“Deep oiling” được hội chị em trên TikTok nhiệt tình lăngxê như chân ái cho những mái tóc thưa thớt và hư tổn nặng nề sau những cuộc vui làm đẹp.
Với những hứa hẹn động lòng người, đâu là những điều bạn cần biết về nghi thức hồi sinh tóc thần kỳ này?
Hiểu nhau từ tên gọi
Đúng với tên gọi của phương pháp này, mái tóc của bạn sẽ được “nhấn chìm” vào các dưỡng chất tinh dầu thiên nhiên theo đúng nghĩa đen của nó.
Từ hơn 3.000 năm trước, nhiều bộ phận dân cư khu vực Nam Á đã biết đến và sử dụng dầu dưỡng tóc để sở hữu một mái tóc dày, bóng khỏe.
Ngay từ khi còn bé, các bé gái đã sớm được bà và mẹ bôi dầu ấm từ da đầu đến ngọn tóc nhằm nuôi dưỡng các nang tóc từ sâu bên trong lẫn cung cấp đủ lớp màn bảo vệ cho phần ngọn.
Theo thời gian, dầu dưỡng tóc thâm nhập vào phương Tây và lan đi khắp nơi trên thế giới.
Ngày nay, các phương pháp ủ hay chăm sóc tóc bằng các loại tinh dầu được nhiều chuyên gia hay tổ chức y học như Ayurvedic nghiên cứu và khuyến khích áp dụng. Cùng với đó là sự ra đời của loạt sản phẩm tinh dầu dưỡng phù hợp đa dạng loại da đầu và kết cấu tóc.
Vì vậy, “deep oiling” về cơ bản vẫn không khác biệt quá nhiều so với phương pháp “Hair oiling” truyền thống nhưng có phần cầu kỳ và tiêu tốn nhiều thời gian hơn để trải nghiệm kết quả.
Khi thực hành “deep oiling” đúng cách, bạn không chỉ sở hữu mái tóc vạn người mê mà còn được “khuyến mãi” những lợi ích không ngờ như giảm rụng tóc, kích thích mọc tóc mới, và thư giãn tinh thần.
Chu trình hẹn hò mỗi tuần
Hiển nhiên chúng ta đều hiểu sẽ không có chuyện “Tôi yêu tóc đẹp, tóc đẹp đến với tôi." Thế nên, cách để khiến tóc đẹp tốt nhất vẫn là thực hành “deep oiling” đúng quy trình. Chăm chỉ thực hiện quy trình dưới đây 1-2 lần mỗi tuần có thể sẽ sớm trả lại mái tóc mà bạn mong chờ bấy lâu.
1. Sử dụng lược gỡ rối massage da đầu: Không ít trường hợp các bạn bỏ qua bước quan trọng này trong quá trình thực hiện “deep oiling," hay thậm chí là một buổi gội đầu thông thường.
Việc chải tóc từ 3-5 phút này không chỉ giúp bạn gỡ phần tóc rối hay giảm bớt bụi bẩn mà còn giúp tăng cường sự lưu thông máu, cung cấp dưỡng chất cho tóc và giúp tóc khỏe mạnh hơn. Đồng thời, việc chải tóc nhẹ nhàng cũng giúp bạn thư giãn trước khi gội đầu và giảm căng thẳng
2. “Tắm dầu” cho tóc: Ở công đoạn chính này, bạn cần chuẩn bị hai loại dầu riêng cho da đầu và tóc bởi nhu cầu dinh dưỡng ở hai vùng này không giống nhau. Sau khi tiến hành thoa dầu lên vùng da đầu và massage nhẹ nhàng, dùng dầu dưỡng tóc thoa đều lên phần thân, và đặc biệt ở ngọn tóc.
3. Tránh bám bẩn: Kết thúc quá trình “tắm dầu," sử dụng một lớp màng bọc bao quanh toàn bộ phần tóc vừa thoa dầu và thêm một chiếc khăn “gói” lại bên ngoài tránh bụi bẩn bám vào tóc làm giảm tác dụng và chờ trong vòng từ 2-4 giờ và thực hiện bước kế tiếp.
4. Gội và xả: Sau vài giờ chờ đợi, bạn đã có thể đi đến bước làm sạch lớp tinh dầu trên tóc. Lúc này, những gì bạn cần chỉ đơn giản là một loại dầu gội không chứa các hợp chất silicon, sulfate và tiến hành làm sạch dầu với 2 lần gội.
Cân nhắc lựa chọn
Rõ ràng, các loại tóc với kết cấu và nhu cầu dinh dưỡng khác nhau sẽ cần những loại dầu khác nhau vì thế bạn cần cân nhắc và tìm hiều xem tình trạng tóc và da đầu hiện tại của mình phù hợp với loại dầu nào trước khi bước vào con đường “deep oiling” nhé.
1. Dầu hương thảo: Chiếm sóng TikTok thời gian vừa qua chính là tinh dầu hương thảo. Bên cạnh khả năng giảm thiểu tóc rụng, tinh dầu hương thảo còn giúp tăng cường lưu thông máu ở da đầu cung cấp ôxy và chất dinh dưỡng nhiều hơn cho các nang tóc.
2. Dầu dừa: Đây là lựa chọn phổ biến cho hầu hết các loại tóc để bổ sung độ ẩm và ngăn ngừa tình trạng chẻ ngọn nhờ hàm lượng axit lauric cao có thể dễ dàng thấm sâu vào sợi tóc.
3. Dầu amla/ dầu hạnh nhân: Nhờ hàm lượng vitamin B, K, E và độ ẩm cao 2 loại tinh dầu này vừa kích thích mọc tóc mới vừa sở hữu các đặc tính chống oxy hóa và chống vi khuẩn tạo lớp màng bảo vệ tuyệt vời cho mái tóc.
4. Tinh dầu bơ: Tinh dầu bơ được chiết xuất từ những quả bơ giàu vitamin và chất béo, có khả năng nuôi dưỡng tóc và giữ ẩm cho tóc, giúp phục hồi tóc xoăn. Đồng thời, tinh dầu bơ còn giúp tóc mềm mượt và hoạt động như một rào cản chống lại các tia UV có hại cho tóc.
Ngoài ra, bạn cũng có thể thử sức với dầu vừng, jojoba và argan. Những loại dầu vốn đã phổ biến và tin dùng bởi hàm lượng chất chống ôxy hóa mang lại hiệu quả giữ ẩm và phục hồi độ đàn hồi và bóng mượt cho tóc đã được kiểm chứng.
“Green flag” cũng có thể là “red flag”
Mặc dù được xem là một phương pháp chăm sóc tóc hiệu quả, nhưng hãy tránh áp dụng hoặc hạn chế sử dụng “deep oiling” cho tóc nếu bạn đang trong một số trường hợp.
1. Gàu: Gàu là một vấn đề nan giải mà ngày nay hầu hết chúng ta phải đối mặt. Nếu áp dụng “deep oiling” bạn nên cân nhắc lại, vì sử dụng các sản phẩm tinh dầu lên da đầu bị gàu không những không cải thiện sức khỏe của tóc mà còn khiến tình hình tồi tệ hơn bởi tình trạng tăng sinh tế bào chết tạo các mảng bám gây mất thẩm mỹ.
2. Mụn trán: Nếu bạn bị mụn trứng cá trên mặt hoặc trên trán, việc ủ tóc với dầu có thể làm tắc nghẽn lỗ chân lông và khiến tình trạng mụn trở nên trầm trọng hơn.
3. Viêm da đầu: Nếu bạn có xuất hiện tình trạng nổi mụn trên da đầu và vẫn áp dụng “deep oiling” có thể thu hút nhiều bụi bẩn hơn và có thể dẫn đến nhiễm khuẩn. Vì vậy, tránh bôi dầu khi bạn bị xuất hiện tình trạng viêm hoặc nổi mụn trên da đầu. Ngoài ra, nếu vấn đề này kéo dài, tốt nhất bạn nên thăm khám bác sỹ để được điều trị kịp thời.
4. Da đầu nhờn: Nếu cơ địa của bạn là da dầu, việc tóc mau chóng tích tụ bụi, và nhờn rích có thể gây kích ứng và kéo theo các vấn đề về da đầu khác như tình trạng rụng tóc nghiêm trọng. Bạn nên bắt đầu với một lượng khá ít và tăng dần mức sử dụng. Nếu mọi thứ tiến triển tích cực, bạn có thể yên tâm áp dụng nó mỗi tuần./.
Theo HEIDI VOX (Đẹp/Vietnam+)