“Nóng” ở trạm BOT T2

11/01/2018 - 01:15

 - Từ khuya 9-1 cho đến sáng 10-1, Trạm thu phí T2 đã nhiều lần xả trạm do bị tài xế chạy tuyến An Giang - Kiên Giang phản ứng, cho xe vào “bịt kín” các làn thu phí. Hầu hết lái xe không chấp nhận việc giảm giá mà yêu cầu di dời trạm BOT đặt vô lý này.

Trăm dâu đổ đầu… tài xế

Ghi nhận của phóng viên Báo An Giang, cho đến trưa 10-1, nhiều tài xế khi lưu thông từ An Giang vào Quốc lộ (QL) 80 đi Kiên Giang và hướng ngược lại vẫn không chấp nhận mua vé khi qua trạm T2. Khi thấy tài xế nào phản ứng quá thì nhân viên… cho qua luôn không cần mua vé. Do vậy, khu vực trạm T2 không bị ùn tắc giao thông như lúc khuya 9-1, rạng sáng 10-1. Đối với tài xế đi hướng Cần Thơ hoặc đi Kiên Giang nhưng không phản ứng, vẫn… mua vé bình thường.

Chị Cao Thị Vân, nhà ở chợ Tân Hiệp (huyện Tân Hiệp, Kiên Giang), chủ xe kiêm tài xế xe tải 8 tấn, là người phản đối gay gắt trạm T2 từ khuya 9-1. Chị Vân cho biết, mỗi ngày, chị chở từ 2-3 chuyến rau, củ, quả từ chợ Tân Hiệp về chợ Long Xuyên và ngược lại. Với mức thu phí 75.000 đồng/lượt (150.000 đồng/chuyến đi và về), chị Vân phải đóng tiền “oan” cho trạm thu phí từ 300.000-450.000 đồng/ngày.

“Tôi đi hướng QL 80 về An Giang, chỉ “ké” vô QL91 có một đoạn mà phải đóng phí toàn tuyến. Nhà tôi có 3 xe tải chở hàng, bình quân phải đóng tiền cho trạm T2 từ 20-30 triệu đồng/tháng. Cước phí chở thuê thì không thể tăng, vừa đóng tiền trả góp xe, vừa phải chịu phí qua trạm cao ngất ngưỡng thì làm sao chịu nổi” - chị Vân bức xúc.

Trạm T2 buộc phải xả trạm nhiều lần do tài xế phản ứng

Khoảng 22 giờ 30 phút tối 9-1, chị Vân cùng một nữ tài xế xe 7 chỗ và một nhóm tài xế đi từ hướng An Giang qua Kiên Giang đã “chắn” hết các làn thu phí để phản đối, khiến trạm T2 xả trạm lần đầu tiên vào lúc 23 giờ cùng ngày. Từ đó đến sáng 10-1, tài xế liên tục phản đối khiến trạm T2 tiếp tục xả trạm.

“Tôi lái xe tải loại 1,4 tấn chở hàng thuê, mỗi tháng kiếm 7-8 triệu đồng nuôi gia đình. Mỗi lần qua trạm T2 tốn hết 35.000 đồng, tính ra mất khoảng 1,5 triệu đồng/tháng nhưng cước chở hàng vẫn giữ nguyên, không dám tăng vì sợ mất mối” - anh Nguyễn Hải Đăng, ấp Hòa Long B (thị trấn An Châu, Châu Thành) chia sẻ.

Di dời là hợp lý

Trở lại câu chuyện đặt trạm T2 để thu phí dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL91 (đoạn Km14+00 đến Km50+889, thuộc địa phận TP. Cần Thơ theo hình thức hợp đồng BOT), dường như có sự “đánh lận con đen” ngay từ đầu.

Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải (GTVT) Ngô Công Thức cho biết, tuy dự án nằm trên địa phận TP. Cần Thơ nhưng trong quá trình thẩm định dự án ban đầu, Bộ GTVT có mời Sở GTVT dự họp. “Tại cuộc họp ngày 1-11-2013, Bộ GTVT chỉ thống nhất đặt 1 trạm thu phí tại khoảng Km14+770 (trạm T1, phường Phước Thới, quận Ô Môn), không có trạm thứ 2 tại Km50+050 (trạm T2, đặt tại phường Thới Thuận, quận Thốt Nốt, TP. Cần Thơ). Tuy nhiên, khi vận hành thu phí lại có thêm trạm T2. Trạm này bị người dân và doanh nghiệp phản ứng gay gắt vì phương tiện tham gia giao thông trên QL80 qua đoạn đường QL91 khoảng 750m (đây là đoạn trùng giữa QL91 và QL80) nhưng phải đóng phí như đi trên toàn tuyến là rất bất hợp lý” - ông Thức thông tin.

Tại công văn số 820/TB-BGTVT, ngày 1-11-2013 của Bộ GTVT, thông báo kết luận của Thứ trưởng Nguyễn Văn Thể (nay là Bộ trưởng Bộ GTVT) nêu rõ: Thống nhất vị trí đặt trạm thu phí tại khoảng Km14+770, đồng thời, “giao Ban Quản lý dự án (QLDA) 1 chỉ đạo tư vấn khẩn trương hoàn thiện phương án đặt trạm trước ngày 5-11-2013. Ban QLDA chủ trì làm việc thỏa thuận với UBND TP. Cần Thơ và UBND tỉnh An Giang”. Tuy nhiên, việc đặt thêm trạm T2 không hề tham khảo ý kiến hay thỏa thuận với UBND tỉnh An Giang như thông báo. Do vậy, từ khi trạm T2 tiến hành thu phí đến nay, Sở GTVT và Hiệp hội Vận tải ôtô An Giang đã nhiều lần đề xuất Bộ GTVT xử lý bất cập của trạm.

Ngày 6-12-2017, tại buổi làm việc với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo tỉnh An Giang một lần nữa kiến nghị di dời trạm thu giá sử dụng đường bộ T2 trên QL91. Trong Công văn số 05/TB-VPCP, ngày 4-1-2018 của Văn phòng Chính phủ nêu rõ kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về vấn đề này: Giao Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan và địa phương có liên quan kiểm tra, đánh giá để có phương án đặt trạm (T2) phù hợp nhất trước khi khánh thành cầu Vàm Cống, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Thời điểm khánh thành cầu Vàm Cống đã cận kề nhưng trạm T2 vẫn cứ điềm nhiên thu phí. Cùng với nỗi lo của cánh tài xế An Giang - Kiên Giang, người dân và doanh nghiệp An Giang có thể lại thêm mất tiền “oan” cho trạm T2 khi qua lại cầu Vàm Cống.

“Tôi thấy tháo dỡ luôn trạm T2 là hợp lý nhất bởi phương tiện nào sử dụng tuyến QL91 (đã nâng cấp) đều phải qua trạm T1 ở quận Ô Môn. Chỉ cần mua vé và soát vé luôn ở trạm T1 là xong, cần chi phải mua vé trạm T1 rồi qua trạm T2 soát vé (hoặc mua vé T2, soát vé T1), vừa phiền phức, vừa bất hợp lý” - anh Cao Thiên Trung, phường Mỹ Phước (TP. Long Xuyên) kiến nghị.

 

Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN