Khu công nghiệp Bình Hòa (xã Bình Hòa, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang) là một trong những khu công nghiệp lớn của tỉnh với diện tích (theo quy hoạch) 132ha, trong đó diện tích đất công nghiệp có thể cho thuê khoảng 96ha. Khu công nghiệp có 12 DN đang hoạt động, trong đó có 5 DN FDI (DN có vốn đầu tư nước ngoài). Các DN này đã giải quyết việc làm cho 18.000 lao động, chủ yếu là lao động trong tỉnh và một số ở các tỉnh lân cận, như: Đồng Tháp, Kiên Giang... Lượng lao động lớn đã tạo điều kiện thuận lợi để các loại hình dịch vụ phụ trợ quanh khu công nghiệp nở rộ, nhất là dịch vụ ăn uống, hàng tiêu dùng và nhà trọ.
Mỗi buổi sáng, đoạn đường chính từ ngã ba lộ tẻ đến gần UBND xã Bình Hòa trở nên ồn ào náo nhiệt. Hàng trăm xe đẩy lưu động, hàng quán bán bánh mì, các loại bánh, đồ ăn sáng... phục vụ công nhân các công ty trong khu công nghiệp. Vào giờ tan tầm buổi chiều, các sạp hàng quần áo, đồ gia dụng, như: Giày dép, nón, túi xách... và các xe đẩy bán thức ăn chín, sống trở thành tâm điểm thu hút khách hàng.
Ở phía đối diện, đoạn đường từ ngã 3 lộ tẻ theo hướng Tri Tôn cũng nhộn nhịp không kém. Chị Thái Thị Diệu (làm việc tại Công ty TNHH NV APPAREL) cho biết, hiện nay, các dịch vụ quanh khu công nghiệp phát triển khá mạnh, đáp ứng được nhu cầu mua sắm, sinh hoạt của công nhân.
Dịch vụ tại các khu, cụm công nghiệp đã đáp ứng một phần nhu cầu của công nhân
Cùng với các dịch vụ khác, nhà trọ là một trong những nhu cầu cấp thiết của công nhân. Nắm được nhu cầu trên, năm 2016, anh Lê Phước Hùng xây dựng nhà trọ Kim Anh, số lượng 7 phòng. Dần dần, số lượng công nhân đông, anh Hùng bắt đầu mở rộng nhà trọ lên 10, 18, 54 và cuối cùng là 89 phòng như hiện nay.
Theo anh Hùng, cùng với sự phát triển của các công ty, lượng NLĐ đến làm việc khá nhiều nên nhu cầu về chỗ ở lớn. “Thấy NLĐ có được nơi làm việc tại địa phương thay vì đi làm xa như trước, tôi cũng phấn khởi. Nếu điều kiện cho phép, thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô, số lượng phòng trọ để đáp ứng nhu cầu cho công nhân”- anh Hùng chia sẻ.
Nằm cách TP. Long Xuyên khoảng 8km, Cụm công nghiệp Phú Hòa (thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn) được đầu tư xây dựng với tổng diện tích (quy hoạch đến năm 2025) 50ha, trong đó, đất công nghiệp có thể cho thuê 36ha. Các lĩnh vực hoạt động chính của cụm công nghiệp Phú Hòa là: Chế biến cá tra xuất khẩu, xay xát lúa gạo, lau bóng gạo xuất khẩu, sản xuất cột bê-tông, xưởng may... Hiện nay, lượng công nhân làm việc khá đông kéo theo các loại hình dịch vụ phát triển không kém.
Gia đình ông Ngô Thanh Sơn mở quán giải khát ở thị trấn Phú Hòa. Ngày trước, ông và vợ sống bằng nghề làm thuê tự do. Về sau, ngày càng lớn tuổi, thấy không đủ sức, các con tích góp số vốn để ông bà mở quán nước giải khát.
Theo ông Sơn, 3 năm trở lại đây, dịch vụ “ăn theo” ở các công ty nhộn nhịp, xôm tụ hẳn, nhất là từ sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nhiều lao động trở về quê làm việc. Từ ăn uống, mua sắm gia dụng, thậm chí sân thể thao, chợ, cửa hàng... đều có đủ, không phải tìm kiếm đâu xa. Bên cạnh đó, một phần các công ty gần trung tâm thị trấn, gần chợ của địa phương nên các dịch vụ khác ngày phát triển đa dạng, cơ sở quy mô hay buôn bán nhỏ lẻ đều có điều kiện phát triển.
“Chắc nhờ chịu khó nên khách hàng thương, quán phát triển dần, thu nhập cũng khá lên. Tiêu chí bán cho công nhân là bình dân, chất lượng, không riêng giải khát mà hầu hết các mặt hàng muốn bán ở gần công ty, xí nghiệp phải nắm rõ yêu cầu này mới hoạt động bền được. Ngày trước, người dân chỉ bán quanh cụm công nghiệp hoặc trước công ty, vào 2 buổi sáng và chiều, bày ở vỉa hè tạm bợ. Dần dần NLĐ đến làm việc đông hơn, dịch vụ nhiều hơn, việc bán buôn vừa được chính quyền nhắc nhở, vừa là một phần ý thức của bà con nên sắp xếp trật tự, sạch sẻ...”- ông Sơn tâm sự.
Cùng với sự phát triển của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các loại hình dịch vụ bắt đầu nở rộ. Nhiều hộ dân sống ven các khu kinh tế từng bước chuyển đổi nghề nghiệp, lựa chọn cung cấp, kinh doanh các dịch vụ đáp ứng nhu cầu, đời sống công nhân.
Bên cạnh sự phong phú, tiện lợi của các dịch vụ, thực tế cho thấy vẫn còn một số bất cập, như: Chất lượng các mặt hàng, dịch vụ cung cấp chưa đồng đều; tình trạng hàng giả, nhái nhãn mác, vi phạm kiểu dáng công nghiệp các thương hiệu nổi tiếng vẫn diễn ra phổ biến. Do đó, bài toán về quản lý chất lượng các dịch vụ đang trở thành vấn đề đặt ra đối với cơ quan quản lý và chính quyền địa phương.
ĐỨC TOÀN