“Hội mẹ chiến sĩ” - hậu phương ấm áp

01/03/2023 - 07:13

 - Thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, phụ nữ từ 50 tuổi trở lên tham gia hội rất đặc biệt, mang tên “Hội mẹ chiến sĩ”. Mấy chục năm sau khi hòa bình, Hội mẹ chiến sĩ được thành lập lại, với sứ mệnh vừa giống, vừa khác ngày xưa.

“17 tuổi, tôi bị địch bắt tù, suốt 5 tháng ở Khám Châu Đốc. Chúng giật điện vào lỗ tai, vào ngón tay, ngón chân đến khi tôi ngất đi, rồi lại tạt nước cho tỉnh. Những tháng ngày ấy phần nào ảnh hưởng sức khỏe khi về già. Bù lại, từ quá trình tham gia cống hiến cho cách mạng, tôi được tặng Huân chương Giải phóng, sắp đến niên hạn được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng” - bà Cao Thị Ngọc Mai (ngụ TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) nhớ lại.

Về hưu năm 1994, bà Mai sống vui vầy bên con cháu. Các con tiếp nối truyền thống cách mạng của bà, trong đó có người theo binh nghiệp, hiện đang công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự TP. Châu Đốc. Từ một chiến sĩ thời chiến tranh, bà trở thành Mẹ chiến sĩ thời bình. Vì thế, năm 2008, khi Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) TP. Châu Đốc quyết định thành lập Hội mẹ chiến sĩ thành phố, bà sẵn lòng đảm nhiệm trọng trách Hội trưởng. Thấm thoắt 15 năm bà gắn bó với hội. Đến nay, 70 tuổi rồi, sức khỏe khi trồi khi sụt, bà vẫn muốn vun đắp cho hội ngày càng lan tỏa.

Hội mẹ chiến sĩ tham gia tặng quà cán bộ, chiến sĩ biên giới

Lúc mới thành lập, Hội mẹ chiến sĩ TP. Châu Đốc quy tụ 18 thành viên, là những phụ nữ từng tham gia kháng chiến. Tháng rộng năm dài, theo quy luật tự nhiên, nhiều thành viên từ trần. Hội quyết định kết nạp thêm thành viên mới, mở rộng đối tượng là trưởng, phó phòng, ban của TP. Châu Đốc đã nghỉ hưu. Nhờ vậy, hội luôn duy trì khoảng 20 thành viên.

Không có con là chiến sĩ, nhưng bà Trương Thị Tờ (nguyên Phó Chủ tịch Hội LHPN TP. Châu Đốc) có nhiều thời gian gắn bó với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong quá trình công tác, cũng là vợ bộ đội. “Nghỉ hưu, tôi chuyển sang tham gia Hội mẹ chiến sĩ, đến nay đã 13 năm. Hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của bộ đội được nâng cao hơn trước rất nhiều, nhưng họ vẫn rất cần sự chia sẻ, quan tâm từ chính quyền địa phương, đoàn thể để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Xem bộ đội như con, cháu trong gia đình, tôi luôn dành thời gian cùng Hội mẹ chiến sĩ đến thăm, động viên lực lượng” - bà Tờ tâm sự.

Nếu như ngày xưa, Hội mẹ chiến sĩ là nòng cốt trong tiếp tế nuôi quân, chăm sóc thương, bệnh binh, giúp đỡ gia đình chiến sĩ, liệt sĩ nghèo, neo đơn… thì ngày nay, người mẹ chiến sĩ tham gia đưa tiễn, động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, là chỗ dựa tinh thần cho những đứa con yên tâm công tác trong lực lượng vũ trang nói riêng, lao động sản xuất ở các đơn vị khác nói chung.

“Thành viên hội đa số lớn tuổi, bị ảnh hưởng bởi di chứng chiến tranh, cuộc sống kinh tế eo hẹp. Chính vì vậy, chúng tôi đóng góp về mặt tinh thần là chính, sẵn lòng tham gia các hoạt động thăm hỏi, động viên chiến sĩ bất cứ khi nào có dịp” - bà Mai cho biết. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, Hội mẹ chiến sĩ nhiều lần lặn lội đi thăm, tặng quà cho CBCS đang làm nhiệm vụ ở biên giới, góp chút tấm lòng gửi về “những đứa con” thân thương.

Một ngày cuối tháng 2/2023, các đoàn thể, ban, ngành TP. Châu Đốc tổ chức đoàn đến thăm hàng chục chốt dân quân (thuộc Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã), chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch COVID-19 (thuộc Đồn Biên phòng Vĩnh Nguơn). Nhiều thành viên Hội mẹ chiến sĩ cùng đi với đoàn. Các địa điểm cách xa nhau, đi bằng vỏ lãi mất trọn buổi sáng. Trời nắng hanh hao, di chuyển liên tục khiến người trẻ tuổi còn thấm mệt, huống chi phụ nữ lớn tuổi.

Nhưng khi món quà đến với CBCS, sự mệt mỏi chợt tan biến. Bà Mai gửi gắm: “Quà không lớn về mặt vật chất, mà thể hiện đoàn thể địa phương nói chung, Hội mẹ chiến sĩ nói riêng luôn quan tâm đến các cháu đang làm nhiệm vụ vất vả trên biên giới. Ngày xưa, các cô góp sức giành lại độc lập cho quê hương. Mong rằng, ngày nay các cháu tiếp tục giữ gìn, bảo vệ biên giới thật bình yên”.

Thượng tá Trần Văn Thao (Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự TP. Châu Đốc) bày tỏ: “Thay mặt CBCS, chúng tôi rất cám ơn các mẹ, các chị, các em đã thường xuyên đến thăm, cổ vũ tinh thần cho lực lượng vũ trang. Từ sự quan tâm này, chúng tôi luôn nhắc nhở lực lượng phấn đấu giữ gìn đường biên, cột mốc quốc gia, để mọi người an tâm lao động sản xuất”.

Chủ tịch Hội LHPN TP. Châu Đốc Huỳnh Thị Thu Trang thông tin: “Với tinh thần “Tương thân tương ái”, Hội mẹ chiến sĩ luôn phát huy vai trò tích cực đoàn kết quân - dân, được UBND và Hội LHPN thành phố khen thưởng. Các cô, các mẹ rất tích cực tham gia Tết quân - dân, ngày hội biên phòng toàn dân, đồng hành với phụ nữ biên cương... mong muốn trở thành hậu phương vững chắc cho CBCS lực lượng vũ trang đang làm nhiệm vụ tại địa phương”.

15 năm hoạt động lặng thầm, những người mẹ chiến sĩ còn ấp ủ nhiều hoạt động sắp tới. Đó là kết nạp thêm nhiều hội viên trẻ, xốc vác hơn, chia sẻ bớt áp lực cho thành viên lớn tuổi. Đó là đem đến ấm áp yêu thương cho CBCS, bằng vòng tay chắt chiu của người mẹ…

Hội mẹ chiến sĩ ra đời vào tháng 6/1946 theo sáng kiến của Hội Phụ nữ Trung Bộ. Dần dần, Hội mẹ chiến sĩ được tổ chức đều khắp ở các tỉnh (kể cả vùng tạm chiếm), đóng vai trò nòng cốt trong phong trào “Ủng hộ bộ đội, du kích” và “Nuôi quân diệt giặc”. Các mẹ chiến sĩ phần đông có con cháu đi kháng chiến, tình thương con cháu và tình yêu quê hương đất nước trở thành tình cảm lớn lao, yêu thương chiến sĩ như con cháu ruột thịt của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng gửi thư bày tỏ lòng biết ơn đối với hoạt động hội.

 

GIA KHÁNH