“Đánh thức” du lịch Tri Tôn

20/09/2022 - 07:13

 - “Bay trên Phụng Hoàng Sơn”, “Bay giữa mùa lễ hội”… của vùng đất Tri Tôn (tỉnh An Giang) đang dần trở nên quen thuộc với du khách gần xa. Được thiên nhiên ưu đãi phong cảnh núi non hùng vĩ, hồ, suối nên thơ, có văn hóa truyền thống Khmer độc đáo, ẩm thực hấp dẫn, huyện Tri Tôn đang tập trung phát huy thế mạnh, tạo điểm nhấn để thu hút đông đảo du khách về với vùng đất thơ mộng, nghĩa tình.

Khinh khí cầu tôn thêm vẻ đẹp của Tri Tôn

Độc nhất miền Tây

Không phải ngẫu nhiên mà Tri Tôn trở thành nơi đầu tiên ở ĐBSCL tổ chức những loại hình thể thao mạo hiểm, như: Dù lượn, diều lượn (có động cơ và không động cơ), rồi khinh khí cầu. Qua khảo sát, đánh giá của các chuyên gia, đến thời điểm hiện tại, một vách Phụng Hoàng Sơn (cặp Khu Thể thao, Du lịch Tà Pạ - Soài Chek và sân đua bò huyện Tri Tôn, thuộc xã Núi Tô) vẫn là nơi duy nhất ở miền Tây phù hợp tổ chức những môn thể thao vốn phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết này.

Đây cũng là nơi duy nhất cả nước xây dựng cùng lúc được đường băng cất cánh dù lượn, diều lượn không động cơ và đường băng cất cánh cho dù lượn, diều lượn có động cơ, máy bay phản lực đạt chuẩn hiện nay.

Trong khi đó, sân đua bò huyện Tri Tôn vừa là nơi lý tưởng tổ chức Lễ hội đua bò Bảy Núi (sân đua rộng, khuôn viên thoáng cho khán giả theo dõi), môn đua môtô mạo hiểm, vừa là địa điểm thuận lợi để phi công đáp dù lượn và biểu diễn khinh khí cầu; cho du khách trải nghiệm cảm giác bay trên khinh khí cầu, dù lượn, diều lượn…

Sau 2 lần tổ chức thành công sự kiện “Bay trên Phụng Hoàng Sơn”, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Liên đoàn Dù lượn thể thao TP. Hồ Chí Minh Lâm Quang Quí đánh giá, Tri Tôn có địa hình, lợi thế rất thích hợp cho việc phát triển loại hình thể thao hàng không, mạo hiểm. Để tạo điểm nhấn riêng biệt, thu hút khách du lịch đến tham quan, khám phá Tri Tôn, UBND huyện duy trì tổ chức sự kiện dù lượn hàng năm vào dịp kỷ niệm ngày lễ lớn, đồng thời ký kết biên bản với Liên đoàn Dù lượn thể thao TP. Hồ Chí Minh thành lập Trung tâm huấn luyện bay Miền Tây tại Tri Tôn.

Để khởi động cho việc thành lập trung tâm, UBND huyện Tri Tôn kết hợp Liên đoàn Dù lượn thể thao TP. Hồ Chí Minh khai giảng huấn luyện phi công dù lượn khóa I - Miền Tây năm 2022 vào tháng 7 vừa qua. Các học viên ở huyện Tri Tôn, TX. Tân Châu đã được học 4 buổi lý thuyết, thực hành 10 buổi về kỹ năng bay dù lượn không động cơ, thao tác điều khiển hướng bay, tốc độ bay. Đây sẽ là nguồn phi công tại chỗ để phục vụ cho các sự kiện “Bay trên Phụng Hoàng Sơn” trong tương lai, vốn đang rất “hot” với du khách gần xa.

Tạo điểm nhấn

Nhân dịp lễ Quốc khánh vừa qua, UBND huyện Tri Tôn phối hợp với Câu lạc bộ khinh khí cầu Việt Nam tổ chức thành công Lễ hội khinh khí cầu huyện Tri Tôn năm 2022. Đây là sự kiện khinh khí cầu lần đầu tiên tổ chức ở ĐBSCL, tạo nên sức hút đặc biệt với du khách.

Ghi nhận trong 4 ngày nghỉ lễ, khoảng 100.000 lượt khách đã đến huyện Tri Tôn. Trong đó, 40.000 lượt khách đến với Khu Thể thao, Du lịch Tà Pạ - Soài Chek (nơi diễn ra Lễ hội khinh khí cầu); đêm hoa đăng khinh khí cầu ở quảng trường Thái Quốc Hùng thu hút trên 4.000 lượt khách. Bên cạnh đó, 30.000 lượt khách đến với khu ẩm thực hồ Ô Thum (nổi tiếng với món gà đốt); khoảng 10.000 lượt khách đến tham quan, khám phá đồi Tức Dụp…

Chính vì sức hút quá lớn nên lần đầu tiên, nhà nghỉ, phòng trọ trên địa bàn thị trấn Tri Tôn và các xã lân cận kín chỗ. Thời điểm khai mạc Lễ hội khinh khí cầu (sáng 2/9), xuất hiện tình trạng kẹt xe kéo dài hàng giờ đồng hồ. Đây là vấn đề mà huyện Tri Tôn quyết tâm khắc phục trong những dịp lễ hội, sự kiện thu hút khách thời gian tới.

Mới đây, Ban An toàn giao thông huyện Tri Tôn tổ chức đánh giá và rút kinh nghiệm công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, Trưởng ban An toàn giao thông huyện Tri Tôn Cao Quang Liêm biểu dương lực lượng chức năng, UBND xã, thị trấn làm tốt nhiệm vụ trong dịp nghỉ lễ.

Đồng thời, yêu cầu Công an huyện và các ngành liên quan xây dựng kế hoạch rõ ràng về an ninh trật tự, an toàn giao thông, phải có người chỉ huy thống nhất tại các chốt giao thông, dặm vá lại tuyến đường xuống cấp. Huyện sẽ bố trí điểm giữ xe ôtô, xe máy phù hợp; xây dựng thái độ phục vụ du khách tốt hơn. Bên cạnh đó, bố trí thêm nhà vệ sinh công cộng, tổ chức gian hàng ẩm thực, đặc sản huyện để phục vụ du khách.

Qua nhiều sự kiện được tổ chức, Khu Thể thao, Du lịch Tà Pạ - Soài Chek dần chứng minh được điểm nhấn du lịch hấp dẫn ở vùng Bảy Núi. Bên cạnh “Tuyệt tình cốc” đồi Tà Pạ, quảng trường đi bộ với đèn hoa đăng, sân đua bò, nhà văn hóa truyền thống, hồ Soài Chek, Khu Thể thao, Du lịch Tà Pạ - Soài Chek còn là điểm kết nối với Khu du lịch Soài So - Suối Vàng, Khu du lịch đồi Tà Pạ, hồ Ô Thum…

Với việc tổ chức nhiều sự kiện độc đáo, cùng nỗ lực đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, đây sẽ là điểm nhấn “đánh thức” tiềm năng du lịch Tri Tôn, kéo theo những địa chỉ du lịch khác phát triển.

Khi trải nghiệm cùng dù lượn, diều lượn, khinh khí cầu lên đến độ cao phù hợp, khung cảnh hiện ra dưới mắt du khách là đồi núi chập chùng, hồ nước lung linh, ngôi chùa Khmer cổ độc đáo, thửa ruộng nhiều màu sắc… mang đến dấu ấn khó quên.

NGÔ CHUẨN