Ông tên Cao Văn Long (ngụ khóm Đông An 4, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên) nhưng mấy ai gọi tên thật của ông mà cứ dành cho ông một cách gọi thân thương: “Kỹ sư” vá đường. Với tấm lòng muốn có con đường phẳng phiu cho người dân đi lại thuận tiện, ông đã nghĩ ra cách rải đá mi, nhựa đường và dầu hỏa để lấp đầy các “ổ gà” trên mặt đường. Công việc đòi hỏi phải thực hiện dưới trời nắng, điều đó đồng nghĩa với việc ông phải phơi mình dưới nắng nóng hàng mấy giờ trong ngày. Trong khi năm nay ông đã bước vào tuổi 76 (thất thập cổ lai hy), nếu không có sức khỏe dẻo dai thì làm sao kham nổi. Vậy mà ông vẫn tươi cười: “Có cực nhọc gì mấy đâu, tui đã quen công việc này 5-6 năm nay rồi, bữa nào khỏe thì làm suốt, bữa nào mệt thì nghỉ ngơi, rảnh thì đi xin đá, nhựa để dành, lảo rảo quanh các con đường, nơi nào mặt đường lỏm chỏm thì tui vá lại ngay”.
Khi được hỏi cơ duyên nào giúp ông nghĩ đến việc vá đường tự nguyện này, ông Long trầm ngâm: “Những ngày đi thăm mấy đứa cháu ở huyện Cái Bè (Tiền Giang), tận mắt chứng kiến cảnh đôi vợ, chồng chạy xe lên dốc cầu nhưng không may bánh xe sụp ngay “ổ gà” lớn trên mặt cầu, té và va chạm phương tiện khác gây tử vong. Sự việc gây cho tôi sự chấn động sâu sắc và nghĩ bản thân cần phải làm ngay công việc lấp đầy những chỗ hư hỏng trên mặt đường, hạn chế thấp nhất các vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra”. Khi cuộc sống đã ổn định, lo xong nhà cửa, con cái, ông Long dành toàn bộ thời gian cho công việc duy nhất là vá đường.
Ông Long hàng ngày đi vá đường chỉ với chiếc xe đạp.
Hôm chúng tôi gặp ông là lúc ông đang lấp đầy những “ổ gà” trên đường Phan Tôn (phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên). Ông Long thông tin: “Những lổ hỏng trên đường thế này, nếu là người dân địa phương, quen thuộc mặt đường còn nhớ để tránh, trẻ con đi học đạp xe hay người lạ lần đầu tiên chạy qua, người say xỉn thì biết đâu mà né. Tui làm một chút là xong. Nếu thấy “ổ gà” chỗ nào chưa làm, tối về nằm ngủ tui trăn trở mãi, phải tính toán đi mua vật liệu, cách làm thế nào cho phù hợp để vá tuyến đường nơi đó”.
Trong số Những người chứng kiến việc làm của ông, người thì rất cảm kích tấm lòng của ông, người thì cho rằng không cần thiết phải làm vì đó là chuyện của Nhà nước, của ngành chức năng. Thẳng thắn mang câu hỏi đó đến với ông, được câu trả lời: “Dẫu biết rằng đó là chuyện của ngành chuyên môn, thế nhưng việc xây dựng, sửa chữa lúc nào cũng phải theo kế hoạch chứ không thể làm ngay cho tất cả tuyến đường. Do vậy, khi thấy lỗ hỏng tui phải làm ngay, cố gắng không để cho người tham gia giao thông gặp tai nạn”.
Những lời chia sẻ thêm của ông Long càng làm cho chúng tôi phải suy nghĩ: “Cháu biết không, khi một người xảy ra tai nạn gây tử vong hay bị thương tật nằm viện thì không chỉ người đó khổ mà cả gia đình đang nương tựa họ cũng phải khổ theo. Vì thế, giúp người luôn có nhiều cách, bác thì chọn cách làm này để thỏa ước nguyện, bởi từng miếng cơm ta ăn, cái áo ta mặc, chiếc xe đạp ta chạy cũng chính từ bàn tay, khối óc, công sức lao động của biết bao người. Nay ta góp sức lại là chuyện nên làm chứ đâu phải làm việc thiện để mong cầu phúc báu”.
Bài, ảnh: NGỌC GIANG