“Thủ phủ” vải thiều Lục Ngạn sẵn sàng đón thương nhân

08/05/2021 - 12:16

Những ngày này, nông dân "thủ phủ" vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đang đẩy mạnh chăm sóc vườn vải thiều theo quy trình VietGAP, GlobalGAP để có những quả vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Bà con cho biết, do năm nay thời tiết thuận lợi nên tỷ lệ vải thiều ra hoa đạt tới 95%, hứa hẹn một mùa vải bội thu.

Chủ động áp dụng tiến bộ kỹ thuật chăm sóc vải thiều

Nhờ áp dụng quy trình VietGAP cùng với những tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc 1,5ha vải thiều nên những vụ vải gần đây, hộ ông Lường Văn May (thôn Hóa, xã Tân Sơn) thường rất sai quả, mẫu mã đẹp, bán được giá cao. 3 vụ vải gần đây, năm nào gia đình ông cũng thu được 6 - 16 tấn quả, với giá bán trung bình 30.000 đồng, sau khi trừ mọi chi phí gia đình ông lãi xấp xỉ 400 triệu đồng.

Ông May cho biết, đối với những hộ thu hoạch vải thiều muộn hơn 10 ngày, thậm chí có năm giá bán còn đạt 60.000-70.000 đồng/kg đối với vải thiều đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Năm 2021, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) có 15.450ha vải thiều, tăng 160ha so với năm 2020. Ảnh: Sở NNPTNT Bắc Giang

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Ngạn Trần Văn Minh cho biết, nhận thấy cây vải trồng theo quy trình VietGAP đem lại giá trị kinh tế cao hơn nên bà con đã chủ động tìm hiểu và áp dụng, nhất là người dân các xã như Tân Sơn, Cấm Sơn, Hộ Đáp, Sơn Hải… 

Đặc biệt, vụ vải năm 2020, Tân Sơn và Hộ Đáp là 2 trong số 6 xã trong huyện được cấp mã vùng sản xuất vải thiều xuất sang Nhật.

Theo báo cáo của UBND huyện Lục Ngạn tại cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh mới đây, năm 2021, huyện có 15.450ha vải thiều, tăng 160ha so với năm 2020. 

Mới đây Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an) đã đồng ý cho 164 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam đến tỉnh Bắc Giang khảo sát, đàm phán và thu mua vải thiều.

Trong đó diện tích trồng vải thiều theo quy trình VietGAP là 12.400ha, tăng 700ha. Sản lượng vải thiều ước đạt hơn 120.000 tấn (trong đó vải chín sớm khoảng 30.000 tấn). Dự báo thời gian thu hoạch vải sớm từ ngày 20/5, vải chính vụ từ ngày 10/6 - 20/7.

Đối với vải thiều xuất khẩu, hiện toàn huyện có 36 mã số vùng trồng đã được Trung Quốc chấp thuận, 18 mã số vùng xuất khẩu vào thị trường EU, và 27 mã số vùng trồng (tăng 9 mã số với năm 2020) đối với thị trường Nhật Bản. 

Tất cả diện tích này đều được chăm sóc, kiểm soát chất lượng và được làm truy xuất nguồn gốc. Định kỳ 1-2 tuần, cán bộ nông nghiệp huyện sẽ kiểm tra quy trình sản xuất và tra nhật ký trồng trọt của các xã để kịp thời hướng dẫn, bổ sung phương pháp chăm sóc phù hợp.

Để bảo đảm đầu ra cho vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang xác định yếu tố vô cùng quan trọng chính là xúc tiến thương mại. Từ năm 2016 đến nay, địa phương này đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến cũng như diễn đàn kinh tế để thúc đẩy tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh như mỹ Chũ, mật ong, nấm…

Lãnh đạo UBND tỉnh và một số đơn vị thăm vườn vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản của hộ ông Nguyễn Văn Sơn, thôn Đồng Giao, xã Quý Sơn (Lục Ngạn). Ảnh: BBG

Năm nay huyện vẫn tập trung cho các thị trường xuất khẩu chính, gồm: Trung Quốc, Mỹ, một số nước EU và Nhật Bản. Duy trì 236 mã số cơ sở đóng gói; 1 cơ sở xông hơi khử trùng, đóng gói.

Đảm bảo phòng dịch

Tại buổi làm việc với huyện Lục Ngạn vừa qua, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đánh giá cao các bước sản xuất và chuẩn bị tiêu thụ vải của huyện Lục Ngạn.

 Trước mắt, ông Tuấn yêu cầu huyện tập trung chăm sóc vải, hạn chế thấp nhất dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên quả. Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, doanh nghiệp xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giao thông thông suốt. Đặc biệt là bảo đảm tốt nhất an ninh cho các doanh nhân trong và ngoài nước đến thu mua, vận chuyển vải đi tiêu thụ.

Huyện quản lý, tạo điều kiện thuận lợi trong việc đưa đón, nơi ăn nghỉ, cách ly tốt nhất cho thương nhân Trung Quốc. Trong đó việc cách ly phòng, chống dịch Covid-19 phải thực hiện nghiêm ngặt.

Để đáp ứng đủ các điều kiện có thể tham gia thu mua vải thiều, các thương nhân Trung Quốc phải thực hiện các biện pháp cách ly y tế phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm đúng quy định. Theo đó, các thương nhân Trung Quốc phải có giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 do cơ sở y tế có thẩm quyền của Trung Quốc cấp trong thời gian 3 ngày.

Các thương nhân Trung Quốc cũng phải tuân thủ cách ly tập trung theo đúng quy định (không có trường hợp ngoại lệ) và được xét nghiệm 2 lần khi vào và trước khi ra khỏi khu cách ly tập trung...

Theo Dân Việt