“Tiền hiền của các bậc tiền hiền”

03/07/2020 - 06:30

 - Lịch sử hình thành và phát triển vùng đất Nam Bộ ngày nay đã ghi dấu biết bao công lao của các bậc tiền nhân, trong đó có đệ nhất công thần Nguyễn Hữu Cảnh (1650-1700). Ông là một trong những người có công lớn trong việc khai phá và trấn giữ vùng đất An Giang, được tôn kính là “Tiền hiền của các bậc tiền hiền”.

Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh tên thật là Nguyễn Hữu Kính (thôn Phước Long, xã Chương Tín, huyện Phong Lộc, Quảng Bình), thuộc gia đình dòng dõi Đức Nhị Khê- Nguyễn Trãi. Xuất thân trong một gia đình võ tướng, am tường quốc sự, sinh ra và lớn lên trong giai đoạn chiến tranh khốc liệt, sự thôn tính của ngoại bang, thuở nhỏ ông đam mê rèn luyện văn võ, để cùng cha và anh lo việc quân.

Chứng kiến cảnh đau xót, mất mát, tàn phá của chiến tranh ngay từ thời niên thiếu, ông tham gia vào các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cầm quân, thống lĩnh, xông pha nhiều trận mạc để giúp nước, an dân, mở mang bờ cõi biên cương.

Tái hiện hình tượng Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh trong chương trình lễ kỷ niệm 320 năm ngày mất của ông tại TP. Long Xuyên

Dấu chân của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh hầu như in khắp vùng đất này, từ Long Xuyên, Châu Đốc đến Chợ Mới. Với những chiến công hiển hách, công lao to lớn trong việc khai mở vùng đất Nam Bộ, Nguyễn Hữu Cảnh được xem là người đầu tiên bố trí hệ thống quản lý nhà nước trên miền đất mới. Nhờ đó, vùng đất Nam Bộ ngày nay đã được xác lập chủ quyền, những lưu dân được thừa nhận là công dân Việt Nam, ruộng đất khai phá được xác nhận, làng mạc được bảo vệ.

Chính ông là người có công khơi lại và phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ quyền quốc gia, dân tộc, là trung tâm đoàn kết những người dân tứ xứ đến vùng đất Nam Bộ khai hoang, mở cõi. Mùa Xuân năm Canh Thìn, Nguyễn Hữu Cảnh đem quân kinh lược vùng ĐBSCL, đánh tan đạo quân xâm lược của Nặc Ông Thu ở Chân Lạp, rồi kéo quân về đóng ở cù lao Cây Sao (nay là cù lao Ông Chưởng, Chợ Mới). Sau đó, ông lâm bệnh nặng và mất vào tháng 5-1700 tại Rạch Gầm (Tiền Giang), thọ 51 tuổi.

Để tỏ lòng tri ân đối với công đức và những đóng góp to lớn của ông, nhiều tỉnh, thành phố phía Nam - những nơi mà ông đã đi qua, chính quyền địa phương và nhân dân đều lập đền thờ, đặt tên cho trường học hay các công trình giao thông. Tại An Giang có đình Bình Đức, đình Mỹ Phước (TP. Long Xuyên), đình Châu Phú (TP. Châu Đốc), đình Đa Phước (An Phú), đình Long Kiến, đình Kiến An, dinh Ông và dinh Chưởng Binh Lễ (Chợ Mới).

Các dinh, đình và đền thờ này hàng năm đón hàng chục ngàn lượt người đến tham quan, chiêm bái và kính viếng. Sắp tới, TP. Long Xuyên sẽ có con đường mang tên Nguyễn Hữu Cảnh (Khu Tây Đại học, phường Mỹ Phước), đường Chưởng Binh Lễ (phường Mỹ Thạnh), Trường Tiểu học Nguyễn Hữu Cảnh (xã Mỹ Hòa Hưng) và Trường THPT Chưởng Binh Lễ (phường Mỹ Bình).

 Theo Thành ủy Long Xuyên, phát huy truyền thống lịch sử vẻ vang của Chưởng cơ - Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh cùng biết bao thế hệ đã dày công tạo dựng vùng đất Nam Bộ nói chung, vùng đất Long Xuyên nói riêng, trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Long Xuyên đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân trong 20 năm qua đạt từ 12,5-13%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng thương mại, dịch vụ và công nghiệp, thu ngân sách hàng năm tăng bình quân từ 10% trở lên, năm 2020 là năm thứ 2 địa phương tự cân đối thu chi ngân sách.

“TP. Long Xuyên đã và đang tăng tốc trong việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và chỉnh trang đô thị; nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh thực hiện nhiều dự án đầu tư, bao phủ hết phần diện tích đất còn trống từ đường Trần Hưng Đạo đến đường tránh TP. Long Xuyên, với tổng vốn đăng ký đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng. Thành tựu nổi bật nhất là sau hơn 10 năm phấn đấu, Long Xuyên đã được Hội đồng thẩm định Trung ương đánh giá cao và thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Nhân kỷ niệm 320 năm ngày mất của Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, bằng những việc làm thiết thực để phát huy hơn nữa truyền thống cách mạng kiên cường của thành phố quê hương Bác Tôn kính yêu; tiếp tục đổi mới, quyết tâm xây dựng TP. Long Xuyên ngày càng văn minh, thông minh, hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Long Xuyên Đặng Thị Hoa Rây bày tỏ.

Nguyễn Hữu Cảnh được tặng tế lễ “Tráng Hoàn Hầu Nguyễn Hữu Cảnh” (1737), được liệt vào miếu Khai quốc công thần (1810), truy tặng tước vị Khai quốc công thần, Tráng võ tướng quân, Thần cơ Đô Thống, tước Vĩnh An Hầu, thụy là Tráng Hoàng (1831), Thượng Đẳng Thần Nguyễn Hữu Cảnh, Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1852). Người dân An Giang còn gọi thêm Đức Công, Ông Công...

 

Bài, ảnh: GIA KHÁNH