khi vị vua yêu nước Hàm Nghi bị thực dân Pháp bắt và lưu đày sang châu Phi, Thầy Ba Đợi mang theo di sản quý báu là Lễ nhạc, Nhã nhạc cung đình Huế, kết hợp với nhạc Hát bội, Đờn ca tài tử tạo thành nghệ thuật cải lương lưu truyền tới ngày nay. 

Người xem cũng sẽ hiểu hơn từ “cải lương” vốn bắt nguồn từ câu đối “Cải cách hát ca theo tiến bộ. Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”. Cũng như nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống, cải lương muốn tồn tại và phát triển phải đứng vững trên nền tảng văn hóa dân tộc, hồn cốt dân tộc, nhưng phải không ngừng đổi mới, “cải cách” để “lương truyền”.

Theo GIA THUẬN (TTXVN)