Ông Thịnh là con thứ 6 trong tổng số 8 anh, chị em. Khi còn sống, cha, mẹ chia đất cho các con, nào ngờ đến việc các con ngoảnh mặt với nhau vì tài sản. Nhiều năm nay, ông Thịnh và ông Bé dù nhà ở cạnh nhau, nhưng thường xuyên xảy ra cự cãi, đến mức chính quyền địa phương phải vào cuộc.
Theo lời các anh em còn lại, hơn 20 năm trước, ông Thịnh đã cầm cố đất của mình cho người khác. Thấy vậy, bà N.T.C (người em thứ 9) bỏ tiền ra chuộc đất lại, giữ giấy tờ nhưng không sang tên vì nghĩ chỗ anh em với nhau, không cần lo lắng. Sau đó, ông Thịnh yêu cầu bà C. trả đất nhưng không đồng ý hoàn trả lại số tiền bà đã bỏ ra chuộc đất. Ông không chấp nhận phương án nhận thêm tiền để bán đứt phần đất cho bà.
Thịnh và Sơn trong phiên tòa sơ thẩm
Cuối cùng, họ phải nhờ đến Tòa án nhân dân huyện Chợ Mới xét xử. Ông Bé giữ vai trò người làm chứng, biết rõ vụ việc của hơn 20 năm trước. Các anh em còn lại bất bình với hành động của ông Thịnh, nên chẳng ai đứng về phía ông. Kể từ đó, mối quan hệ giữa ông Thịnh và 7 anh em ngày càng xa, chỉ có tiếng bấc, tiếng chì thay lời thăm hỏi. Thậm chí, nhiều thời điểm mâu thuẫn bùng lên, họ suýt dùng vũ lực với nhau, nhưng được can ngăn kịp thời, không để xảy ra sự cố gì lớn.
“Mấy năm nay, ông Thịnh, tôi với anh Bé đi tới tòa án, được thương lượng, hòa giải liên tục. Nói thiệt, đi riết mà tôi cảm thấy mắc cỡ, khi chuyện của 3 anh em không thể tự giải quyết, phải nhờ người ngoài phân xử dùm. Đưa ra phương án nào, ông Thịnh cũng không đồng ý. Con cháu, họ hàng khuyên nhủ hết lời, ổng cũng bỏ ngoài tai” - bà C. kể lại.
Rồi chuyện không may xảy đến. Ngày 20-9-2017, ông Thịnh và ông Bé tiếp tục cự cãi, đánh nhau, được mọi người can ngăn. Công an xã Long Kiến lập biên bản, hòa giải. Sáng hôm sau, Thịnh gọi cho Sơn, kể chuyện mình bị ông Bé đánh, hiện giờ cảm thấy khó thở, muốn Sơn chở đi khám.
Cơn giận bùng lên, Sơn lấy khúc gỗ tròn (dài khoảng 80cm, đường kính 4,3cm) qua nhà tìm “bác tư” trả thù. Ông Thịnh chạy theo, nhặt đá ném vào vách nhà ông Bé. Mọi người tiếp tục can ngăn, nhưng không thành. Thấy vậy, Nguyễn Hồng Thái (con ông Bé) dùng điện thoại di động ghi hình để làm căn cứ tố giác. Quá trình xô xát, ông Bé bị đánh trúng vào vùng cổ bên trái, bất tỉnh, rồi tử vong trên đường đến bệnh viện. Sơn và Thịnh bị bắt khẩn cấp trong ngày để điều tra vụ việc.
Lúc đầu, Sơn thừa nhận: thời điểm ấy, chỉ một mình anh ta dùng cây đánh vào vùng cổ ông Bé, nên ông Bé tử vong là do lỗi của anh ta. Tuy nhiên, về sau anh ta lại thay đổi lời khai, cho rằng mình hoàn toàn vô can, chỉ dùng cây “nhá” cho ông Bé sợ mà thôi. Ông Thịnh cho rằng bản thân không tham gia đánh nhau, không nhìn thấy Sơn đánh ông Bé. Ngày 30-5-2018, Tòa án nhân dân tỉnh đưa vụ án ra xét xử. Còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ, nên tòa án đã trả hồ sơ, đề nghị cơ quan chức năng điều tra bổ sung.
Ngày 7-9, phiên tòa xét xử sơ thẩm được tiến hành một lần nữa. Từ các lời khai, vật chứng, hình ảnh video clip thu được và hiện trường vụ án, Hội đồng xét xử khẳng định: tất cả đều chứng minh, bị cáo Sơn dùng khúc gỗ tròn xâm hại đến ông Bé. Việc Sơn bị truy tố tội danh “Giết người”, ông Thịnh bị truy tố tội “Gây rối trật tự công cộng” là đúng, không hề oan sai. Do đó, tuyên xử Sơn 17 năm tù, buộc phải bồi thường chi phí mai táng, tổn thất tinh thần cho đại diện hợp pháp của người bị hại; Thịnh 1,5 năm tù.
Hôm ấy, có rất nhiều người đến tham dự phiên tòa. Họ đều là người thân, hàng xóm láng giềng với nhau. Họ còn là người thân ruột thịt của phía bị hại lẫn bị cáo. Sau ngần ấy năm, mâu thuẫn giữa họ chẳng những không được hóa giải, mà lại chất chồng thêm. Người tử vong, kẻ vào tù, mọi chuyện bị đẩy đi xa đến mức khó cứu vãn.
“Nhiều năm nay, mỗi lần Thịnh chửi mắng, xúc phạm, chúng tôi đều nhẫn nhịn, lo làm ăn. Khi chồng chết, tôi khổ sở lắm, nhưng phải ráng giữ bình tĩnh. Nếu tôi suy sụp, sợ con mình làm bậy, tìm cách trả thù gia đình ông Thịnh thì còn gây ra hậu quả nghiêm trọng hơn. Thà bỏ bớt chuyện, chứ ai muốn thêm chuyện bao giờ…”- bà Phạm Thị Phiệt (vợ ông Bé) giãi bày.
Đến lúc này, người ta lại nghĩ đến chữ “giá như”. Giá như giữa các bên mở lòng, sẵn sàng “chín bỏ làm mười”, gạt qua tất cả tính toán thiệt hơn vì tình nghĩa ruột thịt. Giá như họ kiềm chế hơn một chút, thương nhau hơn một chút. Giá như có thể quay lại quá khứ... Chỉ tiếc rằng, đó đều là những cụm từ vô nghĩa, bởi mọi thứ đã quá muộn màng!
Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG